e magazine
06:06 | 05/07/2024
Kỳ cuối: Luật Thủ đô được thông qua mang ý nghĩa lịch sử

06:06 | 05/07/2024

Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ: “Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính Quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước”…
Kỳ cuối: Luật Thủ đô được thông qua mang ý nghĩa lịch sử
Kỳ cuối: Luật Thủ đô được thông qua mang ý nghĩa lịch sử

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được đánh giá là khó khi vừa mang tính đặc thù, vừa mang tính đa ngành, có nhiều nội dung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, khác với quy định pháp luật chung hiện hành; được xây dựng nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện để xây dựng, phát triển Thủ đô thật sự xứng tầm “trái tim” của cả nước.

Dưới đây là ghi nhận của PV chuyên trang điện tử Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế & Đô thị về ý kiến nhà quản lý, chuyên gia, người dân về Luật Thủ đô (sửa đổi):

Kỳ cuối: Luật Thủ đô được thông qua mang ý nghĩa lịch sử

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh: Hà Nội cần khẩn trương quán triệt, triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và phối hợp với các cơ quan của Chính phủ tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp để hoàn thiện 2 Quy hoạch quan trọng cuả Thủ đô, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền.

Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước, trong đó thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền TP trong việc thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của Nhân dân.

Theo thống kê, trong Luật Thủ đô có trên 50 quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND TP Hà Nội. Vì vậy, TP Hà Nội nói chung, HĐND TP nói riêng nắm bắt tốt cơ hội này, hành động quyết liệt, phát huy mạnh mẽ vai trò của mình và huy động sức mạnh tổng hợp để khai thác tối đa hiệu quả của các cơ chế đặc thù nhằm khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy, phát huy các lợi thế sẵn có. Chủ động nghiên cứu, rà soát, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai, thực hiện, trong đó cần xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực ngay khi có hiệu lực (từ ngày 1/1/2025).

Cùng đó, thực hiện tổ chức công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô, ban hành Chương trình phát triển đô thị để thực hiện Quy hoạch chung ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp cụ thể và tiến độ thực hiện các quy hoạch, nhất là việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức làm căn cứ để thực hiện các danh mục công trình, dự án ưu tiên để kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước...

Kỳ cuối: Luật Thủ đô được thông qua mang ý nghĩa lịch sử

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu tán thành rất cao. Tôi cho rằng, đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển Thủ đô nói chung, văn hóa Thủ đô nói riêng. Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - giờ đây, thực sự được mặc một chiếc áo mới, đủ vừa vặn để đẹp đẽ, đủ rộng để vươn tầm phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là TP trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.

Trong Luật đã nhấn mạnh: “Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”. Điều này được cụ thể hóa bằng các biện pháp ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô; việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó là đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.

Đối với Hà Nội, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đi đầu cả nước, Hà Nội là thành phố đầu tiên tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, dành riêng một nghị quyết của Thành ủy cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Sức sống của sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thể thấy hàng ngày qua các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, ở phố đi bộ, những cây cầu vượt, hay ngay cả những khu tập thể cũ, nhà máy cũ. Thậm chí cả những nơi trước đây đã từng là bãi rác ô nhiễm, không ai muốn tới, giờ đây đã trở thành địa điểm thơ mộng, check-in cho giới trẻ, phục vụ cho đời sống người dân.

Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này như một cú hích, tiếp sức cho làn sóng đổi mới, sáng tạo của công nghiệp văn hóa, là sự động viên rất lớn đối với các nghệ sĩ, những người thực hành và kinh doanh văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội.

Như vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã tạo ra nền tảng pháp lý và kế hoạch phát triển đồng bộ, giúp thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội; định hướng phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và các dịch vụ công cộng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô, cải thiện chất lượng sống của người dân… tạo nên một Hà Nội “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới.

Đó cũng là giấc mơ của không chỉ riêng tôi, các đại biểu Quốc hội Hà Nội, người dân Thủ đô, mà còn cả Nhân dân cả nước!

