Chính phủ yêu cầu bình ổn thị trường, giá cả, bảo đảm Tết an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh

Chính phủ yêu cầu các cơ quan theo dõi sát diễn biễn tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác lớn về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách quan trọng khác để phân tích, dự báo, kịp thời, chủ động chỉ đạo, điều hành hoặc đề xuất các giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh, nhất là trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và bình ổn giá.
Chính phủ yêu cầu bình ổn thị trường, giá cả, bảo đảm Tết an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh
Chính phủ yêu cầu bình ổn thị trường, giá cả những tháng cuối năm và dịp Tết, không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu, lương thực trong dịp Tết và bảo đảm Tết an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; theo dõi sát, nắm chắc tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kỷ luật, kỷ cương hành chính; chủ động, tích cực giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của năm 2022.

Theo dõi sát diễn biễn tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác lớn về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách quan trọng khác để phân tích, dự báo, kịp thời, chủ động chỉ đạo, điều hành hoặc đề xuất các giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh, nhất là trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và bình ổn giá. Chủ động đề xuất, sớm xây dựng các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thực hiện giá thị trường, trong đó cần đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá.

Bình ổn thị trường, giá cả những tháng cuối năm và dịp Tết

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 để giữ ổn định thị trường, giá cả.

Tập trung chỉ đạo, khẩn trương tổ chức triển khai có kết quả Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 và Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tăng cường kiểm tra, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng trong việc thực hiện Kế hoạch về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, trong đó, tập trung các mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hàng hóa giả nhãn hiệu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm...; các loại hàng cấm như: ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn lậu, hàng giả, đầu cơ, tích trữ, găm hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với diễn biến tình hình trong và ngoài nước; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên tạo động lực tăng trưởng, trong đó có các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương trên cơ sở Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu Kết luận 45 - KL/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tăng thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số... và chống thất thu thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, chống trốn thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ theo quy định. Nghiên cứu việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành, trong đó có thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, nhiên liệu bay.

Không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu, lương thực trong dịp Tết

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục phát triển mạnh thị trường nội địa và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu và chuỗi cung ứng, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế; khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; chủ động, tích cực có các giải pháp ứng phó với các biện pháp, hàng rào kỹ thuật, các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống theo quy định; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại; bảo đảm đầy đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Bảo đảm Tết an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm; chỉ đạo, hướng dẫn công tác vận chuyển hành khách, hàng hóa dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, bảo đảm thuận lợi, an toàn cho người dân.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo... đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 bảo đảm an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khuyến khích doanh nghiệp có các biện pháp thiết thực quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cuối năm cho người lao động, có biện pháp động viên người lao động sau Tết sớm trở lại làm việc, nắm bắt tình hình về nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn để có phương án tổ chức kết nối cung - cầu lao động, hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết; hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn được vui đón Tết; hạn chế phát sinh tranh chấp lao động và đình công trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Theo dõi, nắm bắt tình hình cắt giảm lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là vào dịp năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thúc đẩy các hoạt động xúc tiến du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch mới; chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, sửa đổi các quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút khách du lịch quốc tế; tập trung tổ chức thành công Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch COVID-19, sự xuất hiện của các biến chủng mới, có phương án ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19 trong mọi tình huống; chủ động các biện pháp ngăn ngừa và xử lý kịp thời dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác; xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế…

Hà Nội không để nông sản tăng đột biến trước trong và sau Tết Nguyên đán Hà Nội không để nông sản tăng đột biến trước trong và sau Tết Nguyên đán
Vĩnh Phúc: Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 Vĩnh Phúc: Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023
Đường sắt công bố đường dây nóng đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Đường sắt công bố đường dây nóng đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết
Công an TP Hà Nội quyết liệt đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn dịp Tết Công an TP Hà Nội quyết liệt đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn dịp Tết
Dự báo thị trường hoa Tết Quý Mão tăng giá Dự báo thị trường hoa Tết Quý Mão tăng giá

Trung Kiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.