e magazine
10:17 | 31/07/2024
Kỳ 4: Những hương ước làng nghề gìn giữ nét đẹp kinh doanh

10:17 | 31/07/2024

Với lịch sử ngàn năm văn hiến, người Hà Nội giữ trong mình những giá trị văn hóa được xây dựng từ các hương ước làng, xã. Trải qua lịch sử biến động, các hương ước xưa vẫn là những giá trị, là tiền đề để xây dựng và phát huy văn hóa kinh doanh đặc trưng của xứ Kinh kỳ.

Kỳ 4: Những hương ước làng nghề gìn giữ nét đẹp kinh doanh

Là trung tâm chính trị, kinh tế và giao lưu văn hóa của cả nước, Thăng Long - Hà Nội có điều kiện thuận lợi tiếp thu, tổng hợp nét tinh túy từ mọi miền Tổ quốc, là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước.

Dù trong thời đại nào thì văn hóa luôn là nền tảng tinh thần của xã hội, yếu tố hình thành nên những giá trị ổn định, lâu bền của gia đình, cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Có thể nói, văn hóa là yếu tố tạo nên nguồn lực xã hội to lớn, thấm sâu vào quá trình phát triển.

Vì thế, Thủ đô Hà Nội đặt yêu cầu phát triển văn hóa phải ngang tầm và hài hòa với phát triển kinh tế; tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, phát huy những giá trị tốt đẹp của con người để văn hóa thực sự là động lực phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.

Kỳ 4: Những hương ước làng nghề gìn giữ nét đẹp kinh doanh

Hương ước được hiểu là “văn bản có tính chất pháp lý do làng xã dưới chế độ cũ đặt ra, mọi người trong làng phải làm theo”. Hương ước còn được gọi bằng những tên khác nhau: hương khoán, hương lệ, khoán ước, khoán lệ, điều ước, lệ định, lệ tục…

Theo cách sách sử ghi lại thì nội dung của hương ước đề cập tới các vấn đề về thiết chế chính trị làng xã, sản xuất, ruộng đất, thi cử, học hành, ứng xử, phong tục, lễ hội của làng...

Thông thường, một bản hương ước ngắn thì khoảng 12 điều, dài khoảng 300 điều và có thể khái quát thành 7 nội dung, gồm sản xuất lao động; trật tự trị an, bảo vệ làng xóm; giao thông vận tải, đi lại, đường sá; khuyến học, khuyến khích người tài; thờ cúng, tâm linh, tôn giáo; quan hệ ứng xử liên quan đến tập tục, chủ yếu là hiếu hỷ; và cuối cùng là những biện pháp duy trì hương ước.

Trong đó, biện pháp duy trì hương ước là điều quan trọng nhất. Thường có 5 biện pháp, nhẹ nhất là trừng phạt về kinh tế như phạt tiền; thứ hai là, bắt lao động công ích, bắt đi quét đình, đắp đường; thứ ba là, hạn chế quyền lợi về chính trị - xã hội như tẩy chay không cho vào đình, không cho tham dự việc làng mấy năm và làng không tham gia vào công việc của người vi phạm như cưới con không ai đến, bố mẹ mất không ai khênh; thứ tư là, tẩy chay đuổi ra khỏi làng; thứ năm là, thề thốt trước thần linh.

Kỳ 4: Những hương ước làng nghề gìn giữ nét đẹp kinh doanh

Tuy là các hương ước từ xa xưa, gắn liền với làng, xã nhưng có nhiều hương ước đã hàm chứa những nội dung rất tiến bộ, qua đó có thể thấy nét thanh lịch, những thuần phong mỹ tục của người Hà Nội. Cụ thể như trong điều XIII trong tục lệ của làng Tuy Lai (Mỹ Đức) rất coi trọng việc học hành, làng chú trọng khuyến học, để dân thôn có được thêm nhân tài làm rạng rỡ quê hương.

Ngoài ra, những việc canh phòng làng xóm, lễ lạt, cưới hỏi, các việc gian tham trộm cắp đồ vật của người khác hay dâm bôn loạn luân… đều được quy định rõ trong các hương ước. Đơn cử như ở làng Dương Liễu (Hoài Đức) có bảng khoán ước được lập năm vua Cảnh Hưng thứ X gồm 28 điều là những điều ước quy định việc bảo vệ sản xuất, canh giữ hoa màu.

Hương ước làng Định Công Thượng, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) lập năm 1923 có đầy đủ các điều mục về chính trị - xã hội như: tổ chức hội đồng giáp biểu, cách bầu cử, sưu thuế, sự kiện cáo, sự canh phòng trong làng, canh ngoài đồng, việc cấp cứu, vệ sinh… và các điều mục về phong tục quy định về điền thổ, hôn lễ, tang lễ, tế tự, khao vọng, vị thứ…

Một số làng nghề nổi tiếng của Hà Nội xưa như: làng Bát Tràng (Gia Lâm), làng Đông Ngạc (Bắc Từ Liềm) … hay những người dân làm nghệ chạm bạc, đúc bạc thuộc phố Hàng Bạc… đều có hương ước, quy ước riêng trong đời sống cũng như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Như vậy có thể thấy rằng, thông qua các hương ước của làng, xã Hà Nội xưa, thì chúng ta có thể hình dung được các mặt sinh hoạt của người Hà Nội lúc bấy giờ, hay nói cách khác là thói đất, nết người rất đa dạng của Hà Nội xưa, đồng thời hiểu thêm về những giá trị văn hóa đạo đức truyền thống của vùng đất được mệnh danh là “người Tràng An thanh lịch”.

