Fan sắc đẹp tranh cãi về quy định chấp nhận phụ nữ đã kết hôn và có con dự thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2023

“Tạm biệt chồng con, khăn gói đi thi” đang trở thành cụm từ gây sốt trên mạng xã hội từ thông báo quy định cho phép phụ nữ đã kết hôn và có con dự thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2023.
Fan sắc đẹp tranh cãi về quy định chấp nhận phụ nữ đã kết hôn và có con dự thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2023
Đương kim Hoa hậu Hoàn vũ 2021 là người đẹp Harnaaz Sandhu đến từ Ấn Độ

Chuyên trang sắc đẹp nổi tiếng Missosology tiết lộ, trong email gửi các Giám đốc quốc gia ngày 6/8, phía Miss Universe (Hoa hậu Hoàn Vũ) thông báo, tìm kiếm ứng viên cho cuộc thi Miss Universe lần thứ 72. Điều đặc biệt là những phụ nữ đã kết hôn và có con đều có thể dự thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2023.

Trích nội dung đăng tải, BTC cuộc thi Miss Universe thông tin về nỗ lực thay đổi theo thời gian để trở thành nơi đại diện và hỗ trợ tốt nhất cho phụ nữ toàn cầu.

Phụ nữ cần có quyền tự định đoạt cuộc sống và các quyết định cá nhân của mỗi người, không nên là rào cản đối với sự thành công của họ. Dữ liệu gần đây cũng cho thấy trung bình tuổi kết hôn và mang thai lần đầu của phụ nữ trên toàn cầu là 21 tuổi.

Trước khi đưa ra thông báo về sự thay đổi, tổ chức Miss Universe đã tiến hành các cuộc khảo sát ý kiến đối với khán giả cùng các Giám đốc quốc gia của cuộc thi từ đầu năm nay và nhận được đa số sự ủng hộ.

Ông Trần Việt Bảo Hoàng - Giám đốc quốc gia của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam xác nhận, ông đã nhận được email thông báo nói trên từ phía Miss Universe.

Giám đốc quốc gia của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam chia sẻ, quyết định này từ Miss Universe không có nghĩa bắt buộc các quốc gia phải theo và chấp nhận quy định mới. Mỗi một quốc gia đều có quy định về lựa chọn hoa hậu khác nhau.

Tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, việc có áp dụng thay đổi này ở mùa tổ chức tiếp theo hay không sẽ còn phải bàn bạc vì còn phụ thuộc vào việc xin phép, tuân thủ nghị định thi nhan sắc trong nước, nhất là xem xét thị hiếu khán giả.

Từ quy định mới của Miss Universe, cộng đồng fan sắc đẹp thể hiện sự ủng hộ, hoan nghênh vì cho rằng, quyết định “nới lỏng” đối tượng dự thi của Miss Universe thực sự đã quan tâm và tôn trọng tới quyền lợi của phụ nữ trong thời đại mới.

Người phụ nữ chưa có gia đình đẹp là điều dễ hiểu nhưng khi đã có chồng con mà vẫn giữ được vẻ đẹp, vóc dáng cơ thể sẽ là động lực và truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác.

Cùng với việc mở rộng đối tượng dự thi, cuộc thi sẽ có nhiều thí sinh tiềm năng và màu sắc mới cho đấu trường nhan sắc truyền thống.

Trái ngược với ý kiến ủng hộ, nhiều người cho rằng, nếu mở động đối tượng dự thi đồng nghĩa với việc cuộc thi Hoa hậu nên đổi tên thành cuộc thi Hoa hậu Quý bà thì đúng nghĩa hơn. Vì quy định mới này sẽ phá vỡ chuẩn mực của một cuộc thi sắc đẹp thông thường. Với sự thay đổi mới này, tất nhiên sẽ nảy sinh rất nhiều những hệ lụy ảnh hưởng “thương hiệu” của một cuộc thi sắc đẹp uy tín 71 năm qua.

Năm 2012, Miss Universe từng cho phép người chuyển giới tham gia và cũng gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người e ngại việc cuộc thi trở nên tạp nham khi có quá nhiều phụ nữ chuyển giới tham gia.

Thực tế thì tới năm 2018, lần đầu tiên có thí sinh chuyển giới được bước chân lên sân khấu Miss Universe. Đó là Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha Angela Ponce, cô trở thành người đẹp chuyển giới đầu tiên trong lịch sử cuộc thi nhan sắc. Thí sinh này được tôn vinh trên sóng trực tiếp, vẫn chấm đúng tiêu chí Miss Universe và dừng chân ở vòng 20.

Fan sắc đẹp tranh cãi về quy định chấp nhận phụ nữ đã kết hôn và có con dự thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2023
Đỗ Nhật Hà trở thành người đẹp chuyển giới đầu tiên trong lịch sử tham dự Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022

Tại Việt Nam, thí sinh Đỗ Nhật Hà cũng trở thành người đẹp chuyển giới đầu tiên trong lịch sử tham dự Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 và chỉ dừng chân Top 41.

Nhìn lại câu chuyện “nới lỏng” đối tượng thí sinh tham dự Miss Universe khi chấp nhận thí sinh có con, lập gia đình cũng sẽ như vậy. Miss Universe chỉ mở thêm cửa cơ hội, còn quyền lựa chọn thí sinh phụ thuộc các quốc gia cử đại diện nhan sắc dự thi. Và dù xuất hiện với vai trò một người phụ nữ có con, lập gia đình thì thí sinh vẫn chấm điểm công bằng như các thí sinh khác.

Hơn nữa, người đẹp đội vương miện Hoa hậu trên đầu sẽ phải thực hiện trách nhiệm với BTC, nghĩa vụ làm thiện nguyện với xã hội và một phụ nữ đã kết hôn hay có con sẽ khó có thể hoàn thành tốt tất cả các thiên chức này cùng một lúc.

“Loạn” danh xưng cuộc thi Hoa hậu
Kim Duyên đăng quang Á hậu 2, giành chiến thắng lịch sử tại "Hoa hậu Siêu quốc gia 2022"
Việt Nam đăng cai tổ chức Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2023

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.