“Lấp đầy” khoảng trống trong chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất với hơn 2.800 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh, ngành Giáo dục Hà Nội xác định công cụ để quản lý tốt nhất chính là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Những khoảng trống trong chuyển đổi số đang dần được “lấp đầy” để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
“Lấp đầy” khoảng trống trong chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Giáo viên các trường trung học cơ sở của quận Thanh Xuân và huyện Hoài Đức trao đổi chuyên môn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tiên phong chuyển đổi số

Ngày 30/12/2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 4725/QĐ-BGDĐT về bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên với mục tiêu thúc đẩy công tác chuyển đổi số toàn ngành. Các nhà trường được đánh giá theo 3 mức độ (mức 1 là chưa đáp ứng, mức 2 là đáp ứng cơ bản, mức 3 là đáp ứng tốt).

Việc ban hành bộ chỉ số nhằm thực hiện hiệu quả “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, cũng là căn cứ để các nhà trường rà soát, đánh giá và hoàn thiện các điều kiện thực hiện chuyển đổi số.

Đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong thực hiện chuyển đổi số giáo dục, ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD&ĐT) cho biết, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ cao nhất về kết nối thông tin của học sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 97% số học sinh (cả nước là 95%). Hà Nội cũng đã triển khai tốt các dịch vụ công trực tuyến, duy trì hiệu quả hình thức tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp, tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh.

Là một trong những đơn vị chủ động đi đầu, tạo sự lan tỏa trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, dạy và học, đến nay, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã xây dựng được “bộ nhớ dùng chung” phục vụ quản lý, điều hành từ phòng tới từng nhà trường.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận chia sẻ, xác định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, phòng đã tham mưu UBND quận ban hành đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho toàn ngành giai đoạn 2021 - 2025 để định hướng thực hiện, cũng là căn cứ cho các nhà trường xây dựng lộ trình, bố trí kinh phí đầu tư. Đã có gần 20 phần mềm hỗ trợ quản lý, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá được ban hành, áp dụng, góp phần cải thiện vị trí xếp hạng chất lượng giáo dục của quận năm học 2021 - 2022 lên vị trí thứ 3 của TP Hà Nội, tăng 3 bậc thi đua so với năm học trước.

Không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, mới đây, trường THCS Thành Công, quận Ba Đình đã triển khai lắp đặt máy quét thẻ từ để quản lý chuyên cần của học sinh. Cô Nguyễn Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, từ đầu tháng 3/2023, nhà trường triển khai lắp đặt 9 máy quét ở những vị trí thuận lợi từ cổng trường cho đến các hành lang lớp học để thực hiện quản lý chuyên cần của học sinh bằng phương pháp quét thẻ từ.

Theo cô Ngọc Anh, việc sử dụng công nghệ vào điểm danh trong trường học là một giải pháp tối ưu và hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. “Với phương pháp này, Trường THCS Thành Công sẽ dễ dàng tổng hợp, báo cáo chi tiết thời gian ra, vào của học sinh. Từ đó, việc quản lý học sinh của ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm dễ dàng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, các em học sinh sẽ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi đến trường...” - cô Ngọc Anh nhấn mạnh.

“Lấp đầy” khoảng trống trong chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo
Lãnh đạo hai phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm và huyện Quốc Oai ký kết biên bản ghi nhớ.

Tăng cường kết nối, chia sẻ, “lấp đầy” khoảng trống

Để lấp đầy những “khoảng trống” về điều kiện dạy học và trao đổi chuyên môn là hoạt động thường xuyên của nhiều trường học ở Hà Nội, tháng 12/2022, Sở GD&ĐT Hà Nội phát động phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025. Phong trào nhằm tăng cường sự gắn kết, trách nhiệm giữa những trường ở nơi thuận lợi với trường ở địa bàn khó khăn sẽ dài hơi hơn, từ đó rút ngắn dần khoảng cách về chất lượng giáo dục, đem lại những điều tốt nhất cho học sinh.

Hưởng ứng phong trào trên, các phòng giáo dục và đào tạo và nhiều trường học đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch kết nối với đơn vị bạn, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu... Thực tế cho thấy, không phải cứ trường học ở khu vực quận, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi thì không có khó khăn, không có điểm yếu và ngược lại, nhiều trường ở địa bàn khó khăn lại có những sáng kiến, mô hình hay có thể nhân rộng.

Là một trong những cặp đơn vị đầu tiên hưởng ứng, triển khai phong trào, Phòng Giáo dục và Đào tạo của quận Thanh Xuân và huyện Hoài Đức đã ký kết kế hoạch từ nay tới năm 2025 với lộ trình, đầu việc cụ thể, trong đó tập trung vào các giải pháp khắc phục khó khăn để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mới đây nhất, Phòng GD&ĐT huyện Quốc Oai và quận Hoàn Kiếm cũng ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình kết nghĩa, triển khai phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm" giai đoạn 2023 - 2025. Chương trình chung tay hỗ trợ các trường mầm non, tiểu học và THCS gặp khó khăn về cơ sở vật chất để triển khai thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô.

Là đơn vị kết nghĩa của Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, ngành Giáo dục huyện Ba Vì cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ đặc biệt là trong công tác chuyển đổi số giáo dục. Từ đó, huyện Ba Vì đã tập trung cho công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, bởi đây là lực lượng nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, với sự hỗ trợ của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, tháng 1/2023, đội ngũ cán bộ, giáo viên của huyện Ba Vì đã được trực tiếp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này. Nhờ đó, các nhà trường đều tự tin, quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực xây dựng bài giảng điện tử để hỗ trợ việc học của học sinh, nhất là trong việc giao bài tập về nhà, các bài tập dự án, thực hành...

Khẳng định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương thông tin, giáo dục Hà Nội hiện có quy mô lớn nhất với hơn 2.800 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh.

Một trong những công cụ để quản lý tốt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Sở GD&ĐT Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số.

Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị tất cả các nhà trường căn cứ bộ chỉ số về chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT để rà soát các điều kiện hiện có; tham mưu chính quyền địa phương tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; triển khai hiệu quả hệ sinh thái chuyển đổi số về dạy học, kiểm tra, đánh giá; cập nhật thông tin thường xuyên lên trung tâm điều hành thông minh của ngành… Các nhà trường cũng cần tăng cường xây dựng, đóng góp vào kho học liệu số; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt…

Hà Nội: Đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Hà Nội: Đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Chuyển đổi số là nói đến con người chứ không phải công nghệ Chuyển đổi số là nói đến con người chứ không phải công nghệ
Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số
Hà Nội: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Hà Nội: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Hà Nội kiến nghị ban hành chế độ đặc thù với giáo viên Hà Nội kiến nghị ban hành chế độ đặc thù với giáo viên

Nguyễn Tiến Việt

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.