Điểm sáng trong cải cách hành chính

Sau 6 năm thực thi Luật Hộ tịch, đến nay công dân Việt Nam có thể tự lựa chọn thực hiện đăng ký hộ tịch theo cách thuận tiện nhất. Theo đó, người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi qua đường bưu điện hoặc thông qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Đơn giản hóa thủ tục đăng ký hộ tịch được xem là một điểm sáng trong việc CCHC
Đơn giản hóa thủ tục đăng ký hộ tịch được xem là một điểm sáng trong việc CCHC

Hiện nay, tất cả các tỉnh/TP của Việt Nam đã triển khai đăng ký khai sinh trực tuyến, 62/63 tỉnh, TP cho phép đăng ký khai tử trực tuyến; 62/63 tỉnh, TP có đăng ký kết hôn trực tuyến. Hầu hết các tỉnh, TP trên cả nước đã có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp tỉnh kết nối với hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, góp phần kết nối, chia sẻ thông tin, giảm tải thời gian cho đội ngũ cán bộ công chức.

Tính đến ngày 12/12/2022, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã ghi nhận có tổng số hơn 58,1 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, gồm trên 36,3 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh; trong đó có trên 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trên 4,3 triệu trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang cơ quan bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế; trên 8 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; 6 triệu dữ liệu đăng ký khai tử và trên 7,8 triệu dữ liệu đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.

Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đánh giá việc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu hộ tịch có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó không thể tách rời, góp phần giúp đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Việc liên thông hai cơ sở dữ liệu này là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân.

Không chỉ liên thông với cơ sở dữ liệu về dân cư, từ năm 2019 đến nay, thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, 2 nhóm TTHC là đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được liên thông và hoàn toàn thực hiện trên môi trường điện tử tại tất cả các địa phương toàn quốc, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Hiện tại, người dân đã có thể lựa chọn thực hiện đăng ký hộ tịch theo cách thuận tiện nhất
Hiện tại, người dân đã có thể lựa chọn thực hiện đăng ký hộ tịch theo cách thuận tiện nhất.

Đánh giá 6 năm thực hiện Luật Hộ tịch, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết sự hài lòng của người dân đối với công tác hộ tịch được ghi nhận trên cả nước và được đánh giá là điểm sáng trong cải cách hành chính (CCHC) của Việt Nam. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch từng bước đi vào nề nếp và chuyên nghiệp hơn. Cải cách TTHC trong đăng ký và quản lý hộ tịch được đẩy mạnh, ngày càng tạo thuận lợi cho người dân trong đăng ký hộ tịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Luật Hộ tịch cũng còn có những tồn tại như: Việc triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch còn thiếu ổn định, thường xuyên phải kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng bổ sung; tỷ lệ đăng ký khai tử còn thấp; tính kịp thời và đầy đủ khi đăng ký các sự kiện hộ tịch cần phải được cải thiện.

Theo các chuyên gia, số liệu thống kê hộ tịch chính xác và đầy đủ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng các chính sách quốc gia và địa phương cũng như đo lường các kết quả phát triển, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Chẳng hạn, số liệu thống kê kịp thời được phân tổ theo nguyên nhân tử vong và các đặc trưng nhân khẩu học là những thông tin quan trọng trong việc thiết kế, thực hiện, giám sát các chính sách y tế công cộng, cũng như để phát hiện những vấn đề mới nổi liên quan đến sức khỏe…

Để nâng cao chất lượng thực thi Luật Hộ tịch trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đã xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện CCHC, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi đăng ký hộ tịch; củng cố, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan; đẩy mạnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ, rà soát văn bản để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về hộ tịch thông qua. Đối với nhân lực thực thi chính sách, Bộ Tư pháp cũng chú trọng kiện toàn, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã.

Đẩy mạnh tuyên truyền cải cách hành chính trên loa truyền thanh
Cải cách hành chính luôn đặt con người là yếu tố trung tâm trong toàn hệ thống
Nhiều sáng kiến trong công tác cải cách hành chính ở phường Vĩnh Hưng

Thái Yên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.