Rủ góp vốn “dự án” mua đồng thanh lý, lừa hơn 10 tỷ đồng

TAND TP Hà Nội vừa xét xử bị cáo Nguyễn Kiêm Khánh, SN 1959, trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
 Bị cáo Khánh chờ tòa nghị án
Bị cáo Khánh chờ tòa nghị án.

Cáo trạng thể hiện, Khánh là đối tượng không có nghề nghiệp. Để có tiền tiêu xài, Khánh đã dùng thủ đoạn gian dối. Anh ta giới thiệu bản thân có mối mua thanh lý dây đồng, dây nhôm của Cty Điện lực Hà Nội hoặc kho Sơn Đông ở huyện Hoài Đức với giá rẻ, có thể mua rồi bán hưởng tiền chênh. Khánh nói, nếu gói vốn thì sẽ chia lợi nhuận 10%/1 tháng/tổng số tiền góp vốn. Thấy vậy, nhiều người đã đưa tiền cho Khánh. Để tạo lòng tin, sau vài ngày Khánh đã trả tiền gốc và lợi nhuận rồi tiếp tục hỏi vay tiền của các bị hại để chiếm đoạt.

CQĐT làm rõ, khoảng đầu tháng 5/2021, thông qua người quen, anh Bùi Duy Đ, SN 1988, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội, quen Khánh. Sau khi nghe Khánh nói về việc góp vốn, anh Đ đã đồng ý đưa tiền cho Khánh. Ngày 11/5/2021, anh Đ đưa cho Khánh 100 triệu đồng. Khánh viết giấy biên nhận góp vốn vào quyển sổ với nội dung: “Anh Đ đầu tư mua đồng thanh lý của Sở Điện lực Hà Nội, số tiền 3 tỷ đồng, lợi nhuận 10%/1 tháng/tổng số tiền đầu tư. Hôm nay, anh Đ đặt cọc 100 triệu đồng còn lại ngày mai đưa nốt…” và có chữ ký của người làm chứng.

Vài ngày sau, anh Đ tiếp tục đem 500 triệu đồng để đưa cho Khánh. Lúc này, tổ công tác xuất hiện, lập biên bản đưa Khánh và những người liên quan về trụ sở CQCA xã để làm rõ. Quá trình giải quyết vụ án, Khánh bỏ trốn đến ngày 15/5/2022 thì bị bắt theo lệnh truy nã. Qua xác minh, Tổng Cty Điện lực TP Hà Nội cho biết, đơn vị thực hiện việc xuất kho thanh lý theo Luật Đấu giá năm 2016 và các quy chế, quy định nội bộ về thanh xử lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Khi triển khai thanh xử lý vật tư thiết bị, các đơn vị trực thuộc đều đăng tải thông tin trên trang đấu giá của Bộ Tư pháp để lựa chọn tổ chức đấu giá và người mua hàng… Tổng Cty không thực hiện ký kết hợp đồng với ông Khánh.

Ngoài ra, CQĐT xác định, từ ngày 10/3/2021 đến ngày 24/4/2021, Khánh còn nhiều lần nhận tiền của bà Nguyễn Thị H, SN 1967, trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội, 12,3 tỷ đồng để mua thanh lý dây điện với lãi suất 10%/1 tháng nhưng bà H không nhớ cụ thể mỗi lần đưa cho Khánh bao nhiêu tiền.

CQĐT yêu cầu bà H cung cấp tài liệu, chứng cứ xác định số tiền Khánh chiếm đoạt nhưng bà H không cung cấp. Tài liệu CQĐT thu giữ của Khánh là quyển sổ ghi chếp số tiền nhận, trả gốc và lãi cho bà H trong thời gian trên là hơn 17,9 tỷ đồng; trả gốc hơn 5 tỷ đồng, trả lãi hơn 1,2 tỷ đồng; số tiền còn nợ lại là 12,9 tỷ đồng. Nhưng trong sổ không có chữ ký thể hiện bà H giao nhận tiền. Do đó, CQĐT xác định chưa có đủ căn cứ vững chắc kết luận Khánh chiếm đoạt tiền của bà H hay bà H cho Khánh vay nặng lãi.

CQĐT đã tách rút tài liệu để tiếp tục xác minh, làm rõ sau. Đối với 18 người liên quan đến việc góp vốn với bị cáo Khánh, họ trình bày có cho Khánh vay tiền để kinh doanh và có trả lợi nhuận. Đến nay, Khánh đã trả hết tiền hoặc còn nợ ít nhưng không có giấy tờ để chứng minh. Do đó, các cá nhân này không yêu cầu xử lý hình sự với Khánh.

Như vậy, CQĐT xác định, Khánh đã chiếm đoạt số tiền 600 triệu đồng của anh Đ. Tuy nhiên sau khi xem xét, tòa án đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung do có một số tình tiết chưa được làm sáng rõ.

Lừa đảo qua vay vốn online rồi mua xe ô tô trị giá hơn 800 triệu
Cán bộ địa chính phường lừa “góp vốn” đầu tư mua bán đất
Lừa góp vốn đầu tư bất động sản, chiếm đoạt gần 29 tỷ đồng

Bảo An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.