Kỳ cuối: Luật Thủ đô được thông qua mang ý nghĩa lịch sử
Kỳ cuối: Luật Thủ đô được thông qua mang ý nghĩa lịch sử
Kỳ cuối: Luật Thủ đô được thông qua mang ý nghĩa lịch sử

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - thành viên Tổ soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) Lê Trung Hiếu: Luật Thủ đô 2024 với nhiều điểm mới kỳ vọng mở ra "kỷ nguyên mới" cho Hà Nội, trong đó, có nhiều điểm mới trong phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị (ĐSĐT). Việc thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) có thể xem như Quốc hội, Chính phủ đã trao cho Hà Nội một chiếc chìa khóa vàng, mở cánh cửa vượt thoát khỏi những khó khăn, vướng mắc đã kéo dài hàng thập kỷ, kìm bước sự phát triển về hạ tầng giao thông, đặc biệt là ĐSĐT.

Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những khung chính sách bản lề có ý nghĩa đặc biệt thúc đẩy ĐSĐT, TOD phát triển. Những tồn tại, bất cập thực tế đã được các chuyên gia chỉ rõ như: thiếu quy định về thu hồi giá trị đất đai trong khi làm ĐSĐT; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chung; bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn cho các dự án ĐSĐT,…

Tất cả những vấn đề đó sẽ được giải quyết về cơ bản căn cứ trên những quy định của Luật Thủ đô mới, khi Hà Nội được trao quyền tự quyết trong việc đầu tư, xây dựng các dự án ĐSĐT.

Tại khoản 1 Điều 37, thẩm quyền về đầu tư tại Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra khái niệm: “Dự án trọng điểm của Thủ đô là dự án có quy mô lớn, có vai trò tạo động lực, sức lan tỏa, kết nối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Vùng Thủ đô và cả nước. HĐND TP Hà Nội quy định Danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô”.

Như vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã trở thành căn cứ pháp lý vững chắc cho phép HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách với Thủ đô. Đây sẽ là giải pháp then chốt để rút ngắn thời gian thực hiện cho các công trình trọng điểm, nhất là ĐSĐT.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô cho phép HĐND TP Hà Nội quy định trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án: ĐSĐT; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng; dự án sử dụng ngân sách T.Ư, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài giao thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách; dự án đầu tư công liên tỉnh nằm trong vùng Thủ đô.

Với Luật Thủ đô (sửa đổi), nút thắt giải phóng mặt bằng vốn gây chậm tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội đã được tháo gỡ. TP có thể chủ động hoàn toàn trong giải phóng mặt bằng cũng như thời điểm thực hiện dự án.

Kỳ cuối: Luật Thủ đô được thông qua mang ý nghĩa lịch sử

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế:

Về lĩnh vực y tế, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã định hướng sự phát triển đồng bộ, cân đối và đảm bảo tính kết nối cao, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế Quốc gia (do Bộ Y tế quản lý) và mạng lưới cơ sở y tế địa phương (do TP Hà Nội quản lý).

Hà Nội được xem là trung tâm y tế lớn nhất cả nước, trong đó trên địa bàn Thủ đô có mạng lưới các bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối do Bộ Y tế quản lý. Các bệnh viện này bao gồm 4 bệnh viện đa khoa và 15 bệnh viện chuyên khoa. Bên cạnh đó, còn có các bệnh viện thực hành thuộc trường đại học và học viện.

Đây là những bệnh viện chuyên khoa, đa khoa thuộc cấp chuyên sâu và đáp ứng tiêu chí là bệnh viện đầu ngành, đảm nhận vai trò quốc gia trong hệ thống y tế cả nước.

Trong tổng thể hệ thống y tế Quốc gia, các bệnh viện tuyến Trung ương do Bộ Y tế quản lý có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong việc cung ứng dịch vụ y tế tuyến cuối cho người dân trên cả nước; chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới, góp phần nâng đỡ sự phát triển của hệ thống y tế các địa phương, nhất là các khu vực khó khăn, phát triển dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu mang tính đầu ngành, tiếp nhận và làm chủ các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến trên thế giới.

Các bệnh viện này còn đóng vai trò trung tâm thực hành kiểu mẫu, giúp Bộ Y tế xây dựng các quy định về chuyên môn kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, làm cơ sở xác định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, điều phối đảm bảo an ninh y tế, vốn được xem là vai trò không thể thay thế trong bối cảnh hiện nay, khi nguy cơ xuất hiện và bùng phát các dịch bệnh mới nổi đe dọa an ninh y tế ngày càng lớn, số lượng đơn vị hành chính tuyến tỉnh của nước ta khá lớn trong khi năng lực của hệ thống y tế tỉnh không đồng đều và năng lực liên kết giữa các tỉnh còn ở mức rất khiêm tốn.

