Bạo hành trẻ em liên tục gia tăng, phải “vứt bỏ” quan niệm đó là “việc riêng gia đình”

Một thực tế đáng buồn ở chỗ: Tính chất của những hành vi bạo hành trẻ em hiện nay đang gia tăng sự nghiêm trọng. Mặc dù công khai nhiều số điện thoại hỗ trợ, nhiều đơn vị bảo vệ các em, nhưng có những vụ việc lúc được phát hiện đã rất đau lòng và muộn màng. Giảm bạo hành trẻ nhỏ, phải thay đổi nhiều việc, trong đó có tăng quy định xử phạt của pháp luật và xóa bỏ quan điểm: Việc riêng gia đình.
Bạo hành trẻ em liên tục gia tăng, phải “vứt bỏ” quan niệm đó là “việc riêng gia đình”
Ảnh minh họa từ UNICEF Việt Nam

Đau lòng những đứa trẻ bị chính người quen, thân bạo hành

Gần đây nhất, Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) tiếp nhận tin báo từ Bệnh viện Nhi trung ương về một cháu bé tên Tr. (SN 2021) nhập viện trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao, nghi bị ngược đãi, hành hạ.

Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định vào ngày 21/7/2022, mẹ cháu Tr. (quê Hà Tĩnh) thuê Đoàn Diệu Linh (SN 1996; trú tại 82A/3C phường Chùa Thông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) trông cháu Tr. với giá 3 triệu đồng/tháng (tại địa chỉ số 34A, ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) để đi làm công nhân tại tỉnh Bắc Giang.

Trong quá trình trông cháu Tr., do cháu bị sốt và quấy khóc nên Linh và Hoàng Thế Vũ (SN 1994; trú tại La Xuyên, Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Nội - là chồng của Linh) đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người, dùng chăn quấn vào người và dùng băng dính bịt miệng cháu Tr..

Đến ngày 26/7/2022, thấy cháu Tr., mệt mỏi, khó thở, Vũ và Linh đã đưa cháu đến Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng mở rộng điều tra, tiếp tục làm rõ.

Trước đó, dư luận từng rất phẫn nộ với hành động tàn nhẫn của Nguyễn Võ Quỳnh Trang tại TP HCM với con riêng của chồng.

Đến ngày 21/7, Tòa gia đình và người chưa thành niên (TAND TP HCM) đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ án bé gái 8 tuổi V.A bị mẹ kế là Nguyễn Võ Quỳnh Trang và cha ruột là Nguyễn Kim Trung Thái bạo hành dẫn đến tử vong. Vụ án đã gây rúng động và phẫn nộ trong quần chúng suốt thời gian dài.

Đau lòng không kém, là trường hợp cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội bị người yêu của mẹ đóng đinh vào đầu, nhập viện trong tình trạng nguy cấp, sau thời gian chống chọi đã không qua khỏi.

Theo đại diện Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, trong suốt thời gian 2 tháng điều trị tại bệnh viện, các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu, hồi sức cho cháu bé, tuy nhiên đáp ứng điều trị của bệnh nhi không tốt. Chẩn đoán tử vong là tổn thương não nặng không hồi phục do dị vật.

Bạo hành trẻ em liên tục gia tăng, phải “vứt bỏ” quan niệm đó là “việc riêng gia đình”
Người thân đau lòng khi biết cháu bé 3 tuổi bị đóng đinh vào hộp sọ

Những vụ bạo hành trẻ em đau lòng đó có nhiều điểm đáng nói. Đầu tiên là tính chất, mức độ bạo hành nghiêm trọng, có chi tiết tàn độc. Tiếp đó đối tượng bạo hành các em là người thân, người quen, người trông giữ mà các em tiếp xúc hàng ngày. Và đáng nói hơn cả, có những trường hợp, chính người thân, thậm chí cả cha, mẹ các em tiếp tay cho bạo hành.

