Cần nhiều hơn nữa sự sẻ chia với các thầy cô ở vùng khó khăn

Tối 16/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 – tuyên dương các giáo viên có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đã từng tham gia giảng dạy có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác được xã hội ghi nhận.
Cần nhiều hơn nữa sự sẻ chia với các thầy cô ở vùng khó khăn
Cô giáo Nguyễn Thị Lê Dung (53 tuổi, ở Bình Định) không giấu được xúc động chia sẻ về 36 năm miệt mài gắn bó với nhiều thế hệ học sinh

Tới dự chương trình có ông Phạm Tất Thắng - Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận TƯ; anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn; anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực TƯ Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Từ năm 2015, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” với nội dung tuyên dương các thầy giáo, cô giáo và những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ...

Cần nhiều hơn nữa sự sẻ chia với các thầy cô ở vùng khó khăn
Các giáo viên được tuyên dương đã được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ GD&ĐT

Sau 7 lần tổ chức, chương trình đã lựa chọn và tôn vinh hơn 400 giáo viên thuộc các đối tượng giáo viên “cắm bản”; giáo viên công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo; giáo viên mang quân hàm xanh; giáo viên dạy học sinh khuyết tật; giáo viên trực tiếp giảng dạy cho các học sinh là người dân tộc thiểu số; giáo viên là người dân tộc thiểu số; giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Chương trình đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban ngành ở Trung ương và được dư luận xã hội đánh giá cao.

Năm 2022, sau hơn 2 tháng phát động chương trình (29/7 – 9/10/2022), Ban Tổ chức đã nhận được 123 hồ sơ các gương thầy cô giáo từ 56 tỉnh, thành phố và các tổ chức giới thiệu. Ngày 9/10, Hội đồng xét chọn đã họp và lựa chọn được 68 gương giáo viên tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương, đó là những thầy giáo, cô giáo có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đã từng tham gia giảng dạy có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thời gian công tác được xã hội ghi nhận.

Cần nhiều hơn nữa sự sẻ chia với các thầy cô ở vùng khó khăn
Anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực TƯ Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam phát biểu tại chương trình

Các giáo viên được tuyên dương đã được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ GD&ĐT.

Trong khuôn khổ chương trình, vào tháng 10/2021, Ban Tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo tại các tỉnh như: Đồng Nai, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Nai, Nghệ An và Yên Bái.

Cần nhiều hơn nữa sự sẻ chia với các thầy cô ở vùng khó khăn
Ban bí thư TƯ Đoàn mong rằng chương trình sẽ góp phần cổ vũ, động viên các thầy giáo, cô giáo, giúp các thầy cô có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua mọi khó khăn thử thách, không ngừng tìm tòi sáng tạo những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất, đóng góp vào sự phát triển đất nước

Tại chương trình, cô giáo Nguyễn Thị Lê Dung (53 tuổi, ở Bình Định) không giấu được xúc động chia sẻ về 36 năm miệt mài gắn bó với nhiều thế hệ học sinh. “Tôi mong các thầy cô giáo trẻ hãy cố gắng giữ gìn phẩm giá của người thầy giáo dù trong bất kỳ điều kiện nào. Với những ngành nghề khác có thể bỏ việc để kiếm sống, nhưng nghề giáo rất thiêng liêng, hãy cố gắng để giữ được giá trị của người thầy” - cô Dung xúc động chia sẻ. Cùng đứng trên bục vinh danh, thầy giáo Mùa Mí Lầu (ở Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) gửi đến câu chuyện truyền cảm hứng. 10 tuổi mới được đến trường lần đầu, rồi đến những tháng ngày học đại học, thầy Lầu đã vượt qua vô vàn khó khăn để thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng, quay về quê hương cống hiến, truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn nhỏ.

Chia sẻ tại chương trình, thầy Nguyễn Duy Khánh, giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, hiện nhiều thầy, cô giáo gặp khó khăn trong vấn đề sử dụng công nghệ thông tin để chuyển tải bài giảng, mặc dù hiệu quả, lợi ích mang lại là rất lớn. Các thầy, cô giáo, học sinh vẫn khó tiếp cận giảng dạy online vì điều kiện kinh tế, mạng internet ở vùng cao hạn chế.

