Phân loại rác thải theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP

Bài cuối: Để người dân hiểu đúng, hiểu đủ

Theo các chuyên gia môi trường, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn cần được thực hiện theo từng bước, và điều quan trọng nhất là cần tuyên truyền sâu rộng và có những cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân thực hiện.
Bài cuối: Để người dân hiểu đúng, hiểu đủ
Việc phân loại rác tại nguồn cần tuyên truyền sâu rộng và có những cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân thực hiện. (Ảnh: Duy Linh)

Không thể phủ nhận rằng, việc phân loại rác tại nguồn nói chung, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình là điều hết sức cần thiết. Với thực tế hiện nay, Hà Nội có lượng chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý vào khoảng 7.000 tấn mỗi ngày, thì vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt không chỉ là thách thức mà còn là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô hiện nay và trong tương lai.

Và trong tổng số khoảng hơn 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày. Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu được thu gom, mang đi chôn lấp chiếm 98%, khoảng 2% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt, không phát điện. Việc phân loại rác thải rắn và có chế tài xử phạt cho việc này là điều hoàn toàn hợp lý và đúng đắn.

Nói về tính chất nguy hại về rác thải, theo GS.TS Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, rác thải thực phẩm là một vấn đề của toàn cầu, một trong những nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường sống hiện nay. Khí metan từ rác thải thực phẩm tạo ra 3,3 tỷ tấn khí nhà kính mỗi năm và chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải. Việc xử lý chất thải nói chung không đúng cách còn gây ô nhiễm đất và nguồn nước. Nếu không kiểm soát tốt cũng như không có biện pháp xử lý phù hợp, khoa học ngay từ trong quá trình sản xuất và sau khi sử dụng, hệ quả từ rác thải thực phẩm không hề nhỏ.

Từ những mối nguy từ rác thải, việc phân loại rác tận nguồn là giải pháp căn cơ để từ từ chuẩn hóa các bước xử lý rác. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt bảo đảm hiệu quả đối với các đô thị lớn như Hà Nội đòi hỏi cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ phân loại rác đến đầu tư hạ tầng.

Ngoài ra, để cải tiến hay hoàn thiện công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể từ chính sách pháp luật, quản lý tổng hợp, giải pháp kỹ thuật hoàn thiện đối với đặc điểm của từng công nghệ. Đây cũng là một trong những mục tiêu của chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đó là ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, việc tính phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với đối tượng xả thải phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và phù hợp với lộ trình tính phí trên nguyên tắc phí thu gom, dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý phải được tính đúng, tính đủ các chi phí liên quan, vận hành có lộ trình phù hợp…

Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, các cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn rõ trong việc tổ chức thực hiện như thế nào để người dân, cơ quan quản lý dễ dàng trong thực hiện. Ví dụ như là nhà cao tầng, nhà thấp tầng có đặc thù thì thực hiện như thế nào lại cần phải có hướng dẫn cụ thể. Làm sao để người dân và đơn vị thu gom thực hiện một cách dễ dàng thuận tiện.

“Cần dùng chế tài nhất định, có biện pháp kĩ thuật như là sử dụng camera giám sát… để dễ dàng trong việc giám sát và xử lý người nào tuân thủ và người nào không tuân thủ. Phải xây dựng nhiều mô hình khác nhau phù hợp với đặc thù từng khu nhà, địa phương”, TS. Tùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất là phải tạo cho người dân thói quen phân loại rác tại nguồn, một khi đã phân loại thành công thì xử lý rác sẽ thành công. Và để làm được điều này thì ngoài việc tuyên truyền đến từng hộ dân để họ hiểu đúng, hiểu đủ thì cũng cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn.

TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, để Nghị định 45/2022/NĐ-CP đi vào cuộc sống, các địa phương cần chuẩn bị và ban hành các quy định chi tiết, cụ thể liên quan để thực hiện theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường. Sau đó triển khai tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội, thí điểm chuẩn bị hạ tầng thu gom vận chuyển xử lý...như các nước khác đã từng làm.

Theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường, mốc 25/8 chỉ là thời điểm Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Thực tế, Nghị định 45 quy định xử phạt hành vi “không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định”, nhưng thực tế quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt lại chưa có.

Như vậy, cũng giống như Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện cần có lộ trình. Và theo quy định của Luật, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn.

Tổng cục Môi trường hiện đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… ở địa phương. Sau đó, Bộ TN&MT sẽ ban hành hướng dẫn về phân loại rác thải chi tiết. Như vậy, tùy vào thực tế của các địa phương mà quyết định phân loại nào.

Theo đó, lộ trình thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Như vậy, cần 3 năm nữa việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt mới là việc bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Và đến thời điểm đó, việc không phân loại chất thải rắn sinh hoạt mới bị áp theo chế tài xử phạt.

Những hiệu quả từ chương trình xử lý, thu gom rác tại nguồn Những hiệu quả từ chương trình xử lý, thu gom rác tại nguồn
Kỳ cuối: Cần luật hóa về tái chế rác thải Kỳ cuối: Cần luật hóa về tái chế rác thải
Ước tính chỉ có 2% rác thải nhựa được tái chế tại Hà Nội Ước tính chỉ có 2% rác thải nhựa được tái chế tại Hà Nội
Từ 25/8, không phân loại rác sinh hoạt sẽ bị phạt nặng Từ 25/8, không phân loại rác sinh hoạt sẽ bị phạt nặng

Duy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.