e magazine
09:06 | 13/04/2023
Kỳ 4: Thành tựu lập pháp trong bảo đảm quyền con người của Quốc hội Việt Nam

09:06 | 13/04/2023

Quốc hội Việt Nam là hiện thân của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện ý chí và nguyện vọng của mọi tầng lớp Nhân dân. Thông qua hoạt động lập pháp của mình, đường lối, chính sách nhất quán về bảo vệ quyền con người được thể chế hóa ngày càng hoàn thiện, đầy đủ. Quốc hội thể hiện vai trò của mình trong việc xác lập cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền con người. Nội dung quyền con người không ngừng được quy định đầy đủ.
Kỳ 4: Thành tựu lập pháp trong bảo đảm quyền con người của Quốc hội Việt Nam

Kỳ 4: Thành tựu lập pháp trong bảo đảm quyền con người của Quốc hội Việt Nam

Ngay sau khi Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc (LHQ - năm 1977), vào những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người của LHQ.

Năm 1981, 1982 và 1983 Việt Nam đã gia nhập 7 công ước quốc tế về quyền con người, bao gồm: Công ước quốc tế về Ngăn ngừa và Trừng trị tội ác diệt chủng; Công ước quốc tế về Ngăn ngừa và Trừng trị Tội ác A-pac-thai; Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước quốc tế về các kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); Công ước về không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với Tội phạm chiến tranh và Tội phạm chống lại nhân loại; Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW).

Tính đến năm 2022, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. So với nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển, Việt Nam không thua kém về số lượng là thành viên các công ước quốc tế về quyền con người.

Kỳ 4: Thành tựu lập pháp trong bảo đảm quyền con người của Quốc hội Việt Nam

Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, chúng ta đều cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước. Điều này là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đó là, “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết.

Cùng với việc tích cực tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.

Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến về quyền con người, khi dành trọn vẹn 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; cùng với các luật, bộ luật được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Điều này không chỉ xác lập cơ sở pháp lý về các quyền của chủ thể hưởng quyền (cá nhân, công dân, các nhóm yếu thế trong xã hội), mà còn đặt nghĩa vụ, trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức Nhà nước và các tổ chức phi nhà nước phải nâng cao tinh thần trách nhiệm xã hội, trách nhiệm pháp lý tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người đã được Hiến pháp quy định là Nhà nước có trách nhiệm công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân (Điều 3 và khoản 1, Điều 14, Hiến pháp năm 2013).

Kỳ 4: Thành tựu lập pháp trong bảo đảm quyền con người của Quốc hội Việt Nam

Các nội dung về quyền con người, quy định các cơ chế bảo đảm thực hiện quyền con người, ban hành nhiều văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý để thực thi các quyền con người.

Chỉ tính từ giữa năm 1992 (là thời điểm Hiến pháp năm 1992 có hiệu lực thi hành) đến hết năm 2008, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 547 văn bản luật, pháp lệnh và nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Các văn bản này đã quy định một cách khá đầy đủ và toàn diện về quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội,... cũng như về cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền đó.

Cụ thể: Trong lĩnh vực chính trị, các quyền và nghĩa vụ thể hiện tập trung ở việc công dân được tham gia thực hiện quyền lực nhà nước. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền bầu cử, ứng cử của công dân, các luật: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội; Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân. Thực tế các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân đã diễn ra một cách dân chủ theo đúng quy định của pháp luật.

Trong nhiều văn bản luật đã quy định cụ thể các quyền của công dân tham gia trực tiếp và gián tiếp vào công việc quản lý Nhà nước, như quyền được biết, được bàn, được làm và được kiểm tra, giám sát.

Riêng quyền thực hiện dân chủ trực tiếp ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết về quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Pháp lệnh về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường. Ðây là một nét đặc sắc của Việt Nam trong việc phát huy và thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở cơ sở, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, các quyền và nghĩa vụ học tập; quyền và nghĩa vụ lao động; quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe; quyền về nhà ở; quyền sở hữu, tự do kinh doanh,... đều được cụ thể hóa trong các luật như: Luật Giáo dục; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân; Bộ luật Lao động; Luật Bình đẳng giới; Luật Nhà ở...

Trong các quyền nêu trên, tự do kinh doanh là một quyền rất cơ bản được quy định trong Hiến pháp. Ðể cụ thể hóa vấn đề này, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều văn bản luật, như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Hàng hải...

Kỳ 4: Thành tựu lập pháp trong bảo đảm quyền con người của Quốc hội Việt Nam

Về các quyền liên quan đến phụ nữ và trẻ em, đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, góp phần quan trọng vào những thành tựu về bảo đảm và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em.

Luật Bình đẳng giới cùng với các quy định về quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em; chế độ thai sản, chế độ đối với lao động nữ,... tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người; đồng thời, góp phần phòng, chống các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, trẻ em.

Các quyền cơ bản của trẻ em như: quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được học tập, được phát triển; quyền được vui chơi, giải trí;... đều được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật.

Về các quyền nhân thân, Quốc hội đã quy định cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật. Trong nhóm các quyền này, quyền bất khả xâm phạm về thân thể là quyền tự do cá nhân đặc biệt quan trọng, được các bản Hiến pháp nước ta quy định. Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án Nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân, trừ những trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt hoặc giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân. Hiến pháp còn quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Ðể bảo đảm thực thi những quy định đó, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan nhiều đến các quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân của công dân. Trong các văn bản pháp luật này, ngoài việc quy định cụ thể về quyền bất khả xâm phạm của công dân, còn thể hiện tính chất nhân đạo của Ðảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội, như: về việc đặc xá, bảo đảm quyền bào chữa, quyền khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo; về chế độ thăm nuôi, nhận quà và đặc biệt là về chế độ ăn, mặc, ở, học tập, khám chữa bệnh cho phạm nhân.

Nghị quyết số 388/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra đã quy định, công dân bị thiệt hại do bị oan có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã xem xét, thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) theo hướng bỏ bớt hình phạt tử hình đối với một số tội danh.

Quyền khiếu nại, tố cáo cũng là một trong những quyền quan trọng của công dân, được pháp luật bảo vệ. Ðiểm đáng chú ý là, Luật Khiếu nại, tố cáo quy định: công dân, tổ chức khi thực hiện quyền khiếu nại, có quyền lựa chọn việc khiếu nại đến các cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra Tòa án bằng con đường tố tụng tư pháp; trong quá trình khiếu nại, tố cáo, công dân có quyền nhờ luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về quyền tự do tín ngưỡng, các bản Hiến pháp đều quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Ðể thực hiện các quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Kỳ 4: Thành tựu lập pháp trong bảo đảm quyền con người của Quốc hội Việt Nam

Kỳ 4: Thành tựu lập pháp trong bảo đảm quyền con người của Quốc hội Việt Nam

(Còn nữa)

Kỳ 1: Những bị cáo thoát án tử trong “gang tấc”
Kỳ 2: Quyền được chăm sóc sức khoẻ và quyết sách từ những phiên họp bất thường Kỳ 2: Quyền được chăm sóc sức khoẻ và quyết sách từ những phiên họp bất thường

Những năm qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật về nhân quyền, trong đó quyền được bảo ...

Kỳ 3: Xác lập cơ sở hiến định bảo vệ quyền con người Kỳ 3: Xác lập cơ sở hiến định bảo vệ quyền con người

Ngay từ ngày đầu thành lập (năm 1946), Quốc hội Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc xác lập ...

Bài viết: Hoa Đỗ - Ngọc Dung

Thiết kế: Thanh Tuấn