Chế tài xử lý với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng xã hội

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có rất nhiều cảnh báo về việc lừa đảo qua mạng xã hội nhưng vẫn có nhiều người dân nhẹ dạ cả tin “mắc bẫy”…
Vì sao nhiều người sập bẫy khi làm “cộng tác viên online”? Ảnh minh họa
Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy khi làm “cộng tác viên online” -Ảnh minh họa

Mới đây, CQ CSĐT CA huyện Đông Anh, Hà Nội, ra quyết định khởi tố vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh để tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng liên quan.

Theo đơn trình báo, chị T., SN 1982, trú tại huyện Đông Anh có thấy quảng cáo làm cộng tác viên online trên mạng xã hội facebook sẽ được hưởng tiền hoa hồng. Khi đặt lệnh làm nhiệm vụ mua bán sản phẩm để tăng tương tác, chị T. sẽ được hưởng hoa hồng.

Với lời giới thiệu việc nhẹ lương cao, không cần làm nhiều mà vẫn có tiền, chị T. đã chuyển gần 400 triệu đồng để thực hiện các nhiệm vụ theo hướng dẫn. Tuy nhiên, khi liên hệ bên đối tác thì chị T. không nhận được tiền hoa hồng. Chị T. biết mình bị lừa và đến CQCA trình báo.

Theo CA TP Hà Nội, dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn mất hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng bởi chiêu trò làm cộng tác viên online. Đa phần đó là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, sinh viên có nhu cầu kiếm thêm thu nhập đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm, CA TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho CQCA để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay phương thức và thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi và mới mẻ. Đặc biệt là các trường hợp lừa đảo qua mạng xã hội, vì thế người dân khi tiếp xúc, sử dụng mạng xã hội cần phải cảnh giác cao.

Người dân lưu ý những dấu hiệu nhận diện lừa đảo qua tin tuyển dụng như: Có mức thu nhập hấp dẫn và yêu cầu thu phí bất thường như tiền đặt cọc để đảm bảo trách nhiệm làm việc; Thông tin người tuyển dụng mập mờ, không công khai thông tin công ty, không có trụ sở công ty; Thường hối thúc chuyển tiền, khi nhận được tiền thì hứa hẹn và đưa ra nhiều lí do khác nhau để không thanh toán, sau đó chặn liên hệ,...

Do đó, khi tìm việc trên mạng cần tìm hiểu kỹ thông tin công ty, công việc, cảnh giác trước những lời mời chào hấp dẫn. Nên trực tiếp đến nơi công ty tuyển dụng, không giao dịch hay phỏng vấn với người tuyển dụng lạ mặt bên ngoài trụ sở công ty.

Luật sư Nguyên cũng cho biết thêm, pháp luật lao động hiện nay cấm người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động. Nên khi phía người tuyển dụng yêu cầu đưa tiền hoặc tài sản đảm bảo thì người dân cần phải cảnh giác ngay.

Bên cạnh đó, tuyệt đối không công khai các thông tin cá nhân như: Ngày, tháng, năm sinh, số CMND hoặc CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng,… cho người lạ hoặc đăng tải thông tin đó lên các trang mạng xã hội nhằm tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo. Khi phát hiện về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể tố giác hành vi lừa đảo đến các cơ quan có thẩm quyền.

Điểm c khoản 1 Điều 15, Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, tại điểm c, khoản 2 Điều 174, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm tù.

Người dân cần nâng cao cảnh giác đối với hành vi tuyển dụng cộng tác viên qua mạng
Công an Hải Phòng khuyến cáo người dân về chiêu lừa tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng online
Nhận cuộc gọi từ nhân viên nhà mạng Viettel "dỏm", cụ ông mất 800 triệu đồng
Cơ quan Công an công bố các số tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các cuộc gọi thông báo người thân đang cấp cứu
Giả danh chuyên viên Văn phòng HĐND tỉnh Hải Dương để lừa đảo

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.