Trẻ 8 tuổi bị tắc ruột do nguyên nhân hiếm gặp

Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, vừa qua, các bác sĩ bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho trường hợp bệnh nhi bị tắc ruột do bã thức ăn.
Trẻ 8 tuổi bị tắc ruột do nguyên nhân hiếm gặp
Tắc ruột do bã thức ăn ở trẻ em là tình trạng hiếm gặp. Ảnh: BVCC

Theo đó, bệnh nhi H.A.K (8 tuổi, ở Hà Nội) đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với biểu hiện đau bụng 4 ngày kèm nôn mửa. Gia đình cho biết, bé K xuất hiện đau bụng cách đây 4 ngày, được đưa đi khám tại một bệnh viện tuyến trung ương sau đó chuyển qua một bệnh viện tư tại Hà Nội điều trị nội trú 3 ngày theo dõi tắc ruột không rõ nguyên nhân.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bé K được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán tắc ruột do bã thức ăn. Hình ảnh trên phim chụp cho thấy bã thức ăn di chuyển xuống dưới nhưng bị tắc ở đoạn ruột non cách góc hồi manh tràng 20cm, kích thước 4x2 cm cứng chắc.

Sau đó, bệnh nhi được bác sĩ Vũ Hồng Tuân, Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiến hành mổ cấp cứu bằng phương pháp mở ruột non lấy bã thức ăn làm xẹp ruột có nội soi hỗ trợ. Tuy nhiên mổ nội soi ổ bụng chướng khó can thiệp cho nên bác sĩ chuyển sang mổ mở nhỏ 5cm phát hiện khối bã thức ăn rất cứng chắc ở đoạn cuối hồi tràng. Các bác sĩ đã mở ruột lấy bã thức ăn và khâu lại ruột cho người bệnh. Kết quả, 4 ngày sau mổ, bé K tiêu hoá lưu tốt, được ăn nhẹ và chăm sóc tại khoa điều trị.

Bác sĩ Vũ Hồng Tuân cho biết, có nhiều nguyên nhân gây tắc ruột non như do nuốt dị vật không thể tiêu hoá được, do bệnh nhi có bệnh nền về tuỵ gây khó tiêu hoá thức ăn, búi giun gây tắc ruột. Tắc ruột do bã thức ăn ở trẻ em là tình trạng hiếm gặp, trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế có chuyên môn cao và phương tiện kỹ thuật hiện đại để kịp thời được thăm khám và xử lý.

Cụ bà bị thủng ruột non sau khi ăn món cá rô rán
Tiêu chảy cấp, trẻ 1 tuổi biến chứng suy thận, suy tim
Không nhai kỹ thức ăn, người phụ nữ bị khối bã “khủng” ở dạ dày

Bảo Long

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.