Không thể coi bạo hành là “việc riêng gia đình”

Khi những sự việc đau lòng được phát hiện, nhiều người đã nói “giá như”. “Giá như tôi biết sớm hơn, giá như tôi một lần hỏi cháu vì sao khóc, giá như tôi không vờ như không nghe thấy, giá như…”. Có những lúc, để nói câu “giá như…” ấy, mọi thứ đã quá muộn màng.

Nhiều gia đình đã cho rằng: “Thương cho roi cho vọt” là cách dạy dỗ con cái của mình. Thế nhưng, roi vọt trút giận quá vượt quá sự dạy dỗ thông thường.

Nhiều người bên cạnh cũng cho rằng, đó là “việc riêng gia đình” nên thôi không can thiệp, không hỏi han, lơ đi như không biết… vì thế mới có chuyện, số của các đường dây nóng công khai bảo vệ trẻ em trước bạo hành đã có, nhưng đôi lúc, người chứng kiến vẫn thờ ơ cho một cuộc gọi.

Nhưng cũng từ những con số của đường dây này, lại thấy một thực tế có phần nổi cộm hơn: Là bạo hành trẻ em đang gia tăng.

Theo thống kê từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài đã tiếp nhận 171.019 cuộc gọi đến, trong đó có 706 ca phải hỗ trợ, can thiệp, tăng 299 ca so với cùng kỳ năm trước.

Trong các ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em, có 362 ca bạo lực trẻ em, chiếm 51,27%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 167 ca, tương đương 3,36%; 122 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 17,28%, tăng hơn cùng kỳ năm trước 13 ca.

Trong đó, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, đây là điều đáng báo động về phương pháp giáo dục của cha mẹ/người chăm sóc đối với trẻ em.

Bạo hành trẻ em liên tục gia tăng, phải “vứt bỏ” quan niệm đó là “việc riêng gia đình”

Bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành là việc chung của tất cả các tổ chức, các cá nhân, các gia đình, mà việc cần làm ngay chính là xóa định kiến: “Đó là việc riêng”

Pháp luật quy định rõ "bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em".

Tiếng nói từ các đại biểu quốc hội, các tổ chức xã hội về việc phải mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn những hành vi bạo hành trẻ em cũng rất rõ ràng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn Hải Dương) cho rằng: Trong thời gian qua, mặc dù công tác phòng chống bạo lực gia đình nói chung và bạo lực đối với trẻ em nói riêng đã được quan tâm chỉ đạo, cải thiện nhưng số lượng các vụ việc bạo lực đối với trẻ em trong môi trường gia đình vẫn còn ở mức cao và trong thời gian gần đây có nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Do đó, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình là rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em trong tương lai cũng như xây dựng những gia đình văn hoá, gia đình không bạo lực trong tương lai.

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho rằng, việc tập trung chăm sóc, bảo vệ trẻ em ngay từ mỗi gia đình là giải pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ em, giúp trẻ được sống trong môi trường an toàn. Khi chứng kiến các vụ việc có dấu hiệu nghi ngờ, những người chứng kiến đừng im lặng, mà hãy chủ động lên tiếng. Không may phải sống trong môi trường bạo lực, dù đó là bố, mẹ, trẻ em cũng nên tìm đến sự trợ giúp.

Và chính các thiết chế pháp luật liên quan, chế tài xử phạt phải mạnh mẽ, tăng nặng hơn nữa với hành vi này để đảm bảo tính răn đe.

Bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành là việc chung của tất cả các tổ chức, các cá nhân, các gia đình, mà việc cần làm ngay chính là xóa định kiến: “Đó là việc riêng”.

Bạo hành trẻ em - nguồn cơn của bi kịch
Giải pháp nào trước vấn nạn bạo hành trẻ em?
Chế tài xử về bạo hành trẻ em vẫn chưa đủ sức răn đe?!
Nhiều bậc làm cha, làm mẹ thiếu hiểu biết về quyền trẻ em
Hành vi bạo hành, dán băng dính vào miệng cháu bé 1 tuổi bị xử lý như thế nào?

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.