Có một tình yêu đầy duyên nợ với Hà Nội

Gần 50 năm cống hiến cho âm nhạc, nhạc sĩ Lê Mây từng được gọi là nhạc sĩ có duyên nợ với Hà Nội. Các ca khúc “Hà Nội linh thiêng, hào hoa”, “Cà phê chiều Yên Phụ”, “Đêm thu Hà Nội”, “Phía Tây thành phố”,…đã lan tỏa tình yêu về mảnh đất nghìn năm văn hiến qua từng nốt nhạc.
 Chân dung nhạc sĩ Lê Mây 	Ảnh Mộc Miên
Chân dung nhạc sĩ Lê Mây. Ảnh Mộc Miên

Trong số hàng trăm ca khúc sáng tác về Hà Nội thì “Hà Nội linh thiêng, hào hoa” luôn có một vị trí đặc biệt, thể hiện rõ nhất khúc tráng ca “lược sử” của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Giai điệu bài hát vừa thâm trầm, vừa mang âm hưởng ca trù, vừa hào sảng như tiếng gọi thúc giục hồn thiêng sông núi, lại bi hùng như chính lịch sử thăng trầm của TP. Một tình yêu Hà Nội nồng cháy qua từng giai điệu đã được nhạc sĩ Lê Mây chắp bút trong thời gian 3 năm và chính thức công bố năm 2000.

So với nhiều tác phẩm về Hà Nội trước đó, “Hà Nội linh thiêng, hào hoa” ra đời muộn hơn nhưng sức sống của tác phẩm lại mang đến niềm tự hào rất đỗi thiêng liêng. Mỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật của Hà Nội thường không bao giờ vắng bóng ca khúc hào hùng này và dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022) cũng không ngoại lệ. Bài hát cũng chính là chủ đề của chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bản giao hưởng hòa bình” tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Khác với “Hà Nội linh thiêng, hào hoa” khiến nhạc sĩ Lê Mây mất tới 3 năm sáng tác thì ca khúc “Đêm thu Hà Nội” – ca khúc đầu tiên ghi dấu tình yêu Hà Nội, tiếp đó là “Quê hương ơi, Hà Nội ơi”; “Cà phê chiều Yên Phụ”;… lại là các sáng tác đầy tính “ngẫu hứng”. Ở đó, từng giai điệu, câu từ trong bài hát được thể hiện bằng những góc cạnh khác nhau của một tình yêu lớn với Hà Nội.

Mặc dù nhạc sĩ Lê Mây quê gốc ở Hưng Yên nhưng năm tháng sống ở Hà Nội đã bồi đắp cho ông một tình yêu về thiên nhiên, con người Hà Nội. Nhiều năm nay, nhạc sĩ “bỏ phố về quê” ở thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội. Rời xa đô thị tấp nập, khói xe bụi bặm, căn nhà ngập tràn vườn cây xanh mát là địa điểm sáng tác của người nhạc sĩ. Tác phẩm “Phía Tây thành phố” là ca khúc được chính nhạc sĩ Lê Mây ngẫu hứng sáng tác trong khuôn viên vườn nhà với ao cá, vườn cây xanh tốt. Ca khúc từng được trao giải thưởng của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội năm 2019.

Ở tuổi 80, trong khi nhiều nghệ sĩ cùng thời không còn sung sức, tinh anh thì nhạc sĩ Lê Mây lại cho rằng, khả năng sáng tác, cường độ làm việc và sức sáng tạo vẫn dồi dào như xưa. Theo nhạc sĩ Lê Mây, bí quyết để nuôi dưỡng niềm đam mê chính là sống cùng âm nhạc, không để ngòi bút bị cũ, bị xói mòn, thị trường hóa. Mỗi tác phẩm phải có sức sống riêng. Không tưng bừng, không hát phổ cập, không phong trào.

Cũng giống như hội họa, người ta có thể vẽ chân dung, bờ hồ, bờ đê… có người vẽ các kiệt tác nghệ thuật thì trong âm nhạc cũng thế. Âm nhạc của Lê Mây có sự kế thừa dòng nhạc dân gian, tiếp cận với dòng nhạc nhẹ và kết hợp bản giao hưởng của nhạc thính phòng. Chính sự lựa chọn con đường độc đạo trong âm nhạc đã đưa tác phẩm của Lê Mây gần gũi và có sức lan tỏa với đời sống cộng đồng.

Chia sẻ xúc động của nam nghệ sĩ có gần 20 lần đóng vai người lính
Sân khấu góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước
Top 10 đề cử xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2022

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.