Văn hóa ứng xử trong kinh doanh là một khía cạnh thể hiện rõ nét nhất văn hóa thanh lịch của người Hà Nội. Thế nên, dù cho bất cứ lý do nào cũng không thể biện minh cho các hành vi kinh doanh “chặt chém” đang tồn tại và làm méo mó hình ảnh văn minh của Thủ đô Hà Nội. Vì khi xảy ra hiện tượng chèo kéo, “mua gian bán lận” đối với du khách trong và ngoài nước thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch Thủ đô, đặc biệt trong thời đại truyền thông, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay. |
Với nhiều người dân sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, khi nói về những quán ăn với đặc sản “chửi khách”, họ chỉ cười trừ. Vì với họ, tinh hoa ẩm thực tại Hà Nội không thể là cái văn hóa “hổ lốn” đó. Cái sự ngon, bổ, rẻ của các quán “bún mắng, cháo chửi” không thể đủ sức mạnh để khiến người ta sẵn sàng chịu đựng bị chửi như tát nước vào mặt mà vẫn ngồi ăn. Thực tế, hiện tượng “bún mắng, cháo chửi” không đại diện cho văn hóa kinh doanh của người Hà Nội. Tuy nhiên, dù chỉ là hiện tượng thiểu số nhưng ít nhiều nó làm xấu đi hình ảnh của mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến. Do đó, chính quyền Hà Nội đã quyết liệt, muốn loại bỏ bằng việc ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng, và trước đó là nếp sống văn hóa trong hoạt động kinh doanh ăn uống. Mục đích là ngăn chặn, xử lý một số biểu hiện văn hóa ứng xử lệch chuẩn, trong đó có hiện tượng bún “mắng”, cháo “chửi”, hàng rong chèo kéo, “chặt chém” du khách… |
Không chỉ điều chỉnh các hành vi kinh doanh lệch lạc như bún “mắng”, cháo “chửi” mà thời gian qua, với chủ trương xây dựng, phát triển văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh, khẳng định hình ảnh, vị thế của một thành phố du lịch uy tín trên thế giới; điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, các cơ quan chức năng ở Hà Nội cũng mạnh tay xử phạt các hành vi buôn bán mang tính “chặt chém” đối với du khách. Điển hình như vào ngày 24/3/2024, Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, đã lập biên bản xử lý người phụ nữ bán hàng rong có hành vi "chặt chém" du khách nước ngoài tại khu vực hồ Hoàn Kiếm khi bán 3 chiếc bánh rán với giá 50.000 đồng. Trước đó, UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đã làm việc và xử phạt hành chính về lỗi bán hàng rong và không niêm yết giá đối với người bán hàng rong có ý định bán túi táo nhỏ cho khách du lịch nước ngoài với giá 200.000 đồng. |
Còn khá nhiều vụ “xấu xí” nữa có thể kể ra, như việc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tiến hành xử phạt một tài xế taxi 12 triệu đồng vì hành vi “chặt chém”. Trước đó, tài xế này đã thu của du khách người Mỹ 500.000 đồng cho quãng đường 3km… từ phố Hàng Trống đến phố ẩm thực Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm). Trước đó, nhiều trường hợp người bán hàng rong, đánh giày, lái taxi trên địa bàn Thủ đô có hành vi “chặt chém” du khách, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của Hà Nội cũng đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Đã đến lúc, việc tôn trọng khách hàng, ứng xử tốt với khách hàng phải là một phần của tinh hoa ẩm thực. Văn hóa Hà Nội không thể dễ dàng chấp nhận sự bừa bãi hay tha hóa về cư xử, chèn ép như thế được phép tồn tại. |
Chúng ta đều hiểu rằng, những hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” xảy ra thời gian gần đây cũng đặt ra cho công tác quản lý của Hà Nội phải chặt chẽ hơn, thường xuyên kiểm tra hơn. Vì những hành vi này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh…, cần phải chấn chỉnh. Thế nên, nhằm duy trì và củng cố nếp sống văn minh, thanh lịch của người Tràng An, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, quy tắc về thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng, trong đó có hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, ngành du lịch Hà Nội đang xây dựng văn hóa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc đậm chất Hà thành, thu hút khách du lịch đến với thủ đô. Từ lâu, ẩm thực Hà Nội không đơn thuần là những món ngon mà người ta thường coi là tinh hoa đất Kinh kỳ, chứa đựng chiều dài văn hóa, sự khéo léo và tinh tế của người Hà Nội. Thế nên, các hành vi buôn bán xấu xí cần phải quyết liệt bị loại trừ ra khỏi văn hóa kinh doanh của Hà Nội. |
Sau nhiều năm thực hiện triển khai, theo ghi nhận chung, hai bộ quy tắc ứng xử đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân Thủ đô, từng bước hình thành nếp văn hóa mới. Hành động quyết liệt và kịp thời của Chính quyền Hà Nội thể hiện qua các kết quả thực tế. Cụ thể, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến với Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt 2.150 nghìn lượt người, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm trước; lượng khách nội địa đến Hà Nội đạt 892 nghìn lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Những con số cho thấy, ngành du lịch Thủ đô đang có tín hiệu khởi sắc, ghi nhận những nỗ lực của ngành du lịch Hà Nội trong việc xây dựng nhiều chương trình, sự kiện, sản phẩm mới hấp dẫn. |
Nhìn chung môi trường du lịch ở Thủ đô đã được cải thiện rất nhiều so với thời gian trước. Những sự vụ gần đây được xem là “con sâu làm rầu nồi canh” thì cần triển khai các biện pháp hiệu quả để chấm dứt tình trạng này. Để giải quyết dứt điểm nạn “chặt chém”, trả lại nét văn hóa kinh doanh của người Hà Nội thì tại các điểm du lịch, yêu cầu người bán phải đăng ký thông tin sản phẩm, cam kết giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết công khai giá bán để khách hàng “thuận mua vừa bán”. Ngoài ra, sự vào cuộc kịp thời của cơ quan quản lý chính là hành động cần thiết để ngăn chặn tệ nạn này. Về lâu về dài, cơ quan quản lý tiếp tục có những định hướng kinh doanh cho người dân song song với giáo dục về nhận thức, văn hóa ứng xử đối với du khách. Có như vậy, Hà Nội mới xứng đáng là một trong hai thành phố lớn, là đầu tàu không chỉ về chính trị mà còn là văn hóa, giáo dục, du lịch… của cả nước. |
Nội dung: Thái Phương - Hải Yến Ảnh: Khánh Huy Thiết kế: Thanh Tuấn |
Kỳ 1: Nét thanh lịch trong kinh doanh của người Hà Nội
Nói về sự thanh lịch của người Hà Nội, từ xưa đã có câu:“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người ... |
Kỳ 2: Văn hóa kinh doanh của Hà Nội đang dần…mai một?
Hiện tượng “chặt chém” vô tội vạ đang diễn ra hằng ngày của quán ăn, gánh hàng rong, taxi… khiến không chỉ văn hóa kinh ... |