Hà Nội lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố.
Theo quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc bãi bỏ khung giá đất là một nhiệm vụ cần phải được chú trọng để có thể khắc phục được đầy đủ những hạn chế, bất cập đang phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Đất đai tại thời điểm hiện tại
Hà Nội lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Kế hoạch nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Cùng với đó, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để làm tốt việc này, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất. Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân với các hình thức thích hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tham gia góp ý.

Các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tuyên truyền vận động cán bộ Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến đóng góp; việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức.

Về nội dung lấy ý kiến Nhân dân phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được dư luận quan tâm. Ý kiến đóng góp của Nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia góp ý kiến; phản ánh trung thực, kịp thời y kiến tham gia của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm pháp luật lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023.

Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan Thường trực giúp việc cho Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố trong việc tổ chức và triển khai thực hiện việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo kế hoạch.

Luật Đất đai (sửa đổi): Cần rõ hơn tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ”
Luật Đất đai (sửa đổi): Cần xây dựng lại khái niệm hộ gia đình sử dụng đất
Cần đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất, bổ sung cơ sở dữ liệu thu hồi đất

HP

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.