Cẩn trọng với “ma trận” khuyến mãi cuối năm

Dịp lễ Tết cận kề, người tiêu dùng thường cởi mở hơn trong chi tiêu nên nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này để thực hiện nhiều hình thức lừa đảo xuất hiện thời gian qua...
Giao dịch khi mua hàng nên sử dụng kết nối Internet riêng tư 	(Ảnh chụp tại Siêu thị Vinmart). Ảnh: Nguyễn Vũ
Giao dịch khi mua hàng nên sử dụng kết nối Internet riêng tư (Ảnh chụp tại Siêu thị Vinmart). Ảnh: Nguyễn Vũ

Mập mờ khuyến mãi

Tại nhiều tuyến đường của Hà Nội, rất nhiều cửa hàng tung ra những băng rôn quảng cáo ấn tượng như: xả hàng giá khủng, tưng bừng khuyến mại, giảm giá 30 - 80%... Bị hấp dẫn bởi mức giảm giá khủng, chị Nguyễn Bình, ở Gia Lâm, Hà Nội khi thấy cửa hàng quần áo trên phố Nguyễn Văn Cừ treo biển khuyến mại đến 80%, đã vào một cửa hàng. Nhưng khi vào cửa hàng mới phát hiện mức giảm giá trên chỉ áp dụng cho một số sản phẩm cũ, lỗi mốt hoặc có lỗi... còn những hàng mới thì không giảm giá.

Nhiều cửa hàng treo biển khuyến mại nhưng thực chất rất “mập mờ” về chính sách khuyến mại. Tại một cửa hàng Việt Nam xuất khẩu trên đường Xuân Thủy, mặc dù treo biển giảm giá 50% nhưng khách hàng phải mua từ 3 sản phẩm trở lên mới được hưởng mức ưu đãi này, mua hai sản phẩm chỉ giảm giá 30% và một sản phẩm giảm giá 10%. Không chỉ mặt hàng thời trang, các siêu thị điện máy cũng tung ra các chiêu khuyến mãi. Siêu thị Nguyễn Kim có chương trình giảm giá đối với các loại tivi với nhiều mức khác nhau từ 10-30%.

Một khách hàng cho biết: nghe thông tin ở Siêu thị Nguyễn Kim (Đông Anh) giảm giá mạnh nên tôi đến để mua chiếc tivi TCL Led L48P1- CF tại đây có giá 11.490.000 đồng, giảm giá còn 9.990.000 đồng. Mới cách đây vài ngày, tôi xem chiếc ti vi này tại cửa hàng điện máy gần nhà giá chỉ chưa đến 9.000.000 đồng, trong khi ở đây mang tiếng giảm giá mà vẫn còn cao hơn.

Một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho biết, hầu hết hàng khuyến mại thường là hàng tồn, lỗi mốt, cũ… lại không được hưởng các chế độ như bán hàng thông thường như đổi, trả khi hàng lỗi... Bên cạnh đó, nhiều trường hợp gọi là khuyến mại nhưng thực chất là hàng không đảm bảo chất lượng, mang tiếng giảm giá nhưng vẫn là giá cũ.

Nhiều hình thức lừa đảo xuất hiện thời gian qua như mua vé máy bay giá rẻ, việc làm thêm trên mạng xã hội, việc nhẹ lương cao, lấy lại tiền đang bị treo trên mạng, giấy in giá rẻ cho các cửa hàng photocopy…

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần phải tỉnh táo trước khi thực hiện giao dịch trên mạng xã hội, đặc biệt là với các quảng cáo giá siêu rẻ và ưu đãi lớn. Khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách hàng nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng. Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, khách hàng cần tìm hiểu kỹ và xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay. Đặc biệt, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), khuyến cáo: mặc dù hình thức lừa đảo “làm cộng tác viên” không mới, chúng liên tục thay đổi về hình thức khiến nhiều người vẫn đồng ý tham gia. Khuyến cáo người dân không nên làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền; không nên quá tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng. Đặc biệt lưu ý, không được cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào.

Hạn chế sử dụng Wi-Fi công cộng khi mua sắm

Nhu cầu sắm trực tuyến gia tăng, đối tượng lừa đảo cũng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận và xâm nhập vào dữ liệu thanh toán của người dùng thông qua kênh nhà bán trên nền tảng thương mại điện tử và trục lợi từ các dữ liệu bị đánh cắp.

Một số phát hiện nổi bật từ báo cáo gồm: đánh cắp thông tin kỹ thuật số (Digital Skimming); đánh cắp dữ liệu ATM / POS (ATM / POS Skimming). Với sự gia tăng lưu lượng truy cập tại các điểm bán hàng truyền thống và rút tiền mặt từ máy ATM, đối tượng lừa đảo có thể nhắm vào những thiết bị đầu cuối ATM và POS bằng thủ thuật tấn công skimming đánh cắp thông tin thẻ...

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết: người tiêu dùng cần thận trọng khi thanh toán, kiểm tra địa chỉ trang web có bắt đầu bằng “https://”. Kí tự “s” trong cú pháp kể trên - viết tắt của “secure” - sẽ cho thấy dữ liệu người dùng đang được mã hóa và gửi qua kết nối an toàn.

Hạn chế sử dụng Wi-Fi công cộng khi mua sắm: Wi-Fi công cộng thường có bảo mật yếu, tạo điều kiện cho các hacker dễ dàng đánh cắp thông tin người dùng. Do đó, giao dịch khi mua hàng sử dụng kết nối Internet riêng tư, an toàn cần được ưu tiên để đảm bảo tính bảo mật thông tin cao hơn.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cảnh báo: người tiêu dùng kiểm tra kỹ danh tính và tính xác thực của đơn vị bán lẻ (chỉ lựa chọn đơn vị bán lẻ uy tín); bảo mật thông tin cá nhân - trong mọi trường hợp, người dùng cũng được khuyến cáo đảm bảo trang web truy cập có sử dụng công nghệ bảo mật an toàn.
Triển khai nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng cuối năm
Doanh nghiệp được phép khuyến mại lên đến 100%
Dự kiến, Hà Nội sẽ tổ chức trên 20 hội chợ, triển lãm

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.