Tập huấn các kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi

Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tập huấn cho các trợ giúp viên pháp lý và chuyên viên của trung tâm về các quy định của pháp luật liên quan đến người cao tuổi và kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi.
Các Trợ giúp viên pháp lý chăm chú nghe báo cáo viên chia sẻ về kỹ năng làm việc với người cao tuổi.
Các Trợ giúp viên pháp lý chăm chú nghe báo cáo viên chia sẻ về kỹ năng làm việc với người cao tuổi.

Thực hiện kế hoạch số 283/KH-UBND ngày 28/10/2022 về việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2030; Căn cứ Quyết định số 05/QĐ-STP ngày 09/01/2023 của Sở Tư pháp phê duyệt Kế hoạch công tác Trợ giúp pháp lý năm 2023 của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội.

Sáng 31/3, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tập huấn cho các trợ giúp viên pháp lý và chuyên viên của Trung tâm về các quy định của pháp luật liên quan đến người cao tuổi và kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi.

Hội nghị tổ chức nhằm nâng cao năng lực cho người làm công tác trợ giúp pháp lý về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Giảng viên Học viện phụ nữ chia sẻ thông tin liên quan đến các quy định pháp luật đối với người cao tuổi và các kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi.

Cụ thể, Tiến sĩ Hoài chia sẻ, người cao tuổi thường có đặc điểm như thể chất, tâm lý yếu ớt, giao tiếp xã hội hạn chế; khả năng đề kháng kém; khả năng kiểm soát hạn chế, có nguy cơ vi phạm pháp luật; Sống phụ thuộc, là đối tượng bị kỳ thị, nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bạo lực, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi.

Từ những đặc điểm trên, người trợ giúp pháp lý cần có các kỹ năng làm việc với người cao tuổi như kỹ năng quan sát, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng tóm tắt, kỹ năng xử lý sự im lặng.

Với kỹ năng quan sát, khi làm việc với người cao tuổi, trợ giúp viên pháp lý cần quan sát dáng vẻ bên ngoài nhằm nhận diện các đặc điểm xã hội, kinh tế, một phần tính cách để có cách ứng xử phù hợp. Quan sát biểu hiện qua nét mặt, phong cách ăn mặc, thói quen, môi trường sống và cần chú ý đến sự tương thích giữa biểu hiện ngôn ngữ không lời và nội dung trong ngôn ngữ có lời.

Sau khi quan sát, trợ giúp viên pháp lý cần thực hiện lắng nghe tích cực, kết hợp với mắt nhìn thể hiện sự thân thiện, cởi mở, tạo không khí thoải mái trong khi làm việc với người cao tuổi. Trong khi trao đổi với người cao tuổi, hạn chế "nghe chọn lọc".

Không nên ngắt lời đột ngột khi người cao tuổi đang nói và trong trường hợp cần thiết, nếu việc ngắt lời cần phải thực hiện thì nên xin lỗi và khéo léo ngắt lời. Trong quá trình làm việc, trợ giúp viên pháp lý cần đưa ra các câu hỏi nhằm tìm hiểu vấn đề một cách khách quan, đầy đủ, có tính phản biện để hiểu được sự việc.

Tiếp thu các tình huống thực tế từ trợ giúp viên pháp lý, báo cáo viên đã có những chia sẻ để giải quyết các tình huống đó giúp trợ giúp viên pháp lý có thêm kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng khi làm việc với người cao tuổi.

Thông qua các hội nghị tập huấn cho các trợ giúp viên pháp lý và chuyên viên của trung tâm về các quy định của pháp luật liên quan đến người cao tuổi và kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi.

Thuộc nhóm đối tượng đặc biệt, có đặc điểm như thể chất, tâm lý yếu ớt, giao tiếp xã hội hạn chế; khả năng đề kháng kém; Sống phụ thuộc, là đối tượng bị kỳ thị, nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bạo lực, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi. Giúp nâng cao các kỹ năng làm việc với người cao tuổi như kỹ năng quan sát, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng tóm tắt, kỹ năng xử lý sự im lặng, để giúp người cao tuổi, có cơ hội được tiếp cận với các vấn đề pháp lý.

Tại hội nghị, các trợ giúp viên pháp lý đã chia sẻ các tình huống đã gặp phải khi trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi. Những tình huống thực tế này khiến hội nghị có sự tương tác giữa báo cáo viên và trợ giúp viên pháp lý.
Ngành tư pháp thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ "người gác cổng" về các vấn đề pháp lý
Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
Nâng cao chất lượng các vụ việc tham gia trợ giúp pháp lý

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.