Ba Vì: Thay đổi diện mạo giao thông nông thôn

Sau hơn 10 năm huyện Ba Vì thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư tương đối đồng bộ, tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đạt cao, nhiều tuyến đường mới được phát triển theo quy hoạch đảm bảo kết nối giữa các vùng trong và ngoài huyện.
Đường Cụm Công nghiệp Đồng Giai từ QL32 đến UBND xã Vật Lại  dài 1 km được nhựa hóa, có hệ thống chiếu sáng và trồng hoa 2 bên đường
Đường Cụm Công nghiệp Đồng Giai từ Quốc lộ 32 đến UBND xã Vật Lại dài 1km được nhựa hóa, có hệ thống chiếu sáng và trồng hoa 2 bên đường.

Theo UBND huyện Ba Vì, trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM thì giao thông nông thôn (GTNT) là một trong những tiêu chí đặc biệt quan trọng, bởi có đường giao thông thuận lợi sẽ tạo điều kiện để kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện được tiêu chí này là cả một hành trình khó khăn.

Trước những năm 2010, hệ thống GTNT trên địa bàn huyện Ba Vì còn nhiều hạn chế, đường tỉnh lộ chạy qua địa bàn nhỏ hẹp, xuống cấp, đường liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm cũng nhỏ, hẹp, cây cối rậm rạp, tỷ lệ cứng hóa còn thấp, khó khăn cho việc đi lại, giao thương kinh tế trong vùng. Giao thông không thuận lợi đã ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Trước thực trạng đó, UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo các ngành chức năng thống kê hiện trạng, báo cáo, đề nghị Sở GTVT Hà Nội, UBND TP Hà Nội xem xét đầu tư, cải tạo, nâng cấp, phát triển mạng lưới GTNT theo quy hoạch tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế liên vùng.

Đường TL412  từ QL32 đi Suối Hai mới được trải nhựa
Đường tỉnh lộ 412 từ Quốc lộ 32 đi Suối Hai mới được trải nhựa.

Được sự quan tâm của Trung ương, TP Hà Nội, mấy năm gần đây GTNT ở Ba Vì đã có những bước tiến dài, những con đường đã được làm mới ở khắp các vùng quê. Bằng nguồn kinh phí của Trung ương và TP Hà Nội, huyện Ba Vì được đầu tư, xây dựng nhiều công trình công cộng như các di tích lịch sử văn hóa, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, đặc biệt là hệ thống GTNT đảm bảo kết nối giữa các vùng trong và ngoài huyện… Góp phần tạo nên bộ mặt nông thôn Ba Vì được khang trang, bề thế, hiện đại hơn.

Đến nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện có tổng chiều dài 1.708,18km. Trong đó: UBND TP Hà Nội quản lý sau đầu tư gồm: 1 tuyến Quốc lộ 32 dài 15km, 17 tuyến đường tỉnh lộ dài 145,79km đã được trải nhựa; UBND huyện Ba Vì quản lý sau đầu tư 37 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 130,06km; UBND 30 xã và thị trấn Tây Đằng quản lý 1.417,33km gồm đường trục xã, thôn, xóm.

Xác định giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, huyện Ba Vì đặc biệt chú trọng đến công tác duy tu, duy trì hàng năm. Sau khi được tiếp nhận các tuyến đường theo phân cấp quản lý, năm 2019, huyện đầu tư 11,041 tỷ đồng duy tu một số tuyến đường như: tuyến đường nối TL411C đi xã Cẩm Lĩnh, đường trục xã Đông Quang đi đê Đại Hà, tuyến đường giao thông thôn Đá Chông, xã Minh Quang…

Đường giao thông nông thôn xã Đông Quang, huyện Ba Vì.
Đường GTNT xã Đông Quang, huyện Ba Vì.

Năm 2020, huyện đầu tư 2,65 tỷ đồng duy tu tuyến đường giao thông thôn Thuận An xã Thái Hòa đi xã Phú Đông. Năm 2021, huyện đầu tư 12,499 tỷ đồng duy tu một số tuyến đường như đường trục xã Minh Quang (đoạn qua dốc Sổ), đường trục xã Minh Châu…

Năm 2022, huyện tiếp tục đầu tư 42,45 tỷ đồng duy tu một số tuyến đường như tuyến đường giao thông liên xã Tây Đằng - Phú Châu (đoạn nút giao với đê Hữu Hồng thị trấn Tây Đằng), tuyến đường trục chính xã Cổ Đô đoạn từ ao Tràn đi kênh TH2…

Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn huyện có đường ô tô kết nối với đường huyện và các trung tâm hành chính, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm. Đến hết năm 2022, trên địa bàn 31 xã, thị trấn các tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng được cứng hóa.

Đường bờ đập Muồng voi, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì
Đường bờ đập Muồng voi, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, việc phát triển GTNT trên địa bàn huyện Ba Vì đạt kết quả toàn diện: 30/30 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn tiêu chí số 02 về Giao thông theo Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3098/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Bộ tiêu chí xây dựng xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, đạt tỷ lệ 100%; trong đó có 4 xã NTM nâng cao gồm: Tản Hồng, Vạn Thắng, Sơn Đà, Phú Phương đạt tiêu chí số 02 về Giao thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao của Trung ương và Thành phố, giai đoạn 2021 - 2025.

Đặc biệt, các xã Minh Quang, Khánh Thượng, Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh… hệ thống đường giao thông được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế dịch vụ du lịch trên địa bàn. Hiện nay, đối với các xã khu vực trọng điểm phát triển du lịch, huyện Ba Vì đã đầu tư, nâng cấp nhiều tuyến đường, trên cơ sở đó, được Nhà nước đầu tư, Nhân dân trong khu vực đã hăng hái hiến đất mở rộng đường GTNT như xã Khánh Thượng, xã Minh Quang, xã Tản Lĩnh…

“Sau hơn 10 năm Ba Vì thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hệ thống đường GTNT được đầu tư tương đối đồng bộ, tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đạt cao, nhiều tuyến đường mới được phát triển theo quy hoạch đảm bảo kết nối giữa các vùng trong và ngoài huyện. Đây là điều kiện thuận lợi để Ba Vì tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu để Ba Vì trở thành huyện có tốc độ phát triển khá của Thủ đô Hà Nội” - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì nhấn mạnh.

Thay đổi diện mạo nhờ sự chăm lo, đầu tư của thành phố
Diện mạo mới của "con đường đau khổ" sau 4 năm cải tạo
Xây dựng nông thôn mới tại huyện Ba Vì: Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang

Ánh Tuyết

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.