e magazine
08:00 | 05/08/2023
Bài cuối: Phát triển thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa - du lịch mũi nhọn của Hà Nội

08:00 | 05/08/2023

Theo GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, thủ công mỹ nghệ được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa then chốt của Việt Nam.
Bài 5: Phát triển thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa   du lịch mũi nhọn của Hà Nội
Bài 5: Phát triển thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa - du lịch mũi nhọn của Hà Nội

Thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội được đánh giá là ngành đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của TP, có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này hiện đang mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng thủ công để Thủ đô tập trung phát triển trong những năm tới. Thậm chí, thủ công mỹ nghệ còn được kỳ vọng là ngành “tạo cảm hứng”, tạo động lực, có tính tiên phong dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa khác.

Hà Nội có lợi thế lớn ở việc sở hữu một đội ngũ đông đảo các nghệ nhân, thợ thủ công chăm chỉ, tài khéo và năng động. Theo thống kê chính thức, Hà Nội là địa phương có số nghệ nhân đông đảo nhất, chiếm 47/52 nghề thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc, gồm: sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ, mây tre đan... Tại các làng nghề hiện có 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty trách nhiệm hữu hạn, 1.466 doanh nhân, 164 hợp tác xã, có trên 176.000 hộ sản xuất kinh doanh, thu hút trên 739.000 người lao động1.

Đội ngũ nghệ nhân, thợ thủ công ở Hà Nội đa phần đều tài hoa, có năng khiếu, hậu duệ của nhiều dòng họ làm nghề lâu đời, vừa được trao truyền những kinh nghiệm, bí quyết nghề nghiệp của các thế hệ đi trước, vừa rất năng động sáng tạo trong đón nhận, tiếp thu cái mới, thành tựu khoa học - công nghệ. Do đó, du khách nước ngoài rất ưa chuộng hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội. Họ thường trầm trồ thích thú trước những món quà đặc sắc làm từ đất sét, cành tre, khúc gỗ, xương thú, sừng, thổ cẩm, sợi đay, bẹ ngô, kim loại... Những sản phẩm này cũng được thị trường quốc tế ưa chuộng, bởi bên cạnh sự tinh tế, tài khéo của sản phẩm còn toát lên những nét đặc sắc, độc đáo của văn hóa Việt Nam.

Bài 5: Phát triển thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa   du lịch mũi nhọn của Hà Nội

Tuy nhiên, nguồn nhân lực này cũng còn nhiều hạn chế. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có người thiết kế chuyên nghiệp, chủ yếu dựa vào nghệ nhân, thợ giỏi. Các nghệ nhân lại ít nắm được nhu cầu của thị trường, không có kỹ năng thiết kế, nên chỉ sáng tạo mày mò theo cảm tính.

Trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh, quản trị, thương mại trong các cơ sở sản xuất cũng là một vấn đề. Nhiều gia đình đã có nhiều đời làm thủ công mỹ nghệ, nhưng khi bước sang kinh tế thị trường đã rất lúng túng, khó khăn trong nghiên cứu thị trường, tìm kiếm thị phần, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, tham gia xuất khẩu, dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng lực cạnh tranh thấp.

Một số ngành nghề và cộng đồng làm nghề do không bắt kịp sự thay đổi của nhu cầu, thị hiếu người dùng, sự biến động của thị trường đã bị các sản phẩm công nghiệp hiện đại thay thế và bị đào thải. Trong quá trình phát triển, thủ công mỹ nghệ là ngành có sự cạnh tranh rất gay gắt, chỉ những nghệ nhân và đội ngũ làm nghề có khả năng thích ứng linh hoạt, nhạy bén, có sự chuyển đổi sáng tạo, phù hợp mới trụ vững và phát triển. Do vậy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm không chỉ trong nước mà cả với các nước khác trong khu vực, nhất là châu Á.

Bài 5: Phát triển thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa - du lịch mũi nhọn của Hà Nội

Cùng với yếu tố con người, cơ sở vật chất - kỹ thuật cũng là một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của ngành. Đó là các điều kiện về hạ tầng vật chất như công cụ, nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc để tạo ra các sản phẩm và hàng hóa.

