Tình tiết bất ngờ trong phiên xử vụ mua bán chế phẩm Redoxy-3C

VKSND đề nghị tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. KSV xác định, số tiền thiệt hại đã khắc phục nên đề nghị hủy bỏ các lệnh kê biên tài sản liên quan đến các bị cáo trước đó...
Đại diện VKSND trình bày quan điểm tại tòa
Đại diện VKSND trình bày quan điểm tại tòa

Bất ngờ thay đổi luận tội

Chiều 21/6, Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Văn Sơn thông báo, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa vợ của ông Nguyễn Đức Chung thay chồng nộp thêm 15 tỷ đồng khắc phục hậu. "Bị cáo có đồng ý với việc bà Hoa nộp tiền thay không?", Chủ tọa hỏi. "Tôi đồng ý", ông Chung trả lời.

Chủ tọa cũng nhắc, trước đó, bị cáo đề nghị xem xét trả lại chị gái 10 tỷ đồng đã nộp thay để bồi thường và hỏi lại quan điểm của bị cáo về vấn đề này. Bị cáo Chung cho rằng, ban đầu nhận thức, nếu tòa xác định vụ án có thiệt hại thì sẽ tác động để gia đình vay mượn, nộp khắc phục. Đến giờ bị cáo thay đổi ý kiến, đồng ý về việc chị gái ông nộp khắc phục thay 10 tỷ đồng và khẳng định, bản thân luôn nhận thức được rõ trách nhiệm của mình.

"Việc thử nghiệm chất Redoxy-3C trên địa bàn TP, bị cáo xin chịu trách nhiệm với tư cách cá nhân và xin chịu trách nhiệm cùng tập thể", ông Chung nói. Như vậy, đến phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã khắc phục toàn bộ hậu quả thiệt hại theo quy kết của cấp sơ thẩm (25 tỷ đồng).

Đại diện VKSND sau khi nghe thông tin trên phát biểu, có một số tình tiết mới. Do đó, đại diện VKSND đã luận tội lại. “Với bị cáo Nguyễn Đức Chung, ban đầu bị cáo kêu oan. Một số luật sư bào chữa đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đến thời điểm này, bị cáo đã thừa nhận trách nhiệm việc mua bán chế phẩm và trách nhiệm của người đứng đầu. VKSND đề nghị tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. KSV cũng xác định, số tiền thiệt hại đã khắc phục nên đề nghị hủy bỏ các lệnh kê biên tài sản liên quan đến các bị cáo trước đó” – lời KSV.

Mong giảm nhẹ một phần hình phạt

Nói lời nói sau cùng trước khi tòa tuyên án, cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và bị cáo Nguyễn Trường Giang đều mong HĐXX chấp nhận đề nghị của đại diện VKSND, giảm nhẹ một phần hình phạt cho mình.

Trước đó, trong phần tranh luận, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đưa ra quan điểm rằng, việc mua bán chế phẩm Redoxy -3C không trái các quy định của pháp luật. Kết quả điều tra cũng cho thấy, Cty Arktic sau khi được thành lập, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa đã rút vốn. Theo luật sư, người sở hữu Cty này là ông Giang. Bị cáo Giang là người điều hành, trả lương, cân đối lợi nhuận, chi phí của Cty. “Không hiểu sao sau này, ông Giang lại thay đổi lời khai, đổ lỗi...” – lời luật sư. Ông Thiệp cũng nêu, quy buộc bị cáo Chung vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng là không đúng. UBND TP Hà Nội có trực tiếp quản lý Cty Arktic? Nếu không thì không thể vi phạm như bản án sơ thẩm quy kết.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Tú, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Chung nói, suốt quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Đức Chung luôn luôn khai báo rành mạch về Cty Arktic.

Bị cáo nói, hoàn toàn không biết vợ và con trai thành lập Cty này. Chỉ đến khi bà Hoa nói chuyện về việc đã thành lập một Cty cho anh H đứng tên để kinh doanh kho lạnh thì mới biết. Ngay lập tức, bị cáo Chung đã phản đối và phân tích cho anh H phải tiếp tục ra nước ngoài học hành, có bằng cấp cho tử tế thì mai sau về làm gì cũng được.

