Triển khai Đề án 06 tại Hà Nội:

Quyết tâm làm điểm tốt, xứng đáng với vị trí, vai trò của Thủ đô

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, TP Hà Nội phấn đấu 100% người dân khi thực hiện TTHC tại bộ phận Một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đã kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ Công TP, không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về công dân đã có trong CSDLQG về dân cư.
Cán bộ, chiến sĩ Công an phường Vĩnh Phúc đã trực tiếp hướng dẫn từng người dân làm quen với các bước thực hiện dịch vụ công trên nền tảng điện tử. Ảnh: Văn Biên
Cán bộ, chiến sĩ Công an phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình trực tiếp hướng dẫn người dân làm quen với các bước thực hiện dịch vụ công trên nền tảng điện tử. Ảnh: Văn Biên

Theo số liệu thống kê, đến nay, 100% UBND cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo 06 và Tổ công tác 06. Toàn TP có 5.859 Ban Chỉ đạo, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 để triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại cấp cơ sở.

Trong đó, lực lượng Công an với vai trò nòng cốt đã thành lập 100% Tổ công tác 06 tại các cấp để trực tiếp tham mưu Ban Chỉ đạo 06 UBND các cấp triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Đề án.

Hoạt động của các Tổ công tác 06 tại các thôn, bản, tổ dân phố phát huy vai trò tích cực, thường xuyên và là lực lượng nòng cốt đặc biệt trong công tác truyền thông, vận động và hướng dẫn công dân về các lợi ích của Đề án cũng như là đội ngũ hỗ trợ tích cực trong việc triển khai các nội dung liên quan đến làm sạch dữ liệu như: Dữ liệu trẻ em, người có công (ngành Lao động - Thương binh và xã hội); dữ liệu của các tổ chức chính trị, chính trị xã hội (Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh….), lực lượng xung kích tình nguyện hỗ trợ về công nghệ thông tin, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến, tổ công nghệ cộng đồng (Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, các tổ dân phố….).

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP hiện đang là hệ thống thử nghiệm và đã thực hiện kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và các Hệ thống chuyên ngành theo đúng quy chuẩn kỹ thuật hiện nay. Hệ thống đã đánh giá đủ điều kiện bảo mật, an ninh, an toàn thông tin, đáp ứng kết nối theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về dân cư; thực hiện khai thác dữ liệu từ CSDLQG về dân cư phục vụ việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Đối với danh mục 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP, đến ngày 30/12/2022, TP đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 (đạt 100%). Theo đó, công dân trên địa bàn Thủ đô đã có thể sử dụng toàn bộ 25 dịch vụ công thiết yếu tích hợp trên các Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công TP và Cổng dịch vụ công các bộ, ngành.

Riêng đối với 2 DVC liên thông được thí điểm tại TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam: "Đăng ký khai sinh đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí", hai địa phương triển khai điểm từ ngày 22/11/2022. Sau 01 tháng triển khai đã tiếp nhận tổng số 3.358 hồ sơ yêu cầu thực hiện liên thông. TP Hà Nội đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan trong việc tháo gỡ và điều chỉnh quy trình phù hợp với thực tế triển khai.

Theo Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hồng Ky, với chủ đề năm 2023 được Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số chọn là "Năm dữ liệu quốc gia", TP đã tập trung chỉ đạo việc thu thập dữ liệu, góp phần xây dựng, hoàn thiện các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống", có kết nối, chia sẻ để phục vụ các nhiệm vụ chung.

Phấn đấu năm 2023 đưa vào vận hành chính thức Cổng dịch vụ công của TP; nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố, đảm bảo tối thiểu 50% hồ sơ phát sinh được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến.

Bên cạnh đó, chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở xác thực, chia sẻ bằng dữ liệu của CSDLQG về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

“TP Hà Nội cũng phấn đấu 100% người dân khi thực hiện TTHC tại Bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đã kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ Công TP, không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về công dân đã có trong CSDLQG về dân cư”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky thông tin.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), TP Hà Nội xác định rõ vai trò, trách nhiệm khi được Chính phủ chọn làm điểm, làm mẫu trong việc thực hiện Đề án trên cả nước. Lãnh đạo TP đã khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn TP trong việc triển khai thực hiện Đề án 06, xứng đáng với vị trí, vai trò của Thủ đô.

Xây dựng Hà Nội xứng tầm trung tâm du lịch lớn của cả nước, khu vực Xây dựng Hà Nội xứng tầm trung tâm du lịch lớn của cả nước, khu vực
Tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia Tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia
Giúp người dân tiếp cận tiện ích của dịch vụ công Giúp người dân tiếp cận tiện ích của dịch vụ công
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nhân khẩu” triển khai Đề án 06 “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nhân khẩu” triển khai Đề án 06

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.