e magazine
13:27 | 28/07/2024
Kỳ 2: Văn hóa kinh doanh của Hà Nội đang dần…mai một?

13:27 | 28/07/2024

Hiện tượng “chặt chém” vô tội vạ đang diễn ra hằng ngày của quán ăn, gánh hàng rong, taxi… khiến không chỉ văn hóa kinh doanh của người Hà Nội bị ảnh hưởng mà hình ảnh Việt Nam trong con mắt du khách quốc tế cũng… xấu đi.
Kỳ 2: Văn hóa kinh doanh của Hà Nội đang dần…mai một?

Sự phát triển của đô thị hóa khiến Hà Nội mở rộng hơn, người các tỉnh cũng ào ạt đổ về nhiều hơn. Hà Nội dường như không còn yên bình mà Hà Nội chộn rộn hơn, chật hẹp hơn, náo nhiệt hơn và cũng đa tính cách hơn.

Có thể nói, văn hóa thanh lịch là niềm tự hào của Hà Nội, đồng thời là đại diện tiêu biểu cho đất nước, con người và văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm qua, có nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội đang dần mất đi cái chất thanh lịch.

Nhưng thật ra, bản chất con người Hà Nội vẫn vậy. Có thể, trong những tình huống cụ thể, ứng xử, lối sống văn hóa không còn giữ được nét thanh lịch như xưa. Những bất cập đó có thể nhìn từ nhiều hướng khác nhau. Nhịp sống đô thị bây giờ quá gấp gáp. Nếu cứ tiếp tục “sống nhanh, sống vội” như hiện tại, thì những hệ luỵ đáng tiếc sẽ ngày càng nhiều là điều tất yếu.

Kỳ 2: Văn hóa kinh doanh của Hà Nội đang dần…mai một?

Vào năm 2019, ẩm thực Hà Nội bỗng dưng nổi tiếng theo cách không ai muốn khi mà kênh truyền hình CNN của Mỹ trong một chương trình ẩm thực của đầu bếp Bourdain. Ông này đã giới thiệu quán bún nhỏ chuyên bán những món như bún sườn móng giò, bún dọc mùng... nằm ở phố Ngô Sĩ Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.

Chính ông Bourdain cũng không giấu nổi sự kinh ngạc của mình khi chứng kiến cách mà bà chủ nói chuyện với khách. Chia sẻ trải nghiệm về quán bún trên CNN, ông Bourdain nhận xét đây là “quán gắn liền với bà chủ nổi tiếng vì cách giao tiếp thẳng thắn và suồng sã với khách”.

Tuy lạ lẫm với du khách nhưng với người Hà Nội, quán ăn này thực ra không xa lạ và thường được gọi với cái tên quen thuộc là “bún chửi”. Nhiều người coi việc bị mắng chửi khi ghé ăn ở quán này là bình thường và thường bảo nhau rằng đó là “văn hóa”. Nhưng làm gì có cái văn hóa gọi là “văn hóa chửi khách”. Hay là vì chúng ta quá dễ dãi?!

Kỳ 2: Văn hóa kinh doanh của Hà Nội đang dần…mai một?

Ngoài “bún chửi” thì ở ngõ Hàng Bột có một quán ăn cũng chửi khách không kém. Ông chủ quán giới thiệu mình là người Hà Nội, gã trai Hà thành nên cách nấu, cách làm đủ tinh tế. Từ món ốc xào cay, đến lẩu chim câu, chân gà tẩm muối ớt… đều được quảng bá mang nét riêng của quán. Thế nhưng, quán có những quy định rất “nghiêm ngặt”: Có thời gian, quán chỉ mở đón chào những vị khách là nữ giới, khách đến ăn không góp ý, không bày tỏ, đi qua cửa chính không biết cửa khóa, mở mạnh là… ăn mắng.

Cũng không kém cạnh hai quán ăn nói trên là quá cháo “chửi” Nhà Thờ. Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất là bà chủ ở đây không chửi khách mà chửi nhân viên. Từ tờ mờ sáng cho đến tận đêm khuya, nơi đây ầm ĩ tiếng mắng, chửi.

Nghe bà chủ chửi nhân viên, khách lạ thì cau mặt, khách quen thì cười tủm tỉm cho đây là một “đặc sản”. Tuy nhiên, nhiều người cũng ngán ngẩm và một đi không trở lại dù ở đây có ngon đến đâu đi nữa.

Hay bún ngan Nhàn - một quán ăn khác tuy ngon nhưng thường xuyên làm người đến ăn nơm nớp lo sợ vì nói sai một từ cũng bị chửi “sấp mặt”. Đếm sơ sơ thì năm 2017 bún ngan Nhàn bị tố vì mắng chửi một bà cụ vì chỉ ăn bát bún 30k, tới năm 2018, một thực khách bức xúc, chia sẻ rằng mình “tức phát khóc” trước thái độ mắng chửi của bà chủ. Năm 2019, một cư dân mạng đã chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh nhân viên của bún ngan Nhàn “cãi tay đôi” với khách. Và ngay trong tháng 3/2024 vừa qua, quán lại tiếp tục xảy ra drama chủ quán dùng những từ ngữ thậm tệ để chửi mắng khách hàng.

Kỳ 2: Văn hóa kinh doanh của Hà Nội đang dần…mai một?

Cái đáng lo sợ đó là sự tồn tại của các quán ăn nói trên với văn hóa kinh doanh “lệch lạc” sẽ khiến du khách có một sự đánh đồng và lầm tưởng rằng những quán “chửi mắng”, văn hóa “bún mắng cháo chửi” là quá bình thường thậm chí là đặc sắc riêng ở đất Thủ đô.

Kỳ 2: Văn hóa kinh doanh của Hà Nội đang dần…mai một?

Tự hào với đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến, tự hào với cụm từ “người Tràng An thanh lịch” nhưng cái chất đó đang bị xấu đi trong mắt du khách trong và ngoài nước bởi cái văn hóa “chộp giật” trong kinh doanh của “những con sâu” biến tướng.

Không chỉ có “bún mắng, cháo chửi”, tình trạng hàng rong, taxi “chặt chém” cũng đang góp phần khiến văn hóa kinh doanh của Hà Nội bị mai một và hỗn tạp.

Thật ra, chuyện chặt chém du khách của số người bán hàng rong quanh khu vực Bờ Hồ, Hồ Tây và một vài điểm du lịch khác ở Thủ đô Hà Nội không phải mới mẻ gì. Thậm chí nhiều người còn tặc lưỡi “chuyện thường ngày ở huyện”.

Còn nhớ những năm trước, một nhóm bạn trẻ đi chơi khuya ở khu vực Bờ Hồ có ghé vào một quán bán đồ ăn vặt bên đường và gọi 10 quả trứng, 4 củ khoai và 3 bắp ngô, tất cả đều ở dạng nướng. Ăn xong, nhóm bạn tá hỏa khi nhận “hóa đơn” với tổng số tiền là 580.000 đồng, trong đó giá một củ khoai là 80.000 đồng, ngô và trứng mỗi thứ 20.000 đồng.

Kỳ 2: Văn hóa kinh doanh của Hà Nội đang dần…mai một?

Có thể nói, dù không thường xuyên nhưng “chặt chém” là một thực trạng nhức nhối khiến Hà Nội trở nên xấu xí trong mắt du khách. Hẳn chúng ta đều nhớ câu chuyện hai du khách người Nhật đã từng phải tính 400.000 đồng cho một cuốc taxi dù đồng hồ tính cước chỉ báo 42.000 đồng; một du khách nước ngoài khác đã phải trả 70.000 đồng cho một túi bánh rán hay 200.000 đồng cho một tô phở hay một du khách phải trả 500.000 đồng cho việc đánh một đôi giày.

Bản thân người viết cũng đã từng là nạn nhân của tình trạng “chặt chém” tại Bờ Hồ trong dịp Tết 2024 vừa qua. Được một người bán hàng rong mời mua hoa quả gọt sẵn, tôi đã đã mua một ít xoài, củ đậu… với giá 200.000 đồng. Cầm túi hoa quả nhẹ bẫng không đúng với số cân người bán nói để tính tiền, tôi đã yêu cầu cân lại hoặc tôi sẽ gọi quản lý thị trường đến để phản ánh. Thấy làm căng, người bán hàng rong đã trả lại cho tôi 100.000 đồng trước khi dời gánh hàng rong sang chỗ khác.

Chúng ta đều hiểu rằng, không phải tất cả các quán ăn ở Hà Nội đều “mắng chửi” khách, không phải những người bán hàng rong đều “chặt chém” du khách, hay tất cả taxi đều tính cước theo kiểu “nhảy dù”… Tuy nhiên, những “con sâu” này không chỉ làm biến chất cái văn hóa thanh lịch của người Hà Nội trong kinh doanh mà chắc chắn sự “chộp giật” này sẽ làm cho du khách thêm cảnh giác mỗi khi đặt chân đến Thủ đô.

Kỳ 2: Văn hóa kinh doanh của Hà Nội đang dần…mai một?

Nội dung: Thái Phương - Hải Yến

Ảnh: Khánh Huy

Thiết kế: Thanh Tuấn

Kỳ 1: Nét thanh lịch trong kinh doanh của người Hà Nội Kỳ 1: Nét thanh lịch trong kinh doanh của người Hà Nội