Hà Nội: TAND 2 cấp hoàn thiện mô hình hành chính tư pháp "một cửa" liên thông

Trong 6 tháng đầu năm 2022, TAND 2 cấp TP Hà Nội tiếp tục triển khai và hoàn thiện mô hình hành chính tư pháp “một cửa” liên thông tại tất cả các đơn vị cấp huyện. Trong công tác tiếp công dân, cán bộ được giao làm nhiệm vụ hành chính tư pháp luôn lắng nghe và hướng dẫn tận tình, tăng sự tin tưởng của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi đến làm việc tại Tòa án.
Hà Nội: TAND 2 cấp hoàn thiện mô hình hành chính tư pháp
Một phiên toà rút kinh nghiệm do TAND TP Hà Nội tổ chức bằng hình thức trực tuyến

Thông tin trên được ông Đào Sỹ Hùng, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội nêu ra trong báo cáo về công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của TAND 2 cấp TP Hà Nội tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI diễn ra mới đây.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, TAND 2 cấp TP Hà Nội đã thụ lý 23.163 vụ việc các loại, giải quyết 14.404 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,18%. So với cùng kỳ năm 2021, số thụ lý tăng 40 vụ việc (tăng 0.17%), số giải quyết giảm 52 vụ việc (giảm 0,36%).

Về công tác hành chính tư pháp, TAND 2 cấp TP Hà Nội tiếp tục triển khai và hoàn thiện mô hình hành chính tư pháp “một cửa” liên thông tại tất cả các đơn vị cấp huyện. Trong công tác tiếp công dân, cán bộ được giao làm nhiệm vụ hành chính tư pháp luôn tôn trọng, lắng nghe và hướng dẫn tận tình, chu đáo, tăng sự tin tưởng của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi đến làm việc tại Tòa án.

TAND TP Hà Nội tiếp tục vận hành Trang thông tin điện tử của TAND TP Hà Nội hướng dẫn thủ tục để người dân có thể tham khảo như: Thủ tục sao lục bản án và quyết định của Tòa án; hướng dẫn thủ tục xóa án tích; thủ tục khởi kiện vụ án dân sự; thủ tục khởi kiện vụ án hành chính; thủ tục tuyên bố phá sản; công khai lịch xét xử của hai cấp TAND TP Hà Nội; công bố kết quả giải quyết đơn khởi kiện; công bố thông tin người vắng mặt nơi cư trú; công bố ủy thác tư pháp, công bố thông báo phá sản của 2 cấp TAND TP Hà Nội tạo được sự tin tưởng của công dân trong quá trình giải quyết các vụ án.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, TAND 2 cấp TP Hà Nội đã công bố được 5.253 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; trong đó, TAND TP Hà Nội công bố được 677 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; TAND cấp huyện công bố được 4.576 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Bên cạnh đó, công tác triển khai Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Ngay sau khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực, các đơn vị thuộc TAND TP Hà Nội đã tiến hành lựa chọn nhân sự, chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như phổ biến các quy định của pháp luật, cũng như những kỹ năng trong quá trình hòa giải, đối thoại cho các Hòa giải viên. Đến nay 27/31 đơn vị thuộc TAND 2 cấp TP Hà Nội đã chính thức triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số Thẩm phán, Thư ký của các đơn vị và cả đương sự, người tham gia tố tụng mắc Covid-19 dẫn đến công tác xét xử gặp nhiều khó khăn... nhưng về cơ bản công tác chuyên môn vẫn được đảm bảo.

TAND 2 cấp TP Hà Nội đã giải quyết được 14.404 vụ việc các loại, trong đó có nhiều vụ án trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Công tác hành chính tư pháp tiếp tục được đổi mới; cả 2 cấp Tòa án đều chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính công-đặc biệt là tăng cường thực hiện công khai bản án, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn trong việc phục vụ yêu cầu chính đáng của Nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, TAND 2 cấp TP Hà Nội vẫn còn một số vụ án chậm giải quyết; một số đơn vị vẫn còn chậm triển khai Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đến nay chưa triển khai được xét xử trực theo Nghị quyết số 33/2021/QH15. Nguyên nhân của những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chính như: nhiều đơn vị thuộc TAND cấp huyện gặp khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phi hoạt động. Trụ sở làm việc của nhiều đơn vị rất chật hẹp, trang thiết bị không đầy đủ. Trong khi đó hiện nay kinh phí cho việc cải tạo sơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị như bàn ghế, máy tính chưa có nên khó khăn khi các hoà giải viên làm việc.

Ngoài ra, để có thể triển khai xét xử trực tuyến các vụ án hình sự, dân sự, hành chính theo yêu cầu của Quốc hội và TAND tối cao thì nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để vận hành hệ thống xét xử trực tuyến là rất cấp thiết.

Trong những năm gần đây, lượng án mà TAND 2 cấp TP Hà Nội phải giải quyết ngày càng tăng, trong khi biên chế không tăng, thậm chí còn giảm. Với tính đặc thù là cơ quan xét xử trên địa bàn Thủ đô, TAND TP Hà Nội thường xuyên được giao giải quyết nhiều vụ án phức tạp, nhạy cảm, được dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm, việc nghiên cứu và tổ chức xét xử những vụ án này cũng rất phức tạp. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án.

Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp nhằm tăng cường tính liêm chính của Tòa án
Giám sát công tác CCHC để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước ở địa phương
Hoạt động bổ trợ tư pháp hỗ trợ đắc lực cải cách tư pháp
Nhiệm vụ trọng tâm cải cách tư pháp được thực hiện đồng bộ, sát thực tế
Nâng cao vai trò luật sư trong tiến trình cải cách tư pháp

Vân Hà

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.