Xã Phong Vân, huyện Ba Vì:

Quyết tâm cán đích nông thôn mới nâng cao

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Chủ tịch UBND xã Phong Vân (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, những kết quả tích cực đạt được trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần nâng cao đời sống của người dân xã Phong Vân. Năm 2023, thu nhập bình đầu người của xã ước đạt trên 68 triệu đồng/người. 100% hộ dân đã được sử dụng nước sạch và điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn, ổn định.
Với những kết quả đạt được trong xây dựng 	NTM, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Phong Vân chỉ còn 0,2%, hộ cận nghèo còn 0,6%. Ảnh: B. Tính
Với những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Phong Vân chỉ còn 0,2%, hộ cận nghèo còn 0,6%. Ảnh: B. Tính

Theo báo cáo của UBND xã Phong Vân, tính đến thời điểm này, xã Phong Vân đã hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao theo quy định, chấm điểm xã đạt 93/100 điểm. Trong đó, gồm các tiêu chí: Quy hoạch, Điện, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Thông tin và truyền thông, Nhà ở dân cư, Thu nhập, Nghèo đa chiều, Lao động, Hành chính công, Chất lượng môi trường sống, Quốc phòng an ninh và Giáo dục...

Với việc hoàn thành 13 tiêu chí này đã giúp diện mạo nông thôn xã Phong Vân thêm khang trang, hiện đại. Cùng với tiêu chí về xây dựng hạ tầng, nhiều mô hình phát triển kinh tế, ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được xã triển khai hiệu quả.

Trong số này, điển hình là mô hình trồng lúa chất lượng, an toàn và hiệu quả cao áp dụng quản lý cây trồng tổng hợp VietGAP tại khu đồng Bể, thôn Vân Hội, với diện tích 10ha, đến nay đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap.

Cùng với đó trong hoạt động phát triển kinh tế, một số hoạt động ngành nghề như đan lát, chế biến lâm sản, nghề mộc, xây dựng, vận tải đường sông có xu hướng phát triển mạnh, cùng với lực lượng lao động xuất khẩu đã tạo nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương.

Theo UBND xã Phong Vân, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Phong Vân đã có sản phẩm giò đậu xanh đạt OCOP 3 sao. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn xã đã huy động xã hội hóa được trên 1,5 tỷ đồng trong triển khai cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng xanh, sạch, đẹp an toàn”, xây dựng xã NTM nâng cao.

Đặc biệt, để mở rộng các tuyến đường trên địa bàn xã, đã có 19 hộ gia đình hiến 132m2 đất thổ cư để mở rộng đường giao thông nông thôn. 8 hộ hiến 850m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nội đồng. 71 hộ tự nguyện xây tường bao mới, trát lại tường bao với tổng diện tích 2.562m, tổng trị giá trên 583 triệu đồng. 11 hộ tự nguyện sơn mới tường bao với tổng diện tích 1.650m, tổng trị giá trên 53 triệu đồng. Toàn xã đã trồng trên 1.300 cây hoa các loại, có 1.071 hộ gia đình đăng ký phân loại rác, 360 hộ gia đình xử ký rác thải hữu cơ tại nguồn...

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Chủ tịch UBND xã Phong Vân cho biết, những kết quả tích cực đạt được trong xây dựng NTM đã góp phần nâng cao đời sống của người dân xã Phong Vân. Năm 2023, thu nhập bình đầu người của xã ước đạt trên 68 triệu đồng/người; 100% hộ dân đã được sử dụng nước sạch và điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn, ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 0,2%, hộ cận nghèo còn 0,6%.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, để về đích NTM nâng cao trong năm 2023, xã Phong Vân cần hoàn thành 6 tiêu chí còn lại gồm: Giao thông, Thủy lợi và phòng chống thiên tai, Văn hóa, Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, Y tế, Môi trường....

“Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ minh chứng nộp về Văn phòng điều phối NTM của huyện Ba Vì. Đối với 13 tiêu chí đã đạt, xã sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao, duy trì và giữ vững. Phấn đấu các tiêu chí còn lại sẽ hoàn thành vào tháng 10/2023” - ông Nguyễn Huy Hoàng cho hay.

Ông Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh, để hoàn thành kế hoạch đề ra, xã Phong Vân sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để hoàn thành nâng cao chất lượng và bền vững các tiêu chí đạt chất lượng cao, phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn tín dụng để phát triển sản xuất, tổ chức đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, xây dựng, nâng cấp các tuyến đường bê tông, các tuyến mương nội đồng, cầu cống để phục vụ cho giao thông và sản xuất, mương thoát nước trong khu dân cư.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua và hưởng ứng cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng xanh, sạch, đẹp, an toàn” quyết tâm đưa xã Phong Vân về đích NTM nâng cao đúng lộ trình” - ông Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh.

Diện mạo mới của các làng quê nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Hà Nội: Tiếp tục ưu tiên, dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Sự vào cuộc của Nhân dân đóng vai trò then chốt

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.