Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô - tạo đột phá phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội:

Kỳ cuối: Gìn giữ giá trị văn hóa, truyền thống Thủ đô

“Với vị thế Thủ đô của cả nước, sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội cần đậm yếu tố văn hóa, truyền thống”, đó là lời khẳng định của bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội về định hướng phát triển kinh tế đêm Hà Nội.
-	Chợ hoa đêm Tây Hồ được đề xuất tour du lịch đêm thời gian tới. Ảnh: Khánh Huy
Chợ hoa đêm Tây Hồ được đề xuất tour du lịch đêm thời gian tới. Ảnh: Khánh Huy

Diện mạo mới của nhịp sống Hà Nội

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích trên địa bàn với 5.922 di tích được kiểm kê. Nhiều năm qua, các di tích đã trở thành “điểm hẹn văn hóa” của ngành du lịch Hà Nội. Hiện nay, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đêm đã đánh thức các bảo tàng, di tích trên địa bàn Thủ đô. Từ hiện tượng cháy vé tại tour đêm Di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đến sức hút từ các tour đêm mới “Tinh hoa đạo học” tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tour đêm “Đạp xe Thăng Long - Hà Nội” đã khẳng định bước chuyển mình ấn tượng của các tour du lịch đêm Hà Nội. Từ khóa “tour đêm Hà Nội” được tìm kiếm nhiều với hơn 15 triệu kết quả (0,30 giây). Trên các nền tảng mạng xã hội, các hình ảnh về tour đêm được đơn vị điểm đến và du khách đăng tải, quảng bá rầm rộ.

Cụm từ “Hà Nội đẹp nhất về đêm” thực sự đã trở thành câu nói của nhiều du khách khi được trải nghiệm 16 sản phẩm du lịch đêm Hà Nội. Có được thành công trên là sự nỗ lực chung của ngành du lịch Thủ đô, đơn vị quản lý các điểm di tích, danh thắng đặc biệt là định hướng đúng đắn về phát triển du lịch đêm trở thành ngành du lịch đặc thù.

Để mang đến cho du khách trải nghiệm khác biệt khi tham gia tour đêm “Tinh hoa đạo học”, Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phải sắp xếp, huy động nhân lực phục vụ, đón tiếp du khách. Từ việc sắp xếp bàn ghế, cốc nước in logo tour đêm, chuẩn bị từng chiếc đèn dầu, tập trung kỹ thuật trình chiếu 3D Mapping,… Mặc dù thời lượng tham quan của du khách bắt đầu từ 20h-22h nhưng các nhân viên du lịch đã chuẩn bị từ 16h, kết thúc khoảng 23h đêm. Buổi sáng, các nhân viên du lịch tại đây vẫn đảm nhận công việc hành chính thường ngày.

Theo đánh giá của người dân và du khách, các tour du lịch đêm hiện nay không chỉ là hoạt động giải trí, thưởng thức văn hóa, ẩm thực thông thường mà còn là hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử ý nghĩa cho giới trẻ.

MC Nguyễn Minh Trang (Hà Nội) bày tỏ, gia đình chị lựa chọn tour du lịch đêm “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa”, cảm nhận đây là hoạt động trải nghiệm bổ ích, ý nghĩa, những kiến thức lịch sử được tiếp thu từ các hiện vật tại di tích mà không có một cuốn sách, bài giảng có thể truyền tải hết được.

-	Đưa loại hình múa rối nước truyền thống vào tour đêm “Hoàng cung Thăng Long – Một cảm nhận độc đáo” tại di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Minh An
Đưa loại hình múa rối nước truyền thống vào tour đêm “Hoàng cung Thăng Long – Một cảm nhận độc đáo” tại di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Minh An

“Thắp sáng” tour du lịch đêm

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, phát triển kinh tế đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Trước thách thức trong việc thực hiện Đề án phát triển kinh tế đêm theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội rốt ráo công tác thực hiện, triển khai kế hoạch với lộ trình cụ thể.

Ngoài việc giới thiệu 16 sản phẩm tour du lịch đêm đặc sắc, tổ chức và trao giải cuộc thi ảnh du lịch “Thủ đô Hà Nội chào đón bạn - Welcome Hanoi City 2023”, đề xuất 4 tour du lịch đêm mới năm 2024, hiện Sở Du lịch và các địa phương đang khảo sát các điểm đến, báo cáo đánh giá hiện trạng và khả năng khai thác sản phẩm du lịch đêm một số địa phương. Từ đó, lựa chọn 1 địa điểm trên mỗi khu vực đã khảo sát có tiềm năng, phù hợp để xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đêm. Mục tiêu đến năm 2025, có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm; hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt trên địa bàn TP Hà Nội.

