Bé gái 13 tháng tuổi nhập viện do bị sợi thép của rây lọc cháo đâm xuyên Amidan trái

Sau khi được làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành gắp thành công dị vật là sợi thép rơi ra từ dụng cụ lọc cháo ăn dặm, xuyên qua Amidan trái của bé gái 13 tháng tuổi ở Nam Định.
Bé gái 13 tháng tuổi nhập viện do bị sợi thép của rây lọc cháo đâm xuyên Amidan trái
Sợi thép từ rây cháo ăn dặm được gắp ra thành công. Ảnh: BVCC

Theo đó, trưa ngày 28/9, bé D.A đang ăn cháo thì bỗng nhiên bỏ ăn, ho sặc sụa và nôn nhiều. Ban đầu gia đình chỉ nghĩ con bị viêm họng nên ho và nôn trớ, nhưng đến chiều tối thấy con nôn kèm máu nên vội vàng đưa con đến bệnh viện tỉnh để thăm khám. Tại đây, trẻ được các bác sĩ chỉ định chụp X-Quang cổ ngực thì được chẩn đoán theo dõi dị vật kim loại vùng sàn họng – miệng và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi trẻ được thăm khám, soi họng và đọc kết quả phim X-Quang, các bác sĩ xác định có dị vật kim loại đâm xuyên qua Amidan bên trái của trẻ. Là người trực tiếp gắp dị vật cho bệnh nhi, Bác sĩ Nguyễn Khắc Trưởng, khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Nhận thấy dị vật mắc ở vị trí phức tạp, nguy cơ chảy máu cao, chúng tôi đã nhanh chóng cho trẻ làm các xét nghiệm cần thiết, rồi chuyển lên phòng mổ, gây mê và tiến hành gắp dị vật lấy ra được sợi thép nhỏ nhưng rất cứng và nhọn 2 đầu, dài 2cm”.

Sợi thép đâm xuyên từ cực trên xuống cực dưới Amidan bên trái của trẻ. May mắn là dị vật chưa xuống sâu hơn nên không có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Nếu không được gắp ra kịp thời, đoạn kim loại này có thể gây nhiễm trùng và chảy máu, dẫn đến những hậu quả khó lường. Hiện tại tình trạng của trẻ đã ổn định và được xuất viện.

Dị vật nguy hiểm nói trên được xác định là rơi ra từ rây lưới thép để lọc đồ ăn, bị lẫn vào cháo của trẻ trong quá trình chế biến. Rây lọc vốn là một dụng cụ thường được dùng rất nhiều trong các gia đình có trẻ nhỏ khi chế biến thức ăn, giúp nghiền nhỏ cơm, cháo, các loại thịt cá, rau củ hay loại bỏ xương cá, gà, lợn… có trong cháo. Thế nhưng, trong trường hợp này, nó lại biến thành vật gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Chưa hết bàng hoàng sau khi con bị mắc dị vật, mẹ bé D.A chia sẻ: “Trước đây em chỉ nghĩ trẻ có thói quen ngậm đồ chơi, cho các vật vào miệng mới dễ bị hóc dị vật, em không ngờ những vận dụng hàng ngày lại có thể mang lại nguy hiểm như thế. Lúc em được bác sĩ cho xem hình ảnh sợi thép đâm qua Amidan của con, em đã rất hoảng hốt, có những thứ tưởng chừng không nguy hiểm nhưng nếu không cẩn thận lại gây nguy hiểm rất lớn”.

Theo PGS.TS Nguyễn Tuyết Xương – Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Tai – Mũi – Họng thường xuyên tiếp nhận trẻ hóc dị vật như xương cá, xương lợn, xương gà, các hạt thực vật (lạc, na, ngô…), mảnh nhựa, đồ chơi, đồng xu, đồ chơi, cúc áo. Đặc biệt một số trường hợp trẻ nuốt phải các vật sắc nhọn như đinh vít, ghim sắt,… đe dọa trực tiếp đến tính mạng của trẻ.

PGS.TS Nguyễn Tuyết Xương khuyến cáo: “Khi làm đồ ăn cho con, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần thường xuyên kiểm tra dụng cụ, nếu có hỏng dù là 1 chút cũng nên thay mới để đảm bảo an toàn cho trẻ. Trong quá trình cho trẻ ăn, cũng cần chú ý quan sát đồ ăn để loại bỏ các dị vật bất thường. Trường hợp nghi ngờ con bị hóc, gia đình nên đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất, không nên tự chữa bằng mẹo vì có thể sẽ nguy hiểm hơn cho trẻ và gây thêm khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình thăm khám, xử trí sau đó”.

Bé trai 10 tháng tuổi bị cắt "bộ phận quan trọng" do đến bệnh viện muộn
Cứu sống trẻ 17 tháng tuổi bị bồn rửa tay vỡ đâm xuyên bụng
Bé gái 3 tháng tuổi xuất huyết tiêu hóa nặng do nhiễm giun

Minh Nhật

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.