Nữ nghệ nhân khát khao lan tỏa văn hóa gốm Bát Tràng

Với khát khao lan tỏa văn hóa gốm sứ Bát Tràng đến với nhiều người, trong đó có du khách nước ngoài, nghệ nhân Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, một người con tài năng, tâm huyết của làng gốm đã dày công xây dựng công trình đồ sộ mang tên Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt.
Bà Hà Thị Vinh (thứ 3 từ phải sang) đang giới thiệu sản phẩm gốm sứ với khách hàng
Bà Hà Thị Vinh (thứ 3 từ phải sang) đang giới thiệu sản phẩm gốm sứ với khách hàng

Nơi thắp sáng ước mơ mang gốm Việt vươn xa

Bát Tràng là làng nghề gốm sứ truyền thống tồn tại và phát triển suốt hơn 1.000 năm qua. Đến nay, Bát Tràng có 19 dòng họ làm gốm sứ. Dòng họ nào cũng muốn đóng góp công sức của mình vào công cuộc giữ gìn và phát triển văn hóa gốm sứ truyền thống của cha ông, trong đó có bà Hà Thị Vinh - một nghệ nhân tài năng, tiêu biểu của làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Bà Vinh chia sẻ, tự hào, trân trọng nghề của cha ông truyền lại, bà có động lực dành cả cuộc đời mình cho sự phát triển của gốm sứ Bát Tràng.

Có những thời điểm, cả ngành gốm sứ gặp nhiều khó khăn nhưng bà Vinh vẫn không ngừng say mê, tâm huyết với hoạt động xúc tiến thương mại, tìm ra những lối đi riêng để mang sản phẩm gốm sứ quê hương đến với khách hàng trong nước và quốc tế. Một trong những hướng đi đó chính là xây dựng Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (ở thôn 5, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Dù mới đi vào hoạt động nhưng Trung tâm đã trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, trong đó có nhiều du khách nước ngoài. Công trình có kiến trúc độc đáo, mô phỏng một lò gốm khổng lồ. Bên trong trưng bày sản phẩm tinh hoa cùng những giá trị văn hóa đặc sắc của làng nghề.

Nghệ nhân Hà Thị Vinh chia sẻ, điều mà bao năm nay bản thân bà luôn trăn trở là gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng suốt hơn 1.000 năm nhưng việc quảng bá giới thiệu văn hóa làng nghề không để lại quá nhiều ấn tượng cho khách du khách. Ngoài việc được trải nghiệm tự tay làm gốm, du khách gần như không cảm nhận được hết những nét đẹp văn hóa của làng nghề. Người từ nơi xa đến, nếu có muốn ở lại để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa gốm sứ Bát Tràng cũng gặp khó khăn vì không có chỗ tìm hiểu. Điều này đã thôi thúc nghệ nhân Hà Thị Vinh quyết định xây dựng Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt để tạo điều kiện cho du khách có cơ hội ở lại lâu hơn, lắng nghe câu chuyện lớp lang về làng nghề Bát Tràng.

Nghĩ là làm, nghệ nhân Hà Thị Vinh đã tận dụng mảnh đất của gia đình rộng hơn 3.000m2 nằm ở vị trí đẹp nhất nhì trong làng để đầu tư xây dựng Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt. Công trình gồm 7 khối kiến trúc theo kiểu xoáy trôn ốc mềm mại như những sản phẩm gốm sứ được nhào nặn bởi những bàn tay tài hoa, cộng với bao tâm tình gửi trao của người thợ gốm Bát Tràng. Công trình mô phỏng chiếc lò bầu cổ vốn gắn bó với nghề làm gốm Bát Tràng qua nhiều thế kỷ nên mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, trân trọng, biết ơn di sản của cha ông để lại.

