Quận Hà Đông, Hà Nội:

Phong phú các giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, tăng cường thông tin về việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để Nhân dân biết, hưởng ứng và thực hiện TTHC qua Hệ thống Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công TP Hà Nội, UBND quận Hà Đông đã ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn.
Phong phú các giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến
Người dân thực hiện TTHC tại bộ phận "Một cửa" quận Hà Đông

Theo UBND quận Hà Đông, quận đặt mục tiêu đến hết năm 2025 đạt tối thiểu 80% TTHC thuộc thẩm quyền của UBND quận và UBND các phường đủ điều kiện để cung ứng trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; 100% TTHC được xác định đủ điều kiện theo quy định pháp luật và các điều kiện kỹ thuật được cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; thêm 20% số lượng TTHC được tinh gọn, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và tiết giảm ít nhất 50% chi phí. Đảm bảo đến năm 2025, trên 80% TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công q​uốc gia.

Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận; tối thiểu từ 80% trở lên hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử; 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng.

Để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, yêu cầu đề ra, UBND quận Hà Đông đề ra 8 nhóm giải pháp chính, bao gồm: Thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cách thức theo quy định của pháp luật để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn hưởng ứng và thực hiện các TTHC qua hệ thống Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công TP Hà Nội.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là Thủ trưởng các phòng chuyên môn, Chủ tịch UBND các phường trong việc cung ứng, giải quyết dịch vụ công trực tuyến. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá những tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế; phối hợp, rà soát, đơn giản hóa TTHC để cắt giảm tối đa các loại giấy tờ không cần thiết, tiết kiệm thời gian, tiết giảm chi phí cho cơ quan, công dân, tổ chức tham gia giải quyết TTHC.

Phối hợp với các Sở, ngành cấu trúc lại quy trình TTHC phù hợp với việc thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn TP Hà Nội. Rà soát, thống kê số TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Hằng năm, căn cứ chỉ tiêu tích hợp và điều kiện thực tế xác định danh mục các TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, báo cáo đề xuất TP tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia trên cơ sở các tiêu chí, quy định cụ thể của Cổng dịch vụ công đảm bảo đến năm 2025 tích hợp đạt từ 80% TTHC đủ điều kiện.

​Đặc biệt, thường xuyên khảo sát, lấy ý kiến hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính cung ứng dịch vụ công trực tuyến; có giải pháp xử lý, khắc phục các mặt tồn tại, hạn chế trong cung cấp dịch vụ công. Tăng cường đối thoại với người dân, tổ chức thông qua các hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.

Nhân rộng nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật hiệu quả
3 dịch vụ công trực tuyến gắn với người dân cả đời
Nâng cao hiệu quả thông qua phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.