Sở Du lịch Hà Nội tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá chuỗi sản phẩm du lịch đêm tới du khách nội địa và quốc tế qua nhiều hình thức: kênh truyền hình VTV, HanoiTV, kênh truyền hình quốc tế, FM du lịch Hà Nội, trang tin, báo điện tử, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook),...

Thời gian tới, ngành du lịch tập trung xây dựng những ấn phẩm, quà tặng du lịch độc đáo, mang tính đặc trưng của TP Hà Nội về đêm. Các dòng tour có thể đi theo hướng kết hợp các điểm văn hóa và hướng các di tích lịch sử. Du khách đi tour xong có thể kết hợp tiếp cùng các loại hình dịch vụ vui chơi, ăn uống, mua sắm, giải trí về đêm vừa tận dụng tối đa thời gian du lịch, tăng chi tiêu và lưu trú của du khách, nâng cao thu nhập cho người dân bản địa.

Du lịch đêm của Hà Nội đã có sự tăng trưởng rõ rệt, từ hiện tượng cháy vé tham quan đến việc đánh thức chuỗi sản phẩm du lịch đêm. Tuy nhiên, nhìn thẳng thực tế, du lịch đêm Hà Nội vẫn chưa thực sự bứt phá, còn những điểm trừ cần tháo gỡ. Đó là các sản phẩm du lịch đêm chưa đa dạng, quy mô các sản phẩm du lịch đêm còn nhỏ. Hà Nội chưa có các tổ hợp vui chơi giải trí du lịch về đêm chất lượng, Các hoạt động về giải trí, biểu diễn nghệ thuật ban đêm, hệ thống cửa hàng siêu thị, các khu mua sắm đêm sầm uất chưa hình thành bài bản, đồng bộ.

Mục tiêu đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, Hà Nội đang nỗ lực xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đêm gắn với yếu tố di sản. Song, để bức tranh du lịch đêm Hà Nội thực sự bứt phá, bài toán phát triển kinh tế đêm cũng cần có lộ trình, thời gian cụ thể. Bởi việc phát triển sản phẩm du lịch đêm không phải là một hoạt động sự kiện văn hóa.

Để thắp sáng hoạt động du lịch đêm phát triển, nhiều ý kiến các nhà chuyên môn cho rằng, cần có sự phối hợp, chung tay của các cấp chính quyền, đơn vị du lịch lữ hành trong việc sáng tạo sản phẩm tour đêm trải nghiệm khác biệt so với tour truyền thống ban ngày, thu hút du khách tại các điểm đến. Ngoài ra, tour du lịch đêm cho khách nước ngoài, kể cả khu phố cổ cũng phải có tour riêng mang màu sắc phố cổ, tạo sản phẩm khác biệt. Các vở diễn truyền thống tại các nhà hát cũng cần đổi mới, biểu diễn vở diễn dài hơn thay vì các trích đoạn ngắn như hiện nay.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện văn bản chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm gắn với phát triển du lịch. Trong đó, cần phân cấp mạnh cho địa phương trong quản lý và phát triển kinh tế đêm, vừa khai thác tốt tiềm năng sẵn có, giao tính tự chủ, sáng tạo.

Qua khai thác tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội, mang đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng về các sản phẩm du lịch đêm của Thủ đô, góp phần đưa du lịch đêm “cất cánh”.

Tính riêng 2 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch Thủ đô đã đón 4,23 triệu lượt khách, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2024. Tín hiệu vui từ ngành du lịch Hà Nội cho thấy thành công từ việc khai thác, thử nghiệm các sản phẩm du lịch đêm vào phục vụ du khách. Nổi bật là việc ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm đặc sắc đã trở thành kênh thông tin quảng bá điểm đến mới tại Hà Nội. Hướng tới mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến đến Hà Nội năm 2023 đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99,77 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 2023.
Kỳ 1: Luồng gió mới khác biệt so với tour du lịch truyền thống
Kỳ 2: Nơi nhộn nhịp, chỗ thưa vắng
Kỳ 3: Khi tour đêm vẫn chưa được “thắp sáng”
Kỳ 4: Đề xuất 4 sản phẩm du lịch mới để hút khách

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.