Tìm giải pháp cho “chuồng cọp” ở các chung cư cũ?

Không chỉ chung cư cũ mà nay, hình ảnh "chuồng cọp" đã dần quen thuộc với hàng loạt căn nhà mặt phố, nơi tấc đất tấc vàng. Với các chung cư cũ xây dựng từ 40 - 50 năm trước, "chuồng cọp" là lựa chọn giúp người dân cơi nới, mở rộng không gian sống.
Nhiều gia đình ở các tập thể cũ hàn kín chuồng cọp, nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ
Nhiều gia đình ở các tập thể cũ hàn kín chuồng cọp, nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ

“Chuồng cọp” bị đóng kín

Không phủ nhận việc xây dựng “chuồng cọp” bên cạnh mục đích mở rộng diện tích sinh sống, đây cũng là nhu cầu cần thiết của người dân nhằm bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng trong bối cảnh tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, nhưng vô hình trung nó lại trở thành “con dao hai lưỡi” khi xảy ra sự cố bởi căn nhà chỉ có một lối thoát duy nhất.

Mới đây khi tác nghiệp một vụ hỏa hoạn khiến 7 người thương vong trong ngõ 65, phố Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội), các PV ghi nhận khu tập thể ở gần hiện trường dày đặc "chuồng cọp" và đã phản ánh về tình trạng này. Theo nhiều người dân, ngoài chức năng cơi nơi không gian sống thì "chuồng cọp" còn giúp bảo vệ gia chủ, chống trộm cắp.

Các "chuồng cọp" càng kiên cố bao nhiêu thì càng rủi ro cho chính chủ nhà bấy nhiêu. Thực tế nhiều vụ cháy nhà đã cho thấy "chuồng cọp" khiến nạn nhân không thể thoát ra ngoài. Trong khi đó, lực lượng chức năng lại gặp khó trong việc tiếp cận hiện trường, di chuyển vào trong để cứu người do gặp rào cản, cần thời gian để phá dỡ khung sắt thép.

Theo nhận định của PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Cảnh sát PCCC: Nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy ở các khu chung cư cũ gần đây chủ yếu vẫn là do ý thức chủ quan của chính người dân, chưa tự tìm hiểu và nâng cao kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, các kiến thức xử lý, thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.

“Với nhiều nhà dù là khu tập thể cũ nhưng đã gắn liền với cuộc sống hàng ngày, là nơi kiếm sống của mỗi người dân. Trong đó, có những hộ gia đình không dễ gì mà thay đổi được nếp sống. Bởi vậy dù biết trước những nguy cơ mất an toàn về tính mạng, tài sản nếu không may xảy ra cháy nổ, nhưng họ đều chấp nhận, thậm chí phớt lờ cảnh báo từ chính quyền và cơ quan chức năng. Nhưng dù sao đi nữa về vấn đề an toàn cũng phải hết sức kiên quyết. Chúng ta phải quan niệm mạng sống của con người là quan trọng nhất”, TS Xiêm khẳng định.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên GĐ Sở Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội cho biết, thiết kế ban đầu của nhà tập thể tại Hà Nội đều đã tính toán đến yếu tố an toàn thoát hiểm. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, vấn đề an toàn, thoát hiểm khi có sự cố không được quan tâm đúng mức. Đồng thời, ý thức giữ gìn an toàn cháy nổ của một bộ phận người dân chưa cao nên từng xảy ra không ít vụ việc đáng tiếc.

"Nguy cơ này đã phát hiện ra từ rất lâu, gần đây nhất PCCC đã gợi ý cho các tổ dân phố rất nhiều cách nhưng để giải quyết tồn tại từ lịch sử này cần phải đồng bộ các yêu cầu nhất là an ninh. Phải có sự hỗ trợ nào đó để người dân chủ động nhưng có sự hỗ trợ của Nhà nước thì mới giải quyết được. Nhiều vấn đề PCCC không phải bản thân một gia đình làm được mà phải liên kết với xung quanh.

Nhận thức về phòng cháy phải đặt lên hàng đầu

Từ tháng 4 đến tháng 10/2021, thực hiện đợt cao điểm "Tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh", điển hình như tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), gần 8.000 "chuồng cọp" được mở cửa tạo lối thoát nạn, đạt gần 50% "chuồng cọp" trên địa bàn.

Kết quả trên ngoài sự tuyên truyền, vận động, thay đổi ý thức của người dân, cần phải kể đến các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương. Cụ thể, các phường đã hỗ trợ kinh phí cho người dân mua sắt làm khung cửa, trả tiền thuê thợ cơ khí để hàn cắt "chuồng cọp" mở lối thoát nạn thứ 2, thậm chí tổ chức các nhóm thợ đi mở cửa "chuồng cọp" cho từng khu dân cư.

Như vậy, đối với các chung cư cũ chưa thể cải tạo, xây mới, thì việc mở lối thoát hiểm từ các công trình cơi nới bất đắc dĩ này, dù chỉ là giải pháp tình thế song cần thiết. Về lâu dài và căn cơ hơn, việc xóa "chuồng cọp" không thể chỉ trông chờ vào ý thức, sự tự giác và "biết sợ" của người dân hay việc mở lối thoát hiểm, mà cần đẩy mạnh các dự án cải tạo chung cư cũ bằng cơ chế, chính sách phù hợp.

Đặc biệt, theo TS Ngô Văn Xiêm, các cơ quan chức năng cần thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật về phòng chống cháy nổ, cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị buông lỏng an toàn về cháy nổ.

TS Xiêm khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với vấn đề an toàn cháy nổ, có sẵn phương án chủ động phòng ngừa để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Khi cơi nới diện tích không gian sống, lắp đặt lồng sắt theo kiểu chuồng cọp nên tham khảo ý kiến của chuyên gia nhằm đảm bảo yêu cầu về thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố. Tuyệt đối không được hàn kín, tránh việc bịt mất lối thoát hiểm. Mỗi "chuồng cọp" nên có một cửa ra. Ở khu vực cơi nới không nên lưu trữ những vật dụng dễ bắt lửa. Chuẩn bị sẵn thang dây để thoát nạn khi xảy ra cháy.

Theo con số thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CHCN (Bộ Công an), chỉ tính riêng trong quý 1/2022, cả nước đã xảy ra 443 vụ cháy, làm chết 21 người, bị thương 25 người; thiệt hại về tài sản khoảng 57,9 tỷ đồng. Trong số đó, cháy nhà dân có tới 174 vụ; cháy nhà ở kết hợp kinh doanh 36 vụ; cháy chung cư và các loại hình khác là 9 vụ. Thiệt hại về người, tài sản do những vụ hỏa hoạn gây ra rất nặng nề và đau xót.
Lại chuyện cái "chuồng cọp" chặn đường sống
Bài 1: Lịch sử hình thành của những “chuồng nhốt người" khi hỏa hoạn
Bài 2: Chuồng cọp – tử huyệt khi có hỏa hoạn
Bài 3: Những cái chết thương tâm do chuồng cọp bít lối
Bài cuối: Để chuồng cọp không còn là mối nguy thường trực

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.