Hòa giải cơ sở hiệu quả nhờ triển khai nề nếp, bám sát Luật

Sau khi Luật Hoà giải cơ sở ra đời, hoạt động hoà giải đã đi vào quy củ hơn với điều kiện cụ thể lựa chọn thành viên tổ hoà giải. Cùng đó là các chương trình tập huấn cho đội ngũ hoà giải viên cụ thể, rõ ràng hơn giúp nâng cao hiệu quả hoà giải, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa bàn.
Một buổi hoà giải vụ việc tranh chấp ngõ đi chung tại địa bàn phường Phú Đô dưới sự chủ trì của lãnh đạo UBND phường và sự tham gia của tổ hòa giải. 	ảnh V.H
Một buổi hoà giải vụ việc tranh chấp ngõ đi chung tại địa bàn phường Phú Đô dưới sự chủ trì của lãnh đạo UBND phường và sự tham gia của tổ hòa giải. Ảnh V.H

Là người làm công tác tư pháp với thời gian dài, bà Trần Thị Hồng Thu, cán bộ tư pháp phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã chứng kiến những đổi thay trong chính sách về hoà giải cơ sở. Bà Hồng Thu chia sẻ: Để đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn thì công tác hoà giải tại cơ sở vô cùng quan trọng, người làm công tác hoà giải phải nắm bắt được sự việc ngay từ khi mới manh nha để kịp thời chia sẻ, giải toả, tuyên truyền cho các bên hiểu và không bùng phát mâu thuẫn... Và bên cạnh yếu tố chính tạo nên sự thành công của các buổi hoà giải là các thành viên tổ hoà giải thì cơ sở pháp lý, có chế chính sách để các tổ hoà giải hoạt động cũng góp phần tạo nên hiệu quả hoà giải ở cơ sở.

Theo bà Hồng Thu, trước đây các hoạt động của tổ hòa giải không được bài bản như sau khi có Luật Hòa giải ở cơ sở. Luật quy định rõ các điều kiện để kiện toàn tổ hoà giải với các tiêu chuẩn rõ ràng của hoà giải viên. Việc bầu được thực hiện theo quy trình, phải có ý kiến Nhân dân. Hằng năm đều kiện toàn lại Tổ hoà giải và có công tác kiểm tra về hồ sơ của hoà giải viên; Các buổi hoà giải được hướng dẫn cụ thể, rõ cách bước về cách ghi hồ sơ, biên bản nên cán bộ hoà giải rất thuận lợi khi làm việc.

Đồng thời, khi có Luật Hòa giải ở cơ sở, những thành viên tổ hoà giải đã được tập huấn đầy đủ, chi tiết hơn. Đặc biệt, sự ra đời của Luật với quy định cụ thể về chế độ chính sách cho hoà giải viên, chế độ thăm nom rõ ràng... cũng đã động viên tinh thần của những thành viên tổ hoà giải. "Luật dù ngắn gọn nhưng lại rõ ràng, chi tiết giúp hoà giải được những vụ việc nhỏ tránh phát sinh to. Luật Hòa giải ở cơ sở là hành lang pháp lý cho hoà giải viên bám vào hoạt động tốt để đảm bảo đoàn kết tại khu dân cư, hạn chế vụ việc vi phạm an ninh trật tự", bà Hồng Thu nói.

Để nâng cao chất lượng của hoà giải viên, bà Hồng Thu cho biết, tại phường Phú Đô mỗi năm tổ chức 2 lần tập huấn về công tác này. Đồng thời, khi lựa chọn tổ trưởng tổ hoà giải thường chọn những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoà giải, có uy tín trong Nhân dân hoặc những người là nắm giữ vị trí quan trọng trong dòng tộc. Chính vì vậy, những vụ vi

ệc dù mới phát sinh hay diễn biến phức tạp khi có tiếng nói của những thành viên này thì những vụ việc mâu thuẫn trong gia đình, họ hàng đến việc làng xóm tranh chấp ngõ đi chung... đều được giải quyết ổn thoả, tránh việc đơn thư vượt cấp và không phát sinh bạo lực. Năm nào tỉ lệ hoà giải thành của phường cũng từ 86% trở lên.

