Hà Nội tích cực triển khai phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Ngay sau khi có chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội về tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cùng các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức giám sát bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Hà Nội tích cực triển khai phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Tìm diệt bọ gậy tại bể chứa nước sinh hoạt ngoài trời của hộ gia đình tại thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung (ảnh Nhã Khanh)

Cụ thể, ngày 4/8, Trung tâm y tế huyện Hoài Đức phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức giám sát và phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue cho các cán bộ khoa Kiểm soát bệnh tật-HIV/AIDS, cán bộ làm công tác khám chữa bệnh cho trạm trưởng và cán bộ chuyên trách phòng chống dịch tại 20 trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn.

Các học viên đã được thông tin về tình hình dịch bệnh hiện nay, đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, hướng dẫn giám sát dịch tễ bệnh sốt xuất huyết, các biện pháp phòng chống dịch; các biện pháp xử lý khi xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, chiến dịch phun hóa chất diện rộng.

Cũng trong ngày 4/8, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra một số hộ gia đình tại thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên (nơi ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao của TP) với 31 ca mắc trong thời gian từ 28/6-20/7. Tại đây, hầu hết các hộ gia đình tại thôn có thói quen tích trữ nước mưa ở các dụng cụ chứa nước như bể, thùng phi, đây là nơi trú ngụ lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Xử lý các dụng cụ chứa nước này là rất khó khăn bởi số lượng dụng cụ chứa nước nhiều và chỉ có thể thực hiện được từ sự tham gia tích cực của người dân. Thêm vào đó, các gia đình đều dành phần lớn sân vườn, tầng thượng để trồng hoa, cây cảnh…, nước còn đọng tại các chậu cảnh, hòn non bộ không được dọn dẹp thường xuyên.

Báo cáo của đại diện xã Quang Trung cho biết, ngay sau khi ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết đầu tiên (ngày 28/6), xã Quang Trung đã tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi 3 lần. Đồng thời, tích cực giám sát thực tế để phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, đặc biệt là gia đình có người mắc sốt xuất huyết.

Đồng thời tổ chức truyền thông trực tiếp cho cán bộ ban chỉ đạo xã, thôn, các ban ngành, đoàn thể và người dân sinh sống tại thôn về phòng bệnh sốt xuất huyết. Công tác tuyên truyền chú trọng vào nội dung làm tốt công tác vệ sinh môi trường loại bỏ những dụng cụ chứa nước không cần thiết; đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt không cho bọ gậy phát triển thành muỗi gây bệnh; ngủ màn phòng muỗi đốt; hướng dẫn khai báo cho trạm y tế xã khi gia đình có người sốt để tiếp nhận thông tin kịp thời và được hướng dẫn điều trị.

Tiếp tục hưởng ứng chiến dịch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ngày 6/8 UBND quận Hai Bà Trưng đã tổ chức ra quân triển khai đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết năm 2022 với phương châm “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”.

Để thực hiện chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022 thành công, quận Hai Bà Trưng sẽ tiến hành tổng vệ sinh nơi làm việc, nơi ở và môi trường xung quanh hằng tuần; thu gom phế liệu phế thải; phát hiện và xử lý triệt để các ổ bọ gậy; diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; không để dịch bùng phát và lây lan. Khi có người bị sốt phải báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được điều tra, khoanh vùng và xử lý kịp thời.

Hà Nội tích cực triển khai phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Từ đầu năm 2022 đến ngày 2/8 cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 45 bệnh nhân đã tử vong

Trước đó ngày 28/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng ký ban hành Công văn số 2427/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Theo đó, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thành lập các tổ phòng chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên, tổ phòng, chống sốt xuất huyết cộng đồng, đội xung kích diệt lăng quăng (bọ gậy).

Tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện đề án phòng, chống sốt xuất huyết Dengue; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết.

Các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết và chịu trách nhiệm trước UBND TP về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật.

UBND TP giao Sở Y tế Hà Nội chủ trì, phối hợp UBND các địa phương chủ động đánh giá nguy cơ, tham mưu cho UBND TP các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết và các bệnh dịch khác.

Xây dựng kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền phòng, chống dịch bệnh.

Sở GD&ĐT tổ chức tuyên truyền cho các phụ huynh, học sinh về các biện pháp phòng chống dịch, trong đó tập trung vào một số bệnh có nguy cơ cao như Covid-19, sốt xuất huyết Dengue, cúm, tay chân miệng...

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến ngày 2/8 cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 45 bệnh nhân đã tử vong. Các địa phương ghi nhận số mắc hàng tuần và tích luỹ tăng cao là: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp.

Còn tại Hà Nội, theo báo cáo CDC Hà Nội, trong tuần qua (30/7 đến 6/8), TP ghi nhận 149 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong-tăng 2,3 lần so với tuần trước đó. Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 26 quận/huyện và 89 xã/phường/thị trấn. Trong đó, bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận huyện như: Ba Đình (19 ca), Đống Đa (16 ca), Thường Tín (14 ca), Thanh Oai (10 ca), Thanh Xuân (10 ca). Còn lại các quận huyện khác điều ghi nhận số mắc dưới 10 trường hợp.

Cộng dồn năm 2022 toàn TP ghi nhận 608 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong; tăng so với số mắc cùng kỳ năm 2021. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện và 240/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2.

CDC Hà Nội yêu cầu các đơn vị, quận huyện tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát huyết thanh và virus Dengue. Tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh. Phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng.

Cùng đó, các cơ sở tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sót xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ. Triển khai ngay các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ. Tiếp tục truyền thông phòng chống bệnh SXH và các dịch bệnh mùa hè nhằm góp phần khống chế và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả.

Bộ Y tế khuyến cáo, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết Dengue-nhất là trong gia đình, tổ dân phố, làng xóm, thôn bản đã có người bị sốt xuất huyết Dengue cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm báo chất lượng để được điều trị trị kịp thời, bởi đây có thể là thể bệnh nặng nhất, gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Trong trường hợp được bác sỹ khám bệnh cho điều trị tại gia đình cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể và các hiện tượng xuất huyết người bệnh (nếu có) cũng như các dấu hiệu bất thường xuất hiện, nếu có cần phải cho người bệnh đến bệnh viện ngay. Điều trị và theo dõi sốt xuất huyết Dengue tại gia đình cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, đặc biệt lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt không được dùng Aspirin, chỉ dùng Paracetamol đơn chất theo chỉ định của bác sỹ.

Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng gần 150%, Bộ Y tế phân tuyến quản lý người bệnh
Cập nhật tình hình dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng tại Hà Nội
Hà Nội có thể xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch
Dịch bệnh phức tạp, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu
Hà Nội: Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác

Phong Châu

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.