Quận Long Biên, Hà Nội:

Tỷ lệ hòa giải thành các năm đều đạt cao

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong việc giải quyết các mâu thuẫn phát sinh, hàng năm UBND quận Long Biên, Hà Nội đã chỉ đạo UBND các phường chỉ đạo các tổ hòa giải làm tốt việc hòa giải mâu thuẫn ngay từ cơ sở.
100% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ
100% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ

Công tác hòa giải cơ sở được đẩy mạnh và đạt kết quả tốt

Phòng Tư pháp quận Long Biên cho biết, từ năm 2019 đến hết năm 2020: 100% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, cơ cấu hòa giải viên, thành phần theo đúng Luật Hòa giải ở cơ sở; 100% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành; 100% tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận được phát miễn phí Báo Pháp luật và Xã hội (nay là Ấn phẩm Pháp luật & Xã hội, Báo Kinh tế & Đô thị) do TP cấp; Trên 90% tổ hòa giải ở cơ sở đạt tiêu chuẩn “tổ hòa giải 5 tốt”.

Từ năm 2021 đến nay: 100% các hòa giải viên mới được bầu bổ sung, kiện toàn hàng năm cũng như các hòa giải viên cơ sở được tập huấn kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; 100% hòa giải viên ở cơ sở được tiếp cận và sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở bằng các hình thức phù hợp để tự nâng cao năng lực nghiệp vụ hòa giải; 100% tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn quận được phát miễn phí Ấn phẩm Pháp luật & Xã hội do TP cấp; Trên 95% tổ hòa giải ở cơ sở đạt tiêu chuẩn “tổ hòa giải 5 tốt”.

Hiện, trên địa bàn quận Long Biên có tổng số 218 tổ dân phố với 218 tổ hòa giải với 1.315 hòa giải viên. Các hòa giải viên ở các tổ hòa giải hầu hết tham gia kiêm nhiệm ở các chi hội đoàn thể, các tổ hoà giải cơ bản được cơ cấu các thành phần gồm: Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố, Trưởng Ban Mặt trận, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh và những người có uy tín, đủ năng lực được lựa chọn. Mỗi tổ hòa giải có từ 05-07 tổ viên. Độ tuổi trung bình là ngoài 50 tuổi.

Việc triển khai thực hiện mô hình “tổ hòa giải 5 tốt” được chú trọng, ngay từ đầu các năm UBND quận đã chỉ đạo UBND các phường triển khai tổ chức thực hiện, 14/14 UBND phường đã tổ chức cho các tổ hòa giải đăng ký thực hiện theo tiêu chí “tổ hoà giải 5 tốt” ngay từ đầu các năm, mở sổ sách theo dõi việc thực hiện, hướng dẫn việc thiết lập hồ sơ các vụ việc hòa giải, việc lưu trữ hồ sơ, định kỳ đánh giá hoạt động.

Kết quả hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước

Mỗi năm UBND quận tổ chức từ 6 đến 10 buổi; UBND mỗi phường từ 3 đến 6 buổi tập huấn, tuyên truyền về các Luật mới, các Luật liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân cho hòa giải viên… Cung cấp tài liệu nghiệp vụ hoà giải, tài liệu tuyên truyền nhằm trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật cho hòa giải viên ở cơ sở.

Theo bà Đinh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, trong thời gian qua trên địa bàn quận Long Biên đã huy động được đầy đủ các thành phần tham gia làm hòa giải viên nhưng chưa huy động được nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức, DN đóng góp hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở. Kinh phí bố trí cho công tác hòa giải đều từ nguồn ngân sách.

Mặc dù kinh phí hoạt động còn hạn chế nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình, lực lượng hòa giải viên bằng kiến thức, kinh nghiệm sống, bằng lòng tận tâm với công việc đã chủ động tích cực kiên trì tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ việc, góp phần đem lại sự yên vui, giữ gìn được tình làng nghĩa xóm.

Những trường hợp qua nhiều lần hòa giải nhưng không đạt được sự tự nguyện của các bên, các tổ hòa giải đều kịp thời chuyển về phường để tiếp tục hòa giải hoặc tham mưu cho UBND phường giải quyết những vấn đề theo thẩm quyền, không để tồn đọng, kéo dài ở tổ hòa giải.

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp từ quận đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo hoạt động hòa giải ở cơ sở, bởi coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp chính quyền cơ sở, góp phần trong việc đảm bảo sự ổn định về chính trị, xã hội, an ninh trật tự ở địa phương. Kết quả hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước và đặc biệt là số vụ việc mẫu thuẫn trong nội bộ Nhân dân ngày càng giảm. Giai đoạn 2019 - 2022 trên địa bàn quận phát sinh 664 vụ việc mâu thuẫn, đã hòa giải thành 629 vụ việc, trung bình đạt tỷ lệ 94,7%. So với giai đoạn 2015-2018 giảm 108 vụ việc.

Bà Đinh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên đề nghị cần có quy định, hướng dẫn chi tiết trình tự tổ chức, tiến hành hòa giải ở tổ hòa giải và của hòa giải viên; quy định cụ thể hơn, đầy đủ hơn nhiệm vụ của UBND và Chủ tịch UBND phường về quản lý, chỉ đạo hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Nữ trưởng thôn hòa giải thành nhiều vụ việc phức tạp
“Muốn hòa giải thành phải tìm hiểu và phân tích được cái đúng, cái sai của mỗi bên”
Tổ trưởng tổ dân phố dân vận khéo, hòa giải hợp lòng dân

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.