Theo thống kê, trên địa bàn phường có 6 tổ hòa giải, trong 10 tháng đầu năm 2021 các tổ hòa giải đã hòa giải tổng số 8 vụ, trong đó hòa giải thành 7 vụ, đạt tỷ lệ hòa giải thành 87,5 %.

Ngoài việc thực hiện đầy đủ chính sách với các thành viên tổ hoà giải từ thanh toán văn phòng phẩm, chi phí họp, chi phí cho mỗi vụ hoà giải thành công thì cuối năm, địa phương đều được đưa vào danh sách khen thưởng các đơn vị đạt "Tổ hoà giải 5 tốt" hoặc cá nhân hoạt động tích cực. Khi tổng kết công tác tư pháp đều mời thành viên tổ hoà giải lên tham dự... Những chế độ chính sách và hình thức động viên này dù không nhiều nhưng cũng đã tạo đà cho các thành viên tổ hoà giải phấn khởi hơn và hoạt động tích cực.

Thời gian qua, để phổ biến, quán triệt Luật Hoà giải ở cơ sở, UBND phường Phú Đô đã gửi đầy đủ tài liệu hướng dẫn Luật hoà giải tới tổ trưởng tổ hoà giải và thành viên tổ hoà giải. Cùng đó, tuyên truyền Luật Hoà giải trên hệ thống loa truyền thanh đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nNhân dân trên địa bàn; Triển khai văn bản thi hành Luật hoà giải và các văn bản hướng dẫn thi hành về Luật Hoà giải ở cơ sở.

Thực hiện chỉ đạo của Phòng Tư pháp - UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường tổ chức bầu hoà giải viên và tổ trưởng tổ hoà giải trên địa bàn phường. Căn cứ vào biên bản kết quả biểu quyết bầu hoà giải viên tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình, danh sách đề nghị công nhận hoà giải viên, biên bản về kết quả biểu quyết bầu tổ trưởng tổ hoà giải, giấy đề nghị công nhận tổ trưởng tổ hoà giải tại 6 tổ dân phố.

Bên cạnh đó, phường tổ chức đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hoà giải viên theo chương trình UBND quận, phòng Tư pháp quận tổ chức. Hàng năm, phòng Tư pháp quận Nam Từ Liêm phát cho UBND phường sổ ghi chép hoạt động cho tổ hoà giải và hướng dẫn ghi chép đầy đủ các nội dung và thông tin trong sổ hoà giải. Cuối năm các tổ hoà giải nộp sổ ghi chép lên Bộ phận Tư pháp và lưu giữ theo quy định.

Cùng đó, tư pháp phường là bộ phận thường trực thường xuyên đôn đốc nhắc nhở đài truyền thanh và các ban, ngành đoàn thể triển khai tuyên truyền kịp thời các văn bản pháp luật, quan tâm tuyên truyền các loại văn bản của Nhà nước mới ban hành về công tác hòa giải ở cơ sở; MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt quan tâm tuyên truyền các văn bản luật mới cho các thành viên hội viên của ngành mình.

Tổ trưởng tổ hòa giải nhiệt tình kết hợp dân vận khéo
Quận Ba Đình: Công tác hòa giải đã xử lý sớm, dứt điểm các mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở
Vai trò của công tác hòa giải trong phòng chống bạo lực gia đình
Để Luật Hòa giải cơ sở đi vào cuộc sống
Thôn xóm bình yên, phát triển nhờ làm tốt công tác hòa giải cơ sở
“Muốn hòa giải thành phải tìm hiểu và phân tích được cái đúng, cái sai của mỗi bên”

Vân Hà

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.