Ngoài ra, các bệnh viện này còn hỗ trợ công tác đào tạo chuyên khoa, là cơ sở thực hành chuyên sâu của các trường đại học khối ngành sức khỏe trọng điểm quốc gia của cả nước.

Luật Thủ đô (sửa đổi) mở rộng ưu tiên cho một số lĩnh vực của hệ thống y tế vốn được đánh giá có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới, nhưng trước đây chưa có điều kiện quan tâm đúng mức.

Đó là phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình và hệ thống cấp cứu ngoại viện. Điều đáng chú ý là nội dung ưu tiên phát triển này không chỉ dừng ở mức xác định định hướng chung mà đã xác định cụ thể chiến lược hỗ trợ phát triển cả 2 khía cạnh, gồm cung dịch vụ (hỗ trợ đầu tư, thủ tục hành chính, phát triển nhân lực) và cầu dịch vụ (sử dụng ngân sách địa phương để thanh toán một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được bảo hiểm y tế thanh toán, gồm quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn, tư vấn nâng cao sức khỏe và phòng bệnh; sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện).

Kỳ cuối: Luật Thủ đô được thông qua mang ý nghĩa lịch sử

Ông Đỗ Văn Cửu, Bí thư chi bộ Tổ dân phố Phú Nhi 2, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội:

Tôi rất phấn khởi khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua. Tôi theo dõi sát quá trình xây dựng Luật qua báo chí và biết, Luật Thủ đô 2024 có nhiều điểm mới, tạo hành lang pháp lý cho Hà Nội là đầu tàu phát triển.

Với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô việc được chú trọng đầu tư và phát triển như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt là phù hợp với yêu cầu phát triển tình hình thực tiễn.

Tôi luôn mong muốn Hà Nội có cơ chế đặc thù để phát triển Thủ đô. Luật Thủ đô không chỉ là luật cho một vùng phát triển, mà sẽ tạo ra khả năng để thu hút được thu hút những điều kiện, những tinh túy của cả nước về Thủ đô, để tạo ra hình ảnh đại diện cho cả nước.

Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, chúng tôi - những người đang sinh sống tại Hà Nội cảm thấy rất phấn khởi, kỳ vọng. Tôi quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, bởi, so với Luật Thủ đô hiện hành, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những bước tiến lớn về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Ở bất cứ thời điểm nào, nước nào cũng thế, giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu. Vì vậy, Thủ đô là đầu tàu của cả nước về kinh tế - xã hội thì trước hết và quan trọng nhất phải xây dựng Thủ đô thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

Những chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng là lực đẩy, sức hút để Hà Nội có thể thu hút người có tài, đưa Thủ đô trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng… theo đúng tinh thần của Luật.

Phát biểu tại Kỳ họp 17 của HĐND TP khóa XVI ngày 4/7/2024, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: "Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có hơn 50 nhiệm vụ mới được phân cấp, phân quyền; với hai nhóm cơ chế chính sách, một nhóm có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và một nhóm có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Như vậy sẽ có 2 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để giải quyết những nội dung này. Đây là nội dung rất quan trọng, đề nghị các đại biểu HĐND, các cơ quan UBND tập trung triển khai để Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả".

Kỳ 1: Sửa vì Luật Thủ đô 2012 lỗi nhịp Kỳ 1: Sửa vì Luật Thủ đô 2012 lỗi nhịp
Kỳ 2: Kỳ vọng mang tên Luật Thủ đô (sửa đổi) Kỳ 2: Kỳ vọng mang tên Luật Thủ đô (sửa đổi)
Kỳ 3: Hà Nội với nỗ lực hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) Kỳ 3: Hà Nội với nỗ lực hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)
Kỳ 4: “Một chiếc áo mới” đủ vừa vặn để Thủ đô vươn tầm phát triển Kỳ 4: “Một chiếc áo mới” đủ vừa vặn để Thủ đô vươn tầm phát triển
Kỳ cuối: Luật Thủ đô được thông qua mang ý nghĩa lịch sử

Nội dung: Nhật Nam

Ảnh: Khánh Huy, Tư liệu

Thiết kế: Thanh Tuấn