Vụ sai phạm tại BVĐK Đồng Nai và Cty AIC: Sai phạm là của chính mình!

Mặc dù được nhiều cơ quan, ban ngành, người bệnh cũng như cán bộ y tế… ký đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho mình, nhưng cựu GĐ Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ vẫn khó có thể tránh khỏi vòng lao lý với một hoặc cả hai tội danh. Và cho dù có chứng minh được rằng, người thầy thuốc này hoàn toàn thực hiện theo ý chỉ của ai, thì bản thân của Phan Huy Anh Vũ sai phạm vẫn là điều không thể chối cãi.
Cựu GĐ Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ tại tòa
Cựu GĐ Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ tại tòa.

Cựu GĐ Sở Y tế chịu sức ép từ cấp trên

Trong bản luận tội của VKS, Phan Huy Anh Vũ với vai trò là GĐ BV Đồng Nai, đại diện Chủ đầu tư, đã nhiều lần nhận từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC), Trần Mạnh Hà tổng số tiền 14,8 tỷ đồng. Đồng thời, Vũ theo chỉ đạo của Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo Phan Minh Trí (Trưởng Phòng hành chính quản trị BV Đồng Nai) thông thầu, giúp Cty AIC trúng 16 gói thầu trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 152 tỷ đồng.

VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Phan Huy Anh Vũ 9 - 10 năm tù về tội "Nhận hối lộ", 10 - 11 năm về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hình phạt chung là 19 - 21 năm. Bào chữa cho bị cáo Vũ, các luật sư đưa ra nhiều căn cứ đề nghị HĐXX tuyên thân chủ không phạm tội nhận hối lộ. Với tội vi phạm quy định đấu thầu, các luật sư cho rằng, cựu GĐ Sở Y tế chịu sức ép từ Bí thư tỉnh Trần Đình Thành.

Cụ thể, luật sư Nguyễn Huy Thiệp dẫn chứng, căn cứ vào các bút lục và lời khai của cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành, rất nhiều lần bị cáo này đã “nhắc nhở” Phan Huy Anh Vũ vì việc bị cáo Vũ “có ý kiến” với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Tự bào chữa cho mình, Phan Huy Anh Vũ nhất trí với quan điểm bào chữa của luật sư, đồng thời cho hay, bản thân rất tận tâm với dự án xây dựng BVĐK tỉnh Đồng Nai. Ông cũng cho biết, để xin pháp xây dựng công trình nhóm A không đơn giản, ông đã ngày đêm chạy đi chạy lại để xin.

“Bị cáo thức ngày, đêm để lo cho BV. Từng viên đá không đạt chất lượng bị cáo cũng bắt thay…” - ông Vũ nói. Ông cũng cho biết, việc Cty AIC liên tiếp trúng các gói thầu, ông không biết, cũng không biết Cty này thiết lập “quân xanh, quân đỏ”. Thời điểm triển khai dự án, AIC là một trong những Cty bán thiết bị lớn nhất tại Việt Nam, phân phối độc quyền những thương hiệu lớn.

Về hành vi hối lộ, bị cáo Vũ cũng cho hay, trong cả quá trình thực hiện dự án xây dựng BVĐK Đồng Nai, bị cáo Vũ không gặp lãnh đạo Cty AIC, cũng không hề có gợi ý hay đòi hỏi lợi ích từ Cty này. Bật khóc trước tòa, người thầy thuốc Nhân dân này cho biết, ông đang bị nhiều bệnh nặng như tiểu đường, suy thận… Ông cũng không phải loại người “sâu dân, mọt nước” nên mong HĐXX có cái nhìn công tâm. “Một mức án mà trên 10 năm thì bị cáo không còn hy vọng gì”, ông nghẹn ngào.