Trung tâm đặc sắc này giống như một bảo tàng của làng gốm, là nơi trưng bày gia phả, hình ảnh, hiện vật về sự phát triển của 19 dòng họ làm nghề gốm sứ ở Bát Tràng và là nơi giới thiệu những sản phẩm tinh hoa của nghệ nhân. Trung tâm là điểm nhấn trong chuỗi kết nối với các điểm tham quan du lịch của Hà Nội, mang tới cho du khách những trải nghiệm thú vị về một nét văn hóa truyền thống của Thủ đô và đất nước. Đây cũng là sân chơi cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, sinh viên trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp, những người yêu gốm sứ. Đồng thời, đây cũng là nơi để những người con của làng gốm sứ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi, trau dồi kinh nghiệm, tìm ra những hướng đi mới cho làng nghề.

Người phụ nữ bản lĩnh

Nghệ nhân Hà Thị Vinh là thế hệ thứ 15 của một gia đình có nghề gốm gia truyền lâu đời tại Bát Tràng. Với những kinh nghiệm đã được truyền dạy, đúc kết từ những thế hệ đi trước, năm 1989, bà Vinh quyết định thành lập “đứa con” của riêng mình, lấy tên là Tổ hợp Gốm sứ mỹ nghệ Xuất khẩu Mỹ Hạnh.

Năm 1994, khi cơ chế chính sách có nhiều ưu đãi cho DN, Tổ hợp Mỹ Hạnh giải thể, bà Vinh thành lập Cty TNHH gốm sứ Quang Vinh (Cty Quang Vinh). Từ một tổ hợp gồm 6 thành viên ban đầu, đến nay Cty Quang Vinh đã có 2 nhà máy sản xuất gốm sứ với trên 700 lao động. Riêng cơ sở sản xuất tại Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh) đã được mở rộng trên diện tích 30.000m2.

Đầu những năm 2000, ngành gốm Bát Tràng gặp nhiều khó khăn. Bà Vinh đã đi rất nhiều nước trong khu vực để tìm hiểu về công nghệ để phát triển ngành gốm, đặc biệt là vấn đề vừa sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng phải đảm bảo việc bảo vệ môi trường. Sau quãng thời gian tìm hiểu, học hỏi từ nhiều nước bạn, bà Vinh cùng các thành viên trong Cty đã đưa ra giải pháp sản xuất bằng công nghệ và thiết bị lò nung, chuyển từ lò than củi sang đốt bằng công nghệ cao.

Chiếc lò nung gas đầu tiên đã được Cty Quang Vinh nhập về từ Đài Loan để phục vụ cho sản xuất. Năm 2002, hệ thống lò gas con thoi mới áp dụng theo công nghệ Đức cũng được bà Vinh đưa vào sản xuất. Từ một lò gas 4m3 Cty Quang Vinh đã có lò 6m3 và 22m3, mang đến việc làm cho hàng trăm công nhân, cũng như sự yên tâm của họ khi được làm việc trong môi trường sạch.

Mỗi bước đi của nghệ nhân Hà Thị Vinh đều thấm đẫm tình yêu, sự bản lĩnh, thông minh, dám nghĩ, dám làm của người con làng gốm. Tất cả đều hướng đến lan tỏa văn hóa gốm sứ Bát Tràng.

Không chỉ học hỏi, áp dụng về công nghệ trong sản xuất, nghệ nhân Hà Thị Vinh còn tích cực tham gia các hội chợ quốc tế, học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, hợp tác với nhiều họa sĩ, chuyên gia nước ngoài để tạo ra những mẫu mã sản phẩm hấp dẫn khách hàng. Đến nay, bà Vinh đã đưa thương hiệu Cty mình ngày càng vươn xa, có mặt tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU)…
Đi chợ gốm Bát Tràng sau giãn cách
Nghệ nhân Trần Lưu: Người “giữ lửa” của làng gốm Bát Tràng
Kỳ cuối: “Chàng gốm” thổi hồn vào đất và khát khao mang gốm Việt vươn xa

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.