Cô Đinh Thị Loan, giáo viên Trường mầm non Khun Há (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) chia sẻ, giáo viên giảng dạy ở vùng cao không những gặp khó khăn vì đường sá, địa hình phức tạp mà còn phải nỗ lực học tiếng địa phương vì học sinh vùng cao cũng hạn chế khi giao tiếp bằng tiếng Kinh. Mặt khác, các em cũng hạn chế về nhận thức giới và sức khoẻ sinh sản… khiến giáo viên phải quan tâm nhiều hơn, sát sao với các em hơn...

Nhiều năm gắn bó với con em dân tộc Khmer, thầy Kim Thành Phong, giáo viên Trường THPT Trà Cú, (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) đã chia sẻ về những khó khăn trong công tác dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn và bày tỏ 3 nguyện vọng: cải thiện phòng học, bàn ghế trường học; có thêm nhiều chính sách để hỗ trợ chi phí học tập cho con em dân tộc để các em tập trung học hành; có thêm chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho các giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa. Với mức lương của những giáo viên trẻ như tôi chỉ phần nào đáp ứng cuộc sống của bản thân, còn nuôi sống gia đình, con cái đi học thì thực sự chưa đảm bảo. Thầy Phong bày tỏ, không mong mỏi được tăng lương, chỉ mong có chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng giáo viên để an tâm giảng dạy, hạn chế thầy cô xin nghỉ việc vì không đảm bảo điều kiện kinh tế.

Cần nhiều hơn nữa sự sẻ chia với các thầy cô ở vùng khó khăn
Các thầy cô chia sẻ tại chương trình

Anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực TƯ Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam nhấn mạnh, cộng đồng, xã hội luôn trân trọng công lao của các thầy cô giáo như những câu thơ: “Có một nghề bụi phấn dính đầy tay/Người ta bảo là nghề trong sạch nhất/Có một nghề không trồng cây trên đất/Lại nở cho đời những đóa hoa thơm. Đây là năm thứ 8 chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được tổ chức. Qua 8 năm, hơn 400 giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ... đã được lựa chọn và tôn vinh. Chương trình đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban ngành ở Trung ương và được dư luận xã hội đánh giá cao.

Ban bí thư TƯ Đoàn mong rằng chương trình sẽ góp phần cổ vũ, động viên các thầy giáo, cô giáo, giúp các thầy cô có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua mọi khó khăn thử thách, không ngừng tìm tòi sáng tạo những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất, đóng góp vào sự phát triển đất nước, tạo nên thế hệ những người Việt Nam sẽ hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường.

Trước đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã gặp mặt, động viên và tặng Bằng khen cho 58 thầy cô giáo trong chương trình vào chiều ngày 16/11.

Năm nay, lần đầu tiên, chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2022 có sự đồng hành của TikTok Việt Nam. Theo đó, chương trình tổ chức hashtag challenge với tên gọi Tri Ân Thầy Cô để mọi đối tượng trong xã hội cùng thể hiện tình cảm tình cảm với thầy cô qua nhiều hình thức như hát, nhảy, làm đồ handmade, về thăm thầy cô, make up thầy cô, .... Hoạt động dự kiến thu hút 20 triệu lượt tiếp cận trên nền tảng này.

Đại diện đơn vị đồng tổ chức, bà Trần Phương Nga - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Long cho biết: “Chia sẻ cùng thầy cô là chương trình trọng điểm cuối năm của Tập đoàn Thiên Long và chúng tôi dành nhiều tâm huyết, đầu tư nguồn lực, kết nối với các tổ chức khác để đem lại niềm vui và tôn vinh những giáo viên tiêu biểu trong sự nghiệp trồng người. Thiên Long mong muốn thổi bùng truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt, đề cao vai trò người thầy trong xã hội. Năm 2022, kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam, Thiên Long tư hào làm những điều cụ thể để góp vào bức tranh hành trình vĩ đại của thầy cô giáo”.

“Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022: Vinh danh các thầy, cô giáo đã và đang giảng dạy trong các cấp giáo dục phổ thông
Phụ huynh cần chia sẻ, quan tâm con nhiều hơn
Làm thế nào để gìn giữ truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong thời đại mới?
Hà Nội: Tri ân những anh hùng thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.