Có được xem xét giảm nhẹ tội hay không, một hay hai tội đối với cựu GĐ Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ tới đây HĐXX sẽ xem xét và quyết định. Mặc dù trong hầu hết các bút lục cũng như lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa đều thống nhất ý chí việc Phan Huy Anh Vũ “chỉ huy” dự án với những áp lực rất lớn. Áp lực về tiến độ, về chất lượng, và đặc biệt là áp lực với… cấp trên. Thế nhưng sai phạm cũng vẫn là sai phạm, cho dù người chỉ đạo hoặc người tạo áp lực Phan Huy Anh Vũ là ai, thì bản thân bác sĩ Vũ vẫn là người chịu tội trước vành móng ngựa.

Nhân viên AIC để trượt thầu có thể bị đuổi việc

Trường hợp như bác sĩ Vũ trong vụ án AIC tại dự án BVĐK Đồng Nai không phải là câu chuyện hiếm. Đó là những bị cáo là một số nhân viên trong Cty AIC. Với nhiều bị cáo trong vụ án này, họ thực hiện công việc theo chỉ đạo, không mưu cầu lợi ích… Như trong phiên chữa cho bị cáo Lê Chí Tuân - Trưởng nhóm hồ sơ dự thầu thuộc Cty AIC, luật sư Trịnh Văn Tuyến, Văn phòng luật sư Giang Thanh cho hay, bị cáo Tuân luôn phải chịu những áp lực, sức ép rất lớn, nếu không làm tốt sẽ bị đuổi việc.

Theo luật sư Tuyến, hành vi giúp sức của bị cáo Tuân cho Cty AIC trúng thầu chỉ mang tính giản đơn về mặt thủ tục, giấy tờ. Cụ thể, luật sư trình bày, sau khi nhận được thông báo từ bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng GĐ AIC) về việc phân các DN dự thầu thành "quân xanh" và "quân đỏ", ông Tuân được giao nhiệm vụ truyền đạt, phân công cho những người trong nhóm hồ sơ dự thầu liên hệ với các Cty được sắp xếp dự thầu từ trước. Trong quá trình làm hồ sơ dự thầu giúp sức cho nhóm bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bị cáo Tuân luôn phải chịu những áp lực, sức ép vô hình rất lớn. Trong đó, bị cáo Tuân từng bị nhắc nhở, cảnh bảo là "Nếu để trượt thầu có thể bị đuổi việc".

Ngoài ra, một minh chứng rõ nhất được luật sư Tuyến trích lời khai tại bút lục thể hiện: “Nguyễn Thị Thanh Nhàn rất quan tâm và bỏ ra nhiều công sức để xin được vốn từ Trung ương và địa phương nên yêu cầu các bộ phận, trong đó có bộ phận hồ sơ của Lê Chí Tuân phải lập hồ sơ thật cẩn thận, có trách nhiệm. Và nếu để Cty AIC bị trượt thầu thì bị cáo Tuân hoặc những người trong nhóm hồ sơ sẽ bị cho nghỉ việc”. Câu chuyện làm công ăn lương, hay cấp dưới nhận chỉ đạo của cấp trên để “chỉ đâu đánh đó” hoặc “tạo điều kiện” cho người nhà thực tế không hiếm.

Mặc dù có thể trong khi thực hiện hành vi phạm tội, họ không được hưởng lợi hay ăn chia khoản nào, thế nhưng nhiều người vẫn phải chịu án tù và bồi thường dân sự. Cấp trên hay cấp dưới, “người nhà” hay “người thân” không chỉ là câu chuyện nghiêm khắc của pháp luật, mà còn là bài học cho tất cả mọi người. Cho dù ở đâu, vị trí nào cũng cần ý thức được lý lẽ trong câu “thượng tôn pháp luật”. Bởi lẽ, chỉ đạo là của cấp trên, nhưng lãnh tội lại là chính bản thân mình!

Hơn 2.000 bệnh nhân ký đơn xin giảm nhẹ tội cho cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái xin HĐXX khoan hồng cho các bị cáo từng là cộng sự
Việc đưa các bị cáo bỏ trốn ra xét xử là đúng pháp luật

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.