Triển khai chế định Thừa phát lại góp phần cải cách tư pháp

Thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp, chế định Thừa phát lại (TPL) đã được triển khai tại Hà Nội từ năm 2013, đến nay 08 Văn phòng TPL trên địa bàn TP, đã thực sự góp phần giảm tải công việc của cơ quan tư pháp, đồng thời hỗ trợ tích cực cho công dân khi quyền lợi dân sự bị xâm phạm.
Bà Nguyễn Thị Quyên tư vấn cho khách hàng khi đến Văn phòng TPL Hai Bà Trưng lập vi bằng
Bà Nguyễn Thị Quyên tư vấn cho khách hàng khi đến Văn phòng TPL Hai Bà Trưng lập vi bằng

TPL giúp giảm tải công việc cho cơ quan tư pháp

Theo Sở Tư pháp TP Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 08 Văn phòng TPL, trong đó có 77 TPL. 6 tháng đầu năm 2022, Sở Tư pháp đã thực hiện tiếp nhận, đăng ký 4.843 vị bằng của các Văn phòng TPL; Cấp thẻ TPL đối với 13 trường hợp; Thực hiện thay đổi nội dung Đăng ký hoạt động cho 22 lượt Văn phòng TPL.

Trong 3 năm từ 2018-2020, 08 Văn phòng trên địa bàn Hà Nội đã tống đạt 225.614 nghìn văn bản của Tòa án; 3.418 văn bản của cơ quan Thi hành án. Doanh thu trực tiếp tổ chức thi hành án là 393.746.000 đồng… Năm 2021 các Văn phòng đã thực hiện tống đạt 61.046 văn bản (của cơ quan Tòa án), doanh thu trên 3,3 tỷ đồng và lập 10.714 vi bằng, doanh thu hơn 11 tỷ đồng.

Các Văn phòng TPL đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong việc hỗ trợ các cơ quan tư pháp thực hiện một số công việc như: Lập vi bằng, tống đạt các văn bản, tài liệu tố tụng; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo lập chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật; trực tiếp tổ chức thi hành án, thu tiền cho người được thi hành án...

Sự ra đời của Văn phòng TPL đã góp phần giảm tải công việc cho cơ quan tư pháp, trước hết là cơ quan Thi hành án dân sự, TAND các cấp trên địa bàn để các cơ quan này tập trung thực hiện chuyên môn, đồng thời nâng cao hiệu quả của cơ quan tố tụng. Các hoạt động của TPL còn giảm tải công việc của cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương khi phải xem xét, giải quyết quyền lợi của công dân trong tranh chấp dân sự.

Vai trò của vi bằng

Với ý nghĩa ghi nhận lại các sự kiện, từ đó hỗ trợ quyền lợi cho công dân khi có tranh chấp hoặc cần khởi kiện việc lập vi bằng ghi nhận tình trạng nhà trước khi cho thuê, tình trạng nhà đất bị lấn chiếm, hay việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật, tình trạng tài sản trước khi ly hôn, thừa kế hay các cuộc họp gia đình, quyền thăm nuôi con sau khi ly hôn… là những dịch vụ được nhiều người dân sử dụng khi đến các Văn phòng TPL.

Bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Trưởng văn phòng TPL Hai Bà Trưng cho biết, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do TPL trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của khách hàng; vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật, là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, TAND, VKSND có thể triệu tập TPL, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. TPL, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, VKSND triệu tập.

Tại điều 39 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục lập vi bằng TPL phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực.

Trong trường hợp cần thiết, TPL có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng. Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.

Khi lập vi bằng, TPL phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.Vi bằng phải được TPL ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng TPL và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Còn tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 08, Chính phủ quy định vi bằng được lập bằng tiếng Việt, gồm các nội dung sau: Tên, địa chỉ Văn phòng TPL cùng họ, tên của TPL - người lập vi bằng; Địa điểm, thời gian lập vi bằng; Họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng hoặc người khác nếu có;

Đặc biệt, vi bằng phải được TPL trực tiếp chứng kiến và lập cũng như TPL phải chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập.

Thừa phát lại giúp mọi người sống thân thiện, đoàn kết và có trách nhiệm
Thừa phát lại giúp hỗ trợ thu thuế từ các doanh nghiệp, hộ cá thể nợ đọng
Vi bằng ghi nhận lời chứng của những người xung quanh

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.