Vụ cháy quán karaoke ở Quan Hoa, Cầu Giấy:

Phải làm rõ trách nhiệm chính quyền sở tại và chủ cơ sở kinh doanh

Một số ý kiến cho rằng, sau vụ cháy quán karaoke số 231 Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 3 cán bộ, chiến sỹ hy sinh, cần phải rà soát, làm rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương về công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Hiện trường vụ cháy quán karaok ISIS tại quận Cầu Giấy
Hiện trường vụ cháy quán karaoke ISIS tại quận Cầu Giấy

Vi phạm quy định về PCCC sẽ bị xử lý thế nào?

Những ngày vừa qua, dư luận cả nước không khỏi xót thương trước sự hy sinh của 3 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH - CA quận Cầu Giấy, TP Hà Nội trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại quán karaoke ISIS - 231 Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy.

Theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy sau vụ cháy: Quán karaoke được Phòng Kinh tế quận cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 1/2013. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Duy Trung, SN 1978.

Đến tháng 4/2013, UBND quận Cầu Giấy cấp giấy phép kinh doanh karaoke cho cơ sở ISIS. Cuối tháng 8/2013, CA quận Cầu Giấy cấp giấy chứng nhận quán karaoke này đủ điều kiện về an ninh trật tự để làm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau đó, ông Nguyễn Duy Trung đã ủy quyền cho ông Phạm Duy Hùng, SN 1983, để quản lý hoạt động kinh doanh tại quán karaoke ISIS trong thời hạn 10 năm.

Theo nội dung báo cáo, trước khi xảy ra vụ cháy, quán karaoke ISIS đã dừng hoạt động do chưa cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96 của Chính phủ. Nội dung báo cáo chưa nêu về mốc thời gian quán karaoke ISIS bị dừng hoạt động.

Trước vụ việc trên, dư luận đang đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền sở tại và chủ cơ sở kinh doanh. Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, karaoke, vũ trường, quán bar là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đặc biệt phải tuân thủ điều kiện về an toàn PCCC theo đúng quy định tại Thông tư 47/2015/TT-BCA.

Cụ thể: Tuân thủ đúng quy định về thiết kế, nghiệm thu công trình, kết cấu tòa nhà, nội thất chống cháy, lối thoát hiểm… Thực hiện đầy đủ các biện pháp về PCCC, đặc biệt là quản lý chặt chẽ và sử dụng an toán các chất dễ gây cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt. Trang bị đầy đủ phương tiện PCCC…

Nếu vi phạm, tùy tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc xử lý hình sự theo Điều 313 BLHS 2015 đối về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác”.

Luật sư Thái cho biết, đối với việc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc gây thương tích nghiêm trọng cho người khác thì người vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự. Trường hợp vụ cháy làm chết 3 người trở lên, chế tài sẽ ở mức cao nhất là phạt tù từ 7-12 năm với người vi phạm quy định về PCCC.

“Trong vụ việc trên, nếu cơ quan chức năng xác định đơn vị thi công sửa chữa không tuân thủ đảm bảo an toàn lao động dẫn đến hỏa hoạn xảy ra, gây chết người thì cơ quan chức năng cũng có thể khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định an toàn lao động. Hình phạt có thể cao nhất lên tới 12 năm tù”, luật sư Thái nhận định.

Cương quyết xử lý đến nơi đến chốn

Liên quan đến vụ cháy quán karaoke ở Quan Hoa, quận Cầu Giấy, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ, sự việc xảy ra là rất đáng tiếc và rất nghiêm trọng. Trách nhiệm ở đây ngoài sự chủ quan của cơ sở kinh doanh, còn thuộc về chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, tuyên truyền, phòng ngừa, giáo dục và xử lý.

"Tôi cho rằng công tác PCCC của chính quyền sở tại, cơ quan chức năng còn sơ hở, công tác kiểm tra không được thường xuyên, hoặc có thì cũng qua loa, chưa cương quyết xử lý đến nơi đến chốn những cơ sở chưa đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy", ông Hòa nói.

Ông Hòa nhấn mạnh, việc liên tiếp xảy ra những vụ cháy quán karaoke tại địa bàn quận Cầu Giấy là một vấn đề rất nghiêm trọng. Những vụ việc này là một lời cảnh tỉnh cho quận Cầu Giấy và các địa phương khác về công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn PCCC.

"Thời gian qua có tình trạng du di những cơ sở sản xuất kinh doanh karaoke không đảm bảo về phòng cháy, cho nên dẫn đến tình trạng trên. Nếu chính quyền địa phương kiểm tra thường xuyên và có biện pháp xử lý nghiêm khắc, vi phạm 1 - 2 lần thì kiên quyết rút giấy phép kinh doanh, thậm chí nếu cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ mang tính phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh... sẽ hạn chế xảy ra những vụ việc thương tâm như thế", ông Hòa nói.

Đây không phải là lần đầu xảy ra cháy quán karaoke gây hậu quả nghiêm trọng ở quận Cầu Giấy. Trước đó vào năm 2016, một vụ cháy quán karaoke khác ở quận Cầu Giấy (tại số 68 Trần Thái Tông, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cũng để lại hậu quả nặng nề, khiến 13 người tử vong.

Sau vụ cháy này, TP Hà Nội đã phải tạm dừng hoạt động toàn bộ các quán karaoke trên địa bàn để rà soát lại điều kiện PCCC, cơ sở nào đủ điều kiện mới được hoạt động trở lại. Từ đó đến nay, trải qua 6 năm, Hà Nội không cấp phép thêm cho cơ sở karaoke mới nào.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đánh giá, vụ cháy xảy ra tại phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) khiến 3 cán bộ chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ "là vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng".

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND TP và cơ quan, đơn vị phối hợp với CA TP, quận Cầu Giấy, khẩn trương tiến hành các công việc để khắc phục hậu quả vụ cháy, sớm ổn định tình hình và chỉ đạo thực hiện công tác phòng ngừa chung. "Khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật", nội dung công văn nêu rõ.

Hà Nội yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy tại quận Cầu Giấy
Vụ cháy ở Quan Hoa-Cầu Giấy: Cần thiết khởi tố vụ án hình sự để điều tra
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Sự hi sinh của 3 chiến sĩ PCCC đã chạm đến trái tim của người dân Thủ đô

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.