Hà Nội có lợi thế là sở hữu một hạ tầng vật chất vững chắc, được xây dựng và củng cố trong suốt thời gian dài tại hàng trăm làng nghề trên toàn TP. Trước đây, Hà Nội từng nổi tiếng với 36 phố nghề và nhiều làng nghề ở các vùng ngoại ô, số lượng làng nghề lại càng tăng lên sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008. Hiện nay, Hà Nội có 1350 làng nghề, trong đó có 308 làng nghề truyền thống, chiếm 45% tổng số làng nghề của cả nước với nhiều làng nghề nổi tiếng như: Lụa Vạn Phúc (Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), thêu Quất Động và sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (Phú Xuyên) cùng hàng loạt làng gốm, làng chiếu, làng lụa, làng chạm gỗ, làng đồ đồng, đồ chạm bạc, thêu ren…

Đa số các làng nghề đều tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và xuất khẩu qua các năm, trong đó có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Một số làng nghề có doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng....

Tuy nhiên, nguồn lực vật chất này cũng chưa được khai thác và phát huy hợp lý, thậm chí là phát triển không bền vững. Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, trong số 1350 làng nghề chỉ có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, 207 làng có nghề đang phát triển, 543 làng có nghề bị mai một và 287 làng có nghề có dấu hiệu mai một.

Ngay cả trong cùng một ngành nghề cũng có những làng nghề tiếp tục thịnh vượng, trong khi một số làng khác không phát triển được. Đơn cử, trong nghề gốm sứ, làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) không những giữ được nghề mà còn lan toả sang các làng khác tạo thành một vùng nghề gốm sứ, trong khi đó ở một số địa phương khác, như làng nghề gốm Anh Hồng ở Quảng Ninh, làng nghề gốm sứ Cậy ở Hải Dương thì ngày càng sa sút và suy tàn.

Bài 5: Phát triển thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa   du lịch mũi nhọn của Hà Nội

Theo phân tích của GS.TS Từ Thị Loan, một số vướng mắc, khó khăn đối với việc phát triển thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội hiện nay: Một là, thể chế, cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, bất cập. Thủ công mỹ nghệ là ngành bao trùm lên nhiều ngành nghề nhưng chưa được hưởng nhiều chính sách, nhất là những chính sách thúc đẩy, hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề. Hai là, sức cạnh tranh của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội so với các sản phẩm khác trên thị trường nội địa và quốc tế chưa cao, chưa uyển chuyển, nhanh nhạy trong đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm thiếu sự độc đáo, chưa thể hiện rõ bản sắc văn hóa, mẫu mã chưa thực sự bắt mắt. Một số sản phẩm đẹp nhưng lại không có khả năng sản xuất số lượng lớn. Một số nghề còn bị mai một và khó phát triển trong bối cảnh hiện đại.

Ba là, khả năng mở rộng thị trường còn thụ động, năng lực tìm kiếm đầu ra, công tác marketing, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại còn nhiều yếu kém. Hiện nay, Hà Nội mới chủ yếu quan tâm đến thị trường xuất khẩu, chưa chú trọng đúng mức đến thị trường nội địa, mới quan tâm bán sản phẩm mình có, chưa phải là bán sản phẩm thị trường cần. Khi bước vào sân chơi của thương mại toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng, để đạt được thành công đòi hỏi chúng ta không chỉ cần có sản phẩm đẹp, độc đáo mà quan trọng hơn là phải biết quảng bá, giới thiệu về mình, xây dựng thương hiệu có uy tín...

Bốn là, nguồn nguyên liệu đang dần bị khai thác cạn kiệt. Sau nhiều năm các làng nghề phát triển tự phát, không có kế hoạch, thiếu tầm nhìn, khai thác bừa bãi dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

Năm là, chưa theo kịp trình độ phát triển của khoa học công nghệ trong quá trình hiện đại hóa. Mặc dù các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chủ yếu được làm bằng tay, nhưng có những công đoạn phụ trợ rất cần hỗ trợ, xử lý bằng máy móc hiện đại, các giải pháp kỹ thuật trong chế biến nguyên liệu còn thiếu và yếu.

