Những “chuyên gia” hòa giải cơ sở chia sẻ kinh nghiệm

Được tiếp xúc với những người làm công tác hòa giải ở cơ sở, được nghe họ chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ mới thấu hiểu những vất vả của công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Hơn 17 năm gắn với “nghề” hòa giải, với tấm lòng nhiệt huyết, đam mê, chẳng quản nắng mưa, bà Nguyễn Thị Bầu, tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 15 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy như con thoi chăm chỉ ngày ngày se mối dây tình cảm gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Hơn 17 năm gắn với “nghề” hòa giải, với tấm lòng nhiệt huyết, đam mê, chẳng quản nắng mưa, bà Nguyễn Thị Bầu như con thoi chăm chỉ ngày ngày se mối dây tình cảm gắn kết tình làng nghĩa xóm. Ảnh: Văn Biên

Chia sẻ những kinh nghiệm trong thực tế hòa giải của mình, bà Nguyễn Thị Bầu, tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 15 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, muốn làm tốt công tác hòa giải, các hòa giải viên phải thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật, nhất là những bộ luật liên quan đến các sự việc thường gặp.

Bên cạnh đó, hòa giải viên cần sự kiên trì, nhiệt tình và đặc biệt là phải gần dân thì mới giải quyết kịp thời những thắc mắc, những tranh chấp. Những thành viên trong tổ hòa giải nhất là tổ trưởng sống phải trong sạch, liêm chính, công tâm, khách quan, vô tư, lấy tình trước, sau mới đến lý, vận dụng các văn bản pháp luật áp dụng vào công tác hòa giải.

“Tổ hòa giải cần có sự đoàn kết, nhất trí cao, những thành viên tổ hòa giải phải là những người có uy tín, trách nhiệm, gương mẫu, có kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải”, bà Nguyễn Thị Bầu nhấn mạnh.

Ở tổ dân phố 1 phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội không ai là không biết đến ông Nguyễn Văn Khiên, người cán bộ hòa giải có uy tín, khéo dân vận và được mọi người yêu mến, nể trọng.
Ở tổ dân phố 1 phường Hàng Bông, không ai là không biết đến ông Nguyễn Văn Khiên, người cán bộ hòa giải có uy tín, khéo dân vận và được mọi người yêu mến, nể trọng. Ảnh: Văn Biên

Ông Nguyễn Văn Khiên bắt đầu đảm nhận việc hòa giải tại khu dân cư mình sinh sống từ năm 2004 khi được bà con tín nhiệm bầu giữ chức tổ trưởng tổ dân phố 1, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ông Khiên chia sẻ, mâu thuẫn xuất phát từ nhiều yếu tố, để giải quyết hài hòa mâu thuẫn có nhiều cách, với ông cái tình vẫn là yếu tố cốt lõi. Ông Khiên vẫn thường nhắn nhủ mọi người sống xung quanh, sống hiền để gặp lành, nhiều bạn ắt sẽ bớt thù, đương nhiên với những chuyện không đúng, trái ngang thì phải kiên quyết. Muốn mọi người đồng lòng, thuyết phục được người khác không làm sai thì trước hết bản thân, gia đình mình phải làm đúng, phải gương mẫu. Như vậy lời nói, hành động của mình mới có giá trị.

Theo ông, khi có vụ việc phát sinh ông sẽ chủ động nghiên cứu, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rồi đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, thâm nhập quần chúng nhân dân nghe họ nhận định để có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra hướng giải quyết, đặc biệt ông luôn vận dụng những phong tục tập quán, những quy ước của tổ dân phố, sau đó tiến hành gặp gỡ các bên để hòa giải.

Việc hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình. Hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải một lần đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn.

Bà Cao Thị Thanh Vân (58 tuổi), tổ trưởng tổ hòa giải của tổ dân phố Thành Công, phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Bà Cao Thị Thanh Vân (58 tuổi), tổ trưởng tổ hòa giải của tổ dân phố Thành Công, phường Dương Nội, quận Hà Đông. Ảnh: Văn Biên

Chia sẻ những kinh nghiệm trong thực tế hòa giải của mình, bà Cao Thị Thanh Vân cho biết, muốn làm tốt công tác hòa giải, các hòa giải viên phải thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật, nhất là những bộ luật liên quan đến các sự việc thường gặp, như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai và các tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ hòa giải.

Đồng thời, trên cơ sở tình cảm, đạo lý để cùng các thành viên trong tổ hòa giải đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng thuyết phục các bên nhằm thỏa mãn ý chí nguyện vọng của các bên, đi đến thống nhất, hòa hợp, không còn mẫu thuẫn. Bên cạnh đó, hòa giải viên cần sự kiên trì, nhiệt tình và đặc biệt là phải gần dân thì mới giải quyết kịp thời những thắc mắc, những tranh chấp.

