Tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi hơn cho hòa giải viên cơ sở

Hòa giải viên ở cơ sở là người gần dân, sát dân, hiểu được tâm tính, hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ dân, bằng kinh nghiệm của mình, họ phân tích, giải thích cho các bên hiểu về những giá trị cốt lõi của truyền thống đạo đức, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức pháp luật và xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong Nhân dân.
-	Hòa giải viên tiêu biểu Thái Thị Thanh Năm là người có uy tín trong cộng đồng dân cư
Hòa giải viên tiêu biểu Thái Thị Thanh Năm là người có uy tín trong cộng đồng dân cư

Tạo cơ chế tốt hơn cho công tác hòa giải cơ sở

Công tác hòa giải thực tế có những việc rất khó khăn, nhạy cảm, đây lại là công việc mang tính tự nguyện nên đòi hỏi người làm công tác hòa giải phải là người có tâm, có tiếng nói trong cộng đồng, phải có sự hiểu biết về pháp luật… mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Đó là ý kiến của nhiều hòa giải viên khi nói về công tác hòa giải ở cơ sở.

Bà Thái Thị Thanh Năm, một hòa giải viên tiêu biểu tại phường Đại Kim, quận Thanh Xuân, là một người đã có kinh nghiệm 10 năm làm công tác hòa giải. Bản thân bà và tổ hòa giải cơ sở đã hòa giải thành rất nhiều vụ việc mâu thuẫn trong Nhân dân trên địa bàn, kết nối tình làng nghĩa xóm, mang lại bình yên cho khu phố.

Để có được kết quả đó, không chỉ nhờ sự khéo léo, nhanh nhạy trong công tác tuyên truyền, khả năng thuyết phục tốt, mà bà Năm còn là người rất ham học hỏi, trau dồi kiến thức về pháp luật, có tư cách đạo đức tốt và có uy tín trong cộng đồng dân cư.

“Để hòa giải thành một vụ việc, hòa giải viên phải mất rất nhiều thời gian, phải bám cơ sở để nắm được nội dung sự việc và phải đi lại rất nhiều lần để gặp gỡ các bên phân tích, giải thích… khó khăn, vất vả lắm. Do đó, phải là những người vừa có tinh thần trách nhiệm, vừa có tâm, có lực, hòa giải viên mới có thể thực hiện được công việc mang tính tự nguyện này.

Vì vậy, những người làm công tác hòa giải như chúng tôi rất mong được các cấp, các ngành địa phương quan tâm, tăng cường công tác phối hợp, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi hơn cho công tác hòa giải ở cơ sở. Cần tăng cường công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng. Hòa giải viên chủ yếu làm việc kiêm nhiệm trên tinh thần tự nguyện, vì vậy việc khen thưởng đối với những người làm tốt công tác này là rất cần thiết để động viên, khích lệ kịp thời hòa giải viên và tổ hòa giải có đóng góp tích cực cho công tác hòa giải...”, bà Năm bày tỏ.

Bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của hòa giải viên

Bà Nguyễn Thị Biên, Tổ trưởng tổ hòa giải tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, là Bí thư chi bộ kiêm nhiệm cả công tác hòa giải nhưng bà Biên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bà là người đã hòa giải thành nhiều vụ việc, góp phầp đảm bảo ANTT ở tổ dân phố.

Theo bà Biên, làm công tác hòa giải vất vả, khó khăn nhưng mức chi và chế độ đối với hòa giải viên còn thấp. Do đó, hòa giải viên mong muốn được TP, quận, phường quan tâm bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của hòa giải viên.

Xã hội ngày càng phát triển, các vụ việc tranh chấp cũng đa dạng và phức tạp hơn, trình độ dân trí ngày càng cao, trong khi đó trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng của một bộ phận hòa giải viên còn hạn chế nên khó khăn trong thực hiện. Cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho hòa giải viên, hỗ trợ thêm các loại tài liệu để hòa giải viên tự nghiên cứu, phục vụ công tác hòa giải, nhằm nâng cao năng lực hòa giải viên.

Gần 7 năm làm công tác hòa giải được người dân nể trọng, chính quyền địa phương tin tưởng, hòa giải viên Nguyễn Thị Phương, phường Hà Cầu, quận Hà Đông chia sẻ: “Làm hòa giải chiếm rất nhiều thời gian của tôi nhưng được gia đình ủng hộ, tạo mọi điều kiện để tôi có thời gian tham gia công tác hòa giải nhiều năm nay. Dù có những lúc vất vả, mệt mỏi nhưng sau mỗi vụ việc hòa giải thành lại là động lực để tôi tiếp tục cố gắng thực hiện công tác này”.

Bà Phương bày tỏ, quá trình đi hòa giải, nhiều người dân vẫn chưa nhận thức rõ về những người làm công tác hòa giải. Thậm chí có người còn cho rằng, hòa giải viên không có phận sự gì trong việc giải quyết mâu thuẫn của gia đình họ…

Do đó, chính quyền các cấp cần tích cực tuyên truyền phổ biến về hòa giải cơ sở nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác này. Các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cần quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở một cách thực chất và hiệu quả.

Hòa giải viên cần có các kỹ năng lắng nghe và giao tiếp với các bên
Kỹ năng tìm mâu thuẫn, xung đột đối với hòa giải viên
Nữ hòa giải viên gắn kết tình làng, nghĩa xóm
Nâng cao kỹ năng hòa giải cơ sở cho hòa giải viên
Kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.