Bài 5: Phát triển thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa   du lịch mũi nhọn của Hà Nội

GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sự phát triển bền vững của ngành thủ công mỹ nghệ. Để tạo được bước đột phá, phải có những bước đi kiên quyết, đảm bảo một hành lang pháp lý thuận lợi, một môi trường kinh doanh thông thoáng, phát huy những mặt tích cực, giảm thiểu những mặt hạn chế trong thời gian qua.

Trước hết, cần xây dựng và ban hành Luật Làng nghề để điều chỉnh mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, lợi ích cộng đồng và lợi ích quốc gia. Luật Làng nghề sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các làng nghề Việt Nam, trong đó có nghề thủ công mỹ nghệ.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể về tài chính, tiếp cận nguồn vốn, cho vay tín dụng với lãi suất thấp, ưu đãi về thuế, phí; ưu tiên mặt bằng sản xuất; hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất; xử lý rác thải, bảo vệ môi trường; xúc tiến thương mại, hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu; đào tạo nguồn nhân lực... Nhà nước cũng phải giữ vai trò chủ đạo trong chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng, vì nếu không có giao thông tốt, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa sẽ làm đổ vỡ chuỗi cung ứng.

Bài 5: Phát triển thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa   du lịch mũi nhọn của Hà Nội

Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội vẫn đơn điệu về mẫu mã, chưa đa dạng hóa sản phẩm, tính cạnh tranh kém. Do vậy, tích cực thay đổi mẫu mã, tập trung vào công tác thiết kế mẫu sản phẩm, bao bì, nhãn mác đảm bảo kỹ, mỹ thuật, bắt mắt người tiêu dùng trong nước và quốc tế là một giải pháp căn cốt.

Cần khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng các nhà thiết kế chuyên nghiệp. Nơi nào không có điều kiện thì nên tổ chức tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng thiết kế sản phẩm, nhãn mác. Cần có các hình thức cung cấp những thông tin cần thiết về thị trường cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước.

Một yếu tố vô cùng quan trọng là phát triển thủ công mỹ nghệ gắn với khai thác du lịch làng nghề. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ góp phần làm tăng sức hấp dẫn đối với du khách, phát triển ngành du lịch. Hiện nay, một số làng nghề đã trở thành những điểm đến thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ẩm thực với các món ngon kết hợp chương trình biểu diễn văn hóa dân gian tại các làng nghề cũng sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách.

Nhiều nước trên thế giới đã đưa làng nghề thủ công mỹ nghệ vào khai thác du lịch thành công cả trên bình diện kinh tế và quảng bá văn hóa. Xu hướng du lịch này đem lại nhiều lợi ích cho cả du khách và chủ nhà. Khách được tham quan những làng nghề thủ công truyền thống, hiểu thêm về văn hóa bản địa, mua sắm những món đồ lưu niệm yêu thích, được tham gia trải nghiệm làm nghề... Các làng nghề nhờ nguồn khách du lịch có thêm việc làm, thu nhập, địa phương có thêm nguồn kinh phí chỉnh trang, làm đẹp xóm làng. Phát triển du lịch cũng góp phần quảng bá, tuyên truyền cho làng nghề, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Do vậy, cần tăng cường xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ, gắn sản xuất kinh doanh với giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử phát triển làng nghề để mỗi làng nghề trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa sống động.

Bài 5: Phát triển thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa   du lịch mũi nhọn của Hà Nội

Bài: Thái Phương

Ảnh: Khánh Huy

Thiết kế: Thanh Tuấn

Bài 4: Quy định pháp luật đặc thù phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Bài 4: Quy định pháp luật đặc thù phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Bài 3: Cần những chính sách đặc thù, “vượt trước” về văn hóa! Bài 3: Cần những chính sách đặc thù, “vượt trước” về văn hóa!
Bài 2: Huy động trí tuệ Nhân dân với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) Bài 2: Huy động trí tuệ Nhân dân với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Bài 1: Sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô? Bài 1: Sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô?