Hà Nội: Tuyên truyền dự thảo chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đề án tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL luật giai đoạn 2022 -2027 (Đề án 407) của Thủ tướng Chính phủ được coi là giải pháp quan trọng để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện từ sớm, từ xa ngay từ khi lập đề nghị xây dựng VBQPPL.
-	Bà Phạm Thị Thanh Hương, PGĐ Sở Tư pháp TP Hà Nội đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Bà Phạm Thị Thanh Hương - PGĐ Sở Tư pháp TP Hà Nội đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách

Tại Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL” vừa được Bộ Tư pháp tổ chức, TS. Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật nêu rõ: Đề án 407 đặt ra 8 nhóm giải pháp quan trọng liên quan đến nhiều chủ thể, lực lượng khác nhau trong xã hội.

Qua 1 năm triển khai Đề án, Bộ Tư pháp với trách nhiệm là cơ quan chủ trì thực hiện đã gặt hái được những thành công nhất định, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Do đó, đồng chí Lê Vệ Quốc mong muốn các lực lượng khác nhau trong xã hội đóng góp ý kiến để tiếp tục nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách nói chung, việc huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác này nói riêng.

Theo đó, một số đại diện một số cơ quan truyền thông báo chí tham gia Hội thảo đã nêu lên những khó khăn trong việc tiếp nhận chính sách, điều kiện cơ sở vật chất và hạ tầng để tiếp cận thông tin còn hạn chế dẫn đến khi người dân chưa được biết rõ thì việc phản hồi chính sách gần như là không thể.

Trên cơ sở đó, đề xuất các cơ quan soạn thảo chính sách cần chủ động, tích cực phối hợp với truyền thông, báo chí, qua đó giúp thông tin kịp thời, đầy đủ các chính sách, các vấn đề được xã hội quan tâm đến với người dân, doanh nghiệp cũng như định hướng dư luận xã hội.

Đồng thời, kiến nghị đa dạng hóa các cách thức, biện pháp thực hiện truyền thông dự thảo chính sách gắn với huy động nguồn lực xã hội tham gia, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; truyền thông trên các cơ quan thông tin, báo chí, nhất là các kênh thông tin đa phương tiện. Chú trọng truyền thông dự thảo chính sách cho đối tượng đặc thù, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, thể chế để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách nói chung, việc huy động nguồn lực nói riêng theo hướng gắn trách nhiệm với quyền lợi khi tham gia, hỗ trợ kinh phí và có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể để thu hút sự tham gia của toàn xã hội, nhất là cơ quan thông tin, báo chí, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học.

Chủ động thực hiện các giải pháp

Tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Hương, PGĐ Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, Sở Tư pháp đã chủ động thực hiện các giải pháp để thực hiện hiệu quả việc tăng cường thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trong đó, Sở tham mưu UBND TP đưa nội dung tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trong các kế hoạch hằng năm về công tác tuyên truyền, PBGDPL của UBND TP xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp các ngành TP. Chủ động tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch tăng cường thông tin tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Giao trách nhiệm cho từng Sở, ngành, đơn vị tổ chức thông tin, tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự thảo chính sách để giúp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo từng lĩnh vực.

Lựa chọn thời điểm truyền thông: Thực hiện thường xuyên theo thực tiễn và xác định cao điểm truyền thông trong năm 2023 và năm 2024. Tham mưu lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp.

Chủ động đẩy mạnh truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trên phương tiện thông tin đại chúng, qua cơ quan Báo, Đài Trung ương và TP. Tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan Báo, Đài Trung ương, TP nắm bắt dư luận chỉnh sửa, tiếp thu ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thời gian tới, Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp đưa nội dung tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những nội dung trọng tâm của công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội; sớm tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trên phạm vi cả nước.

Trong Kế hoạch cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, bộ, ngành thuộc lĩnh vực đề xuất nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô, vai trò của các thành viên Ban soạn thảo Luật Thủ đô, vai trò của Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tạo sự quan tâm thu hút của dự luận và sự đóng góp tích cực, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên cả nước.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, PGĐ Sở Tư pháp TP Hà Nội: “Qua 1 năm thực hiện Đề án 407, các đơn vị thuộc TP Hà Nội với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện, tình hình thực tiễn đã chủ động lựa chọn những văn bản pháp luật có tác động lớn tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân trên địa bàn TP, được dư luận quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền trên Cổng/Trang thông tin điện tử của đơn vị. Tiếp thu và giải trình đóng góp ý kiến về dự thảo VBQPPL để kịp thời sửa đổi bổ sung hoàn thiện dự thảo VBQPPL…”.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi):Tạo cơ chế thuận lợi để Hà Nội phát triển
Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo điều kiện thực hiện phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao
Các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô phải tuân thủ với Hiến pháp 2013

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.