Giải pháp thu hút khách du lịch từ thị trường quốc tế sau đại dịch

Du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, tác động tích cực đến tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, những kết quả ấn tượng này chủ yếu là từ du lịch nội địa, còn đối với du lịch quốc tế, mặc dù đã có nhiều chính sách để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhưng kế quả chưa được như kỳ vọng.
Du khách quốc tế tại Việt Nam
Du khách quốc tế tại Việt Nam

Liên kết tạo sức mạnh cho du lịch Việt

Vừa qua, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch TP HCM phối hợp với Tổng cục Du lịch khai mạc sự kiện “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam”, nhằm hỗ trợ các DN thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết. Đồng thời, bàn giải pháp cụ thể để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, phục hồi và phát triển toàn diện ngành du lịch Việt Nam. Sự kiện được kỳ vọng là bước khởi đầu mạnh mẽ cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các DN lữ hành của TP HCM nói riêng, DN du lịch, khách sạn, vận chuyển và cung ứng dịch vụ du lịch trên cả nước nói chung, với mục tiêu thu hút du khách từ thị trường quốc tế sau đại dịch.

Thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam đang có sự trở lại ấn tượng sau đại dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 6-2022, tổng lượt khách nội địa đạt 60,8 triệu lượt (vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2022), tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch Covid-19). Tuy nhiên, những kết quả ấn tượng này chủ yếu là từ du lịch nội địa, còn đối với du lịch quốc tế, mặc dù đã có nhiều chính sách để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhưng kế quả chưa như kỳ vọng. Đến hết tháng 7-2022, Việt Nam mới đón được 733.000 lượt khách quốc tế, chỉ đạt 15% kế hoạch năm 2022 và bằng 8% cùng kỳ năm 2019.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng cho biết, năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm triển khai thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau 2 năm thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19. TP HCM đang tập trung mọi nguồn lực để phục hồi kinh tế, tạo tiền đề, nền tảng để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn 2023-2025 như mục tiêu đề ra. Trong đó, du lịch là ngành dịch vụ tổng hợp và mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, xã hội hóa cao, tạo ra nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển cho nhiều ngành khác nhau...

Các chuyên gia đã cùng trao đổi về xu hướng phát triển du lịch quốc tế sau những ảnh hưởng to lớn của đại dịch. Ngành du lịch trong nước phải thay đổi để phục hồi nhanh và bền vững về du lịch quốc tế. Trong đó, từ ứng dụng công nghệ mới trong xúc tiến, xây dựng sản phẩm, phát triển các dịch vụ du lịch mới đến phát huy thế mạnh về ẩm thực, nghỉ dưỡng hàng đầu. Các DN cần hợp tác, liên kết để xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt giúp đưa Việt Nam trở thành điểm đến được yêu chuộng của du khách quốc tế và làm lan tỏa hình ảnh của Việt Nam đến toàn cầu.

Bàn giải pháp phục hồi du lịch quốc tế

Theo Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thị trường du lịch có những bước khởi sắc, nhất là hoạt động du lịch nội địa. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội thu hút khách quốc tế vào những tháng cuối năm, ngành du lịch cần tập trung 6 vấn đề: Làm mới sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh hấp dẫn, đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch, tiếp tục hỗ trợ DN.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, nói đến xu hướng du lịch quốc tế ở Việt Nam trong bối cảnh mới, có 7 xu hướng đó là: Du lịch an toàn, du lịch phục hồi sức khỏe, xu hướng lựa chọn phương thức di chuyển, du lịch ngoài trời trở về với thiên nhiên, du lịch gắn với công nghệ cao, sản phẩm du lịch mới. Trên cơ sở đó, ông Tuấn đề ra các giải pháp như: Cần tạo động lực cho các DN phục hồi và phát triển thông qua hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, nên mở đường bay thẳng quốc tế tới các điểm đến an toàn, đặc biệt là xu hướng du lịch không tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.

Đại diện Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đề xuất, cần sớm có kế hoạch chuyển đổi số quốc gia cho ngành du lịch, đây là xu hướng cần phải làm. Cách xúc tiến truyền thống vẫn làm nhưng phải thêm hướng tiếp cận, vẫn tiếp tục hoạt động xúc tiến truyền thống để thu hút khách hàng tiềm năng. Tiếp theo là chúng ta cần xúc tiến các nền tảng công nghệ số, đưa cơ sở dữ liệu sản phẩm đến trực tiếp với khách hàng. Hiện nay cơ sở dữ liệu, các nền tảng số về du lịch ở Việt nam còn thấp, cần sớm thay đổi việc này.

Nhằm phục hồi và thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, các chuyên gia, đại diện các DN, hiệp hội đã đưa ra nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm cộng đồng, theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách du lịch trong giai đoạn mới, tăng sức cạnh tranh cho các điểm đến trong nước…

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, làm mới sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt để tăng khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch… Để giải quyết những vấn đề nêu trên, cần tăng cường liên kết, hợp tác giữa các DN và địa phương nhằm phát huy thế mạnh nổi trội của từng DN, từng địa phương…
Tìm kiếm giải pháp chung tay phục hồi bền vững du lịch Việt Nam
“ Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển”
Du lịch Việt Nam đặt quyết tâm phục hồi trong năm 2022
Phát động mở lại hoạt động du lịch: “Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn” được tổ chức tại Hạ Long
Người Việt "khoái" đi du lịch thứ 2 châu Á

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.