Kỳ 4: Những hương ước làng nghề gìn giữ nét đẹp kinh doanh

Những năm gần đây, việc xây dựng văn hóa kinh doanh của Hà Nội vừa thể hiện sự thanh lịch, vừa giàu bản sắc luôn là mối quan tâm hàng của chính quyền và người dân Thủ đô.

Thế nên, vào ngày 19/2/2024, Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành đã cho thấy sự quyết tâm của Hà Nội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô, trong đó nhấn mạnh vào yếu tố con người. Từ lâu nay, thành phố Hà Nội luôn tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa, coi văn hóa là động lực để phát triển kinh tế, xã hội, trong đó nhấn mạnh vào việc xây dựng, phát triển người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Trong quá khứ, điều này đã được cụ thể hóa bằng việc thành phố ban hành Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó ưu tiên đầu tư bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa, lịch sử.

Nhưng, có một thực tế chúng ta cần nhìn nhận rằng, quá trình phát triển và hội nhập trong sự phát triển của “cuộc cách mạng 4.0” cũng phần nào khiến một số giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Tràng An bị mai một. Đâu đó ở mảnh đất Thủ đô, vẫn diễn ra những hành vi ứng xử thiếu văn hóa; vẫn còn những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa nơi công cộng… làm mất đi hình ảnh văn hóa của đất Kinh kỳ, làm phai mờ đi biểu tượng người Tràng An thanh lịch, văn minh.

Kỳ 4: Những hương ước làng nghề gìn giữ nét đẹp kinh doanh

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để văn hóa kinh doanh thực sự trở thành một “sức mạnh mềm” động lực cho sự phát triển kinh tế của Hà Nội thời gian tới là thật sự không đơn giản. Đó không chỉ cần những đột phá mà cần một tầm nhìn, chính sách đồng bộ và hành động của không chỉ chính quyền Hà Nội mà còn là các doanh nghiệp, là những con người đang sinh sống, học tập, lao động trên mảnh đất văn hiến này.

Có thể thấy rằng, sức mạnh “độc nhất vô nhị” của văn hóa kinh doanh Hà Nội được xây dựng trên các hương ước, các giá trị văn hóa từ ngàn năm qua. Cùng với đó là được hun đúc trong chính từng người con Tràng An ở tính cần cù, tương thân tương ái, linh hoạt, sáng tạo…

Vì thế, phát triển văn hóa kinh doanh Hà Nội không phải là đi “phục dựng” một Hà Nội xưa mà là kế thừa những gì là quý, là tinh hoa trong văn hóa sống và văn hóa kinh doanh của cha ông ngày trước.

Điều quan trọng nhất trong quá trình phát triển kinh tế Hà Nội là phải tích hợp, sàng lọc, đào thải và tinh hoa hóa những đặc trưng, những giá trị của văn hóa thương mại của Thủ đô, kế thừa gốc rễ xưa ở sự chu đáo, ân cần và tử tế. Để rồi từ nền tảng đó, chúng ta vươn tới những chuẩn mực hiện đại về kinh doanh, về thương trường trong dòng chảy của kinh tế.

Tuy nhiên, cần phải đảm bảo rằng sự phát triển lành mạnh trong đà hiện đại hóa sẽ dẫn tới sự định hình một nền văn hóa thương mại - dịch vụ phát triển mang bản sắc và văn hóa đặc trưng Hà Nội. Qua đó, phát huy vẻ đẹp thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội, nhân lên tinh thần tận tâm, tận lực cống hiến để xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Kỳ 4: Những hương ước làng nghề gìn giữ nét đẹp kinh doanh

Nội dung: Thái Phương - Hải Yến

Ảnh: Khánh Huy

Thiết kế: Thanh Tuấn

Kỳ 1: Nét thanh lịch trong kinh doanh của người Hà Nội Kỳ 1: Nét thanh lịch trong kinh doanh của người Hà Nội

Nói về sự thanh lịch của người Hà Nội, từ xưa đã có câu:“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người ...

Kỳ 2: Văn hóa kinh doanh của Hà Nội đang dần…mai một? Kỳ 2: Văn hóa kinh doanh của Hà Nội đang dần…mai một?

Hiện tượng “chặt chém” vô tội vạ đang diễn ra hằng ngày của quán ăn, gánh hàng rong, taxi… khiến không chỉ văn hóa kinh ...

Kỳ 3: Quyết tâm loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” Kỳ 3: Quyết tâm loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”

Ngoài việc ban hành bộ Quy tắc ứng xử, các cơ quan chức năng ở Hà Nội còn mạnh tay xử lý các hành vi ...