Hòa giải viên được người dân quý mến

Đến nay, với nhiều năm tham gia công tác hòa giải tại cơ sở, trong đó hơn 9 năm làm Tổ trưởng tổ hòa giải, ông Nguyễn Năng Hồng (82 tuổi), Tổ trưởng tổ hòa giải 4 (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn cần mẫn với công việc lặng lẽ, đầy cao quý của mình, góp phần vun đắp cho “tình làng, nghĩa xóm” thêm thân thiết, giữ bình yên cho khu phố...
Hơn 9 năm làm Tổ trưởng tổ hòa giải, với tấm lòng nhiệt huyết, đam mê, ông Nguyễn Năng Hồng ngày ngày chăm chỉ se mối dây tình cảm gắn kết tình làng nghĩa xóm, cho biết bao gia đình.(ảnh: Văn Biên)
Hơn 9 năm làm Tổ trưởng tổ hòa giải, với tấm lòng nhiệt huyết, đam mê, ông Nguyễn Năng Hồng ngày ngày chăm chỉ se mối dây tình cảm gắn kết tình làng nghĩa xóm, cho biết bao gia đình. Ảnh: Văn Biên

Chỉ cần tiếp xúc với ông Nguyễn Năng Hồng một lần là có thể cảm nhận được tình cảm chân thành sâu sắc, tinh thần xây dựng tổ dân phố cũng như quê hương Đức Thắng và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao trong công tác hòa giải ở cơ sở mà ông đảm nhận nhiều năm nay.

Ông Hồng chia sẻ, giữ vững tình đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn là điều vô cùng quan trọng. Cuộc sống ổn định, bình yên thì đời sống tinh thần cũng như kinh tế - xã hội mới được phát triển tốt. Muốn đạt được điều đó công tác hòa giải cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.

Trong suốt thời gian tham gia công tác hòa giải, ông Hồng luôn gần gũi nắm bắt tâm tư, tình cảm và thường xuyên lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, thường xuyên phối hợp tốt với cảnh sát khu vực, các chi hội đoàn thể và nhân dân ở tổ dân phố nắm bắt tình hình, các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân để giải quyết ngay tại cơ sở. Do đó, ông cùng với các thành viên tổ hòa giải đã hòa giải thành công nhiều vụ việc.

Nói về công việc hòa giải của mình, ông cho hay, muốn hòa giải thành công đòi hỏi người cán bộ hòa giải phải thực sự tâm huyết với nghề. Cái “nghề” này đòi hỏi những hòa giải viên vừa phải nắm vững chính sách pháp luật, lại phải tế nhị hài hòa, phân tích có lý, hợp tình mới khiến các bên tranh chấp xoa dịu được không khí căng thẳng.

Theo ông Hồng, người xưa thường nói “thấy ăn thì đến, thấy đánh thì đi”, ấy thế mà với ông và những người làm công tác hòa giải như ông thì ngược lại, hễ ở đâu có to tiếng, có xích mích là các ông lại tìm đến để ôn tồn hòa giải; có mâu thuẫn gì mới manh nha phát sinh là các ông có mặt, tìm cách giải quyết với phương châm “việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ thành không có gì”.

Từ kinh nghiệm nhiều năm gắn với “nghề” hòa giải, ông Hồng tổng kết, mâu thuẫn phát sinh nhiều nhất vẫn là từ những xích mích, bất hòa liên quan đến quan hệ gia đình như: vợ chồng cãi vã hay mâu thuẫn bất hòa giữa mẹ chồng và nàng dâu, mâu thuẫn giữa các gia đình với nhau liên quan tranh giành đất đai.

Ông Hồng tâm sự, càng gắn bó lâu ông càng thấy yêu nghề, nhưng cũng trăn trở nhiều hơn, bởi thực trạng hiện nay, khi kinh tế - xã hội càng phát triển thì những mâu thuẫn phát sinh ngày càng nhiều.

Mỗi khi chứng kiến cảnh bà con làng xóm cãi vã vì tranh chấp đất đai, tranh chấp trong chia thừa kế, hôn nhân rạn nứt, tệ nạn xã hội hay mâu thuẫn ngay từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống khiến ông không khỏi trăn trở, tự nhủ lòng mình cần phải cố gắng dốc sức hơn nữa trong công việc đem niềm vui đến với mỗi gia đình, giữ bình yên cho xóm làng.

Ông Hoàng Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Đức Thắng cho biết: “Ông Nguyễn Năng Hồng là một hòa giải viên nhiệt huyết, có nhiều đóng góp cho địa phương. Suốt nhiều năm tham gia công tác hòa giải cơ sở, phần thưởng lớn nhất của ông chính là sự đoàn kết, là tình cảm quý mến, nể trọng của mọi người. Nhờ ông mà lãnh đạo phường kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để giải quyết công việc hợp lý, nhanh chóng”.

Người dân hiểu về Luật Đất đai nhiều hơn sau khi được hòa giải Người dân hiểu về Luật Đất đai nhiều hơn sau khi được hòa giải
Hòa giải cơ sở hiệu quả nhờ triển khai nề nếp, bám sát Luật Hòa giải cơ sở hiệu quả nhờ triển khai nề nếp, bám sát Luật
Những mâu thuẫn “nan giải” trong gia đình Những mâu thuẫn “nan giải” trong gia đình
Cán bộ hòa giải tạo uy tín trong cộng đồng dân cư Cán bộ hòa giải tạo uy tín trong cộng đồng dân cư

Văn Biên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.