Con nghe lời bố và tiếp tục sang Australia học mà không kinh doanh gì. Lời khai của ông Chung phù hợp với nội dung Bản Kết luận thanh tra số 794/KL-TTTP(PCTN) ngày 26/2/2020 của Thanh tra TP: "Theo Biên bản Kiểm tra thuế từ năm 2015 đến năm 2017 đối với Cty Arktic do Chi cục thuế Đống Đa cung cấp thể hiện, năm 2015, Cty không phát sinh doanh thu. Năm 2016, phát sinh doanh thu từ quý III/2016...".

Như vậy, từ sau khi thành lập Cty Arktic (ngày 2/11/2015) cho đến hết tháng 6/2016, Cty Arktic với hai thành viên là ông Đào Xuân T và ông Nguyễn Đức H không hoạt động, không kinh doanh. Đáng lưu ý, ở thời điểm anh H thành lập DN, ông Nguyễn Đức Chung chưa được bầu vào vị trí Chủ tịch UBND TP Hà Nội và vẫn đang là GĐ CA TP Hà Nội. Chỉ từ sau khi ông Nguyễn Trường Giang và bà Nguyễn Thị Bích Hằng quản lý Cty thì mới phát sinh doanh thu.

Về quy trình mua bán chất Redoxy 3C của UBND TP Hà Nội, luật sư cho rằng, chưa được bản án sơ thẩm làm rõ. Cụ thể, theo Nghị định 130 ngày 16/10/2013 của Chính phủ, dịch vụ thoát nước đô thị là dịch vụ công ích được quy định tại Danh mục B.

Để tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên, căn cứ vào Điều 14 khoản 1, khoản 2 Điều 31, khoản 1 Điều 32 Luật Ngân sách Nhà nước 2015. Định kỳ hàng năm, UBND TP giao cho Sở Xây dựng lập dự toán ngân sách chi cho các dịch vụ công thuộc trách nhiệm Sở quản lý, trong đó có dự toán chi cho dịch vụ thoát nước đô thị cho năm sau rồi gửi về Sở Tài chính trước ngày 30/10. Sở Tài chính tập hợp toàn bộ dự toán nhiệm vụ thu chi của toàn thành phố trình UBND TP, sau đó UBND TP lập tờ trình lên HĐND TP thông qua vào kỳ họp cuối năm.

Căn cứ vào khoản 2, khoản 3 Điều 3 Quyết định số 5799/QĐ ngày 25/9/2013 của UBND TP Hà Nội, thẩm quyền việc tổ chức mua Redoxy 3C để phục vụ cho xử lý ô nhiễm nước hồ là của GĐ Sở Xây dựng Hà Nội.

Cty Thoát nước muốn thực hiện công việc mua Redoxy 3C thì phải có báo cáo đề xuất để UBND TP ra quyết định bằng văn bản là giao cho Cty Thoát nước thực hiện. Chỉ khi có quyết định này, Cty thoát nước mới có tư cách pháp nhân hợp lệ được quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 là bên mời thầu. Thực tế, từ 2016 đến 2019, UBND TP Hà Nội chưa hề có bất cứ quyết định nào giao cho Cty Thoát nước việc này.

Luật sư Tú phân tích và khẳng định, việc sử dụng chế phẩm RedOxy-3C rẻ hơn một nửa so với những công nghệ cũ. Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Đức Chung và Biểu so sánh kinh phí thì RedOxy-3C có chi phí thấp hơn so với công nghệ cũ là có căn cứ để chứng minh. Lời khai của bị cáo Nguyễn Đức Chung và Biểu so sánh đúng hay sai là dựa trên cơ sở so sánh giá trần xử lý ô nhiễm nước hồ đã được ban hành. Trước khi có RedOxy-3C đã có đơn giá trần… Tuy nhiên, CQĐT đã bỏ qua, không xem xét so sánh trên cơ sở giá trần để xác định sử dụng RedOxy-3C là đắt hay rẻ, có lợi hay không có lợi là thiếu khách quan.

“Từ một số phân tích nêu trên có thể thấy, Bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội kết luận nhiều vấn đề chưa chính xác. Các hành vi của ông Chung không cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xem xét kêu oan của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Bất ngờ thay đổi luận tội, đề nghị giảm án cho cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị Toà chấp nhận đề nghị giảm án của VKSND
Giảm án với 3 bị cáo vì hậu quả vụ án được khắc phục hoàn toàn

Bảo An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.