Những thành viên trong tổ hòa giải nhất là tổ trưởng sống phải trong sạch, liêm chính, công tâm, khách quan, vô tư, lấy tình trước, sau mới đến lý, vận dụng các văn bản pháp luật áp dụng vào công tác hòa giải. Luôn luôn tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy chi bộ, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, các bộ phận chuyên môn của phường như địa chính, tư pháp phường, vụ việc nào khó, nhận định tình hình không ổn, đề nghị sự giúp đỡ cán bộ UBND phường và cảnh sát khu vực tham dự hòa giải cùng. Tổ hòa giải cần có sự đoàn kết, nhất trí cao, những thành viên tổ hòa giải phải là những người có uy tín, trách nhiệm, gương mẫu, có kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải.

Với niềm đam mê hòa giải cùng tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm, ông Vũ Trọng Thủy (cán bộ tư pháp phường Phúc La, quận Hà Đông) đã tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc ở cơ sở.
Với niềm đam mê hòa giải cùng tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm, ông Vũ Trọng Thủy (áo trắng), công chức Tư pháp phường Phúc La, quận Hà Đông đã tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc ở cơ sở. Ảnh: Văn Biên

Theo ông Vũ Trọng Thủy, cần chú trọng các kiến thức pháp luật đến cách tiếp cận đối tượng, lồng ghép với các yếu tố về phong tục tập quán, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình, địa phương trong quá trình hòa giải, bảo đảm phù hợp với tính chất của từng vụ việc và đặc điểm của từng đối tượng để đạt hiệu quả cao.

Ông Thủy chia sẻ, vận động, thuyết phục các bên thì dễ nhưng dùng lý lẽ, căn cứ vừa hợp tình, hợp lý vừa đúng luật rất khó, nhất là trong các vụ tranh chấp về đất đai hay dân sự, các bên trong không khí căng thẳng, nóng nảy ai cũng muốn phần mình, không nhường nhịn ai. “Tuy nhiên, do khi nhận đơn yêu cầu chúng tôi đã họp lại đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trước, sau đó tiến hành hòa giải nên cũng có nhiều thuận lợi, kết quả là tỷ lệ hòa giải thành rất cao”, ông Thủy cho biết.

Cũng theo ông Vũ Trọng Thủy, trong quá trình hòa giải tùy vào vụ việc cụ thể, các thành viên tổ hòa giải vận dụng thêm những phong tục tập quán ở địa phương, những hiểu biết về pháp luật có liên quan, bằng lời nói nhẹ nhàng để phân tích, giải thích cho có lý, có tình theo phương châm “đúng sai phân minh” - “lý tình trọn vẹn” nhằm thuyết phục cho hai bên đi đến thỏa thuận cùng hài hòa thống nhất vui vẻ và xóa tan tranh chấp.

Với vai trò là thành viên tổ hòa giải của xã, chị Chử Thị Thiệp, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết những vụ việc xích mích giữa hàng xóm láng giềng, vợ chồng.
Với vai trò là thành viên tổ hòa giải của xã, chị Chử Thị Thiệp, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết những vụ việc xích mích giữa hàng xóm láng giềng, vợ chồng.Ảnh: Văn Biên

Chị Thiệp cho biết, công việc để hòa giải thành công là cả một quá trình mà người làm hòa giải luôn phải thấu đáo mọi việc, lời nói và hành động phải có uy tín đối với người dân thì hiệu quả mới đạt cao.

Để hòa giải thành công, người làm công tác hòa giải phải có những kỹ năng như: Phải am hiểu pháp luật, nhất là liên quan đến Luật đất đai, hôn nhân gia đình, luật thừa kế… và gần gũi với nhân dân. Đồng thời, gia đình mình phải nỗ lực xây dựng gia đình gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

Quá trình hòa giải, người hòa giải viên phải biết lắng nghe, hiểu rõ nội dung sự việc, nhiều việc phải hòa giải từng phần, phần nào cần làm trước thì làm trước, phần nào cần làm sau thì làm sau. Bên cạnh đó, phải tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín trong dòng họ để họ có thêm tiếng nói trong những vụ mâu thuẫn lớn của gia đình.

Khi tham gia hòa giải, chị và các thành viên khác trong tổ luôn đặt chữ tình, chữ tâm lên hàng đầu. Có như vậy, người trong cuộc mới dịu bớt để cùng nhau giải quyết ổn thỏa vụ việc. Theo chị Chử Thị Thiệp, muốn hòa giải thành công phải tìm hiểu và phân tích được cái đúng cái sai của mỗi bên. Đồng thời, phải gần gũi, thân thiện và thông cảm với người trong cuộc, ăn nói nhẹ nhàng, thấu đáo.

Hòa giải viên “mát tay”, giữ niềm vui cuộc sống Hòa giải viên “mát tay”, giữ niềm vui cuộc sống
Đưa những câu chuyện gần gũi với đời sống vào tuyên truyền Đưa những câu chuyện gần gũi với đời sống vào tuyên truyền
Phát huy vai trò của hòa giải viên trong việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp Phát huy vai trò của hòa giải viên trong việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp
Bài 2: Tập trung nâng cao chất lượng các tổ hòa giải và hòa giải viên Bài 2: Tập trung nâng cao chất lượng các tổ hòa giải và hòa giải viên
Hòa giải ngay từ khi mâu thuẫn mới phát sinh Hòa giải ngay từ khi mâu thuẫn mới phát sinh

Minh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.