Vấn nạn tội phạm “tín dụng đen” hoành hành

Phải chủ động bảo vệ dữ liệu thông tin và tài khoản cá nhân

Trước thực trạng tội phạm trong lĩnh vực “tín dụng đen” ngày càng hoạt động tinh vi trên cả không gian MXH và thực tiễn cuộc sống, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để cùng chung tay đẩy lùi loại hình tội phạm này.
Nhóm đối tượng trong một đường dây cho vay nặng lãi có quy mô lớn bị tạm giữ tại Hà Nội
Nhóm đối tượng trong một đường dây cho vay nặng lãi có quy mô lớn bị tạm giữ tại Hà Nội

Hành trình đẩy lùi “tín dụng đen''

Thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, CA TP HCM đã xây dựng kế hoạch, mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cụ thể, vào ngày 15/6, CA TP HCM cho biết, đã triệt phá đường dây cho hơn 1.000 người vay nặng lãi trên khắp địa bàn TP.

Theo đó, từ tháng 1/2022, qua công tác nắm địa bàn, Phòng CSHS, CA TP HCM đã phát hiện một băng nhóm với hàng chục đối tượng có hoạt động cho vay lãi nặng. Qua đó xác định đường dây này do đối tượng Trương Ngọc Tính, SN 1991, quê quán tỉnh Vĩnh Long, thường trú tại phường 9, quận 6 cầm đầu, hoạt động bằng hình thức phát tờ rơi, đăng quảng cáo trên các trang MXH nhắm đến nhóm người có thu nhập thấp như bán hàng rong, bán vé số, chạy xe ôm…

Thủ tục vay tiền rất đơn giản, người muốn vay chỉ cần chụp hình căn cước hoặc CMND và hộ khẩu; số tiền cho vay dưới 10 triệu đồng, lãi suất 30-40%/tháng. Nếu người vay không trả tiền đúng hạn hoặc bỏ trốn, các đối tượng sẽ in tờ rơi có nội dung xuyên tạc, khủng bố rải tại nơi làm việc, nơi ở của người vay và gia đình, bạn bè người vay tiền…

Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ và xác định địa điểm hoạt động phạm tội của băng nhóm trên, ngày 13/6/2022, Phòng CSHS đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ liên quan tiến hành khám xét, bắt 9 đối tượng, trong đó có đối tượng Trần Ngọc Tính; thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ có liên quan. Qua tài liệu thu giữ, xác định nạn nhân của đường dây trên lên đến hơn 1.000 người, trải khắp các quận, huyện trên địa bàn TP.

Ngày 3/6, Cơ quan CSĐT, CA TP Hà Nội đã khởi tố bị can đối với 26 đối tượng. Trong đó quyết định tạm giam 23 đối tượng, 3 đối tượng được cho tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú do đang nuôi con nhỏ.

Trước đó, qua nắm tình hình, Phòng CSHS-CA TP Hà Nội, phát hiện tình trạng cho vay lãi qua app, đòi nợ dưới nhiều hình thức như đe dọa, khủng bố tinh thần con nợ và người thân, bạn bè trong danh bạ của con nợ, khiến dư luận bức xúc.

Qua phối hợp với Cục CSHS-Bộ Công an, CA TP Hà Nội đã huy động trên 500 cán bộ, chiến sĩ tham gia, “xóa sổ” toàn bộ 7 cơ sở của đường dây này thuộc địa bàn Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

CQCA cũng đưa gần 300 đối tượng liên quan về trụ sở phân loại, điều tra, xác minh làm rõ. Toàn bộ số đối tượng được các đối tượng từ nước ngoài ủy quyền, giao việc và trả lương hàng tháng tại Việt Nam đều bị bắt giữ. Nhiều đối tượng người nước ngoài cầm đầu đường dây cũng bị bắt giữ.

Ngày 7/4, Phòng CSHS, CA TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp Thạch Anh Quân, tức “Quân trọc”, SN 1976, ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cùng em ruột là Thạch Thế Nghĩa, SN 1982 và các đối tượng: Lưu Tiến Huy, SN 1991, ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Phạm Văn Mạnh, SN 1998, ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội, để làm rõ hoạt động “tín dụng đen”.

Phòng CSHS xác định, từ năm 2010, Thạch Anh Quân cùng Thạch Thế Nghĩa và Thạch Quân Chính, SN 1979 và các đàn em trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình tổ chức cho vay với hình thức bốc bát họ "10 ăn 8" và vay lãi ngày từ 1.000 đồng - 10.000 đồng/triệu/ngày. Trước khi bị bắt giữ, nhóm của Thạch Anh Quân cho khoảng 100 khách vay với tổng số tiền vay khoảng 10 tỷ đồng.

Ngày 21/2, CA quận Hoàn Kiếm cho biết, đã triệt phá ổ nhóm hoạt động tín dụng “đen” gồm Nguyễn Đức Tú, SN 1991, ở quận Hoàng Mai, Nguyễn Duy Long, SN 1995, ở quận Đống Đa, Lê Quang Thưởng, SN 1994, ở huyện Phú Xuyên, Nguyễn Hoàng Tiến, SN 1998, ở huyện Phú Xuyên, Nguyễn Anh Tú, SN 1998, ở quận Đống Đa, Nguyễn Đăng Tiế, SN 1999, ở quận Ba Đình.

Qua điều tra, CA quận Hoàn Kiếm xác định ổ nhóm này do Nguyễn Đức Tú cầm đầu, bắt đầu hoạt động từ khoảng cuối năm 2020 tại nhà của Tú ở quận Hoàng Mai. Đến khoảng tháng 5/2021, Tú thuê một căn hộ chung cư để tiếp tục tổ chức cho vay nặng lãi.

Các đối tượng lên MXH hoặc thông qua các mối quan hệ sẵn có tìm kiếm những người có nhu cầu vay tiền. Khi khách có nhu cầu, Tú cho đàn em đến gặp khách, sau đó yêu cầu khách viết giấy vay tiền và cắt lãi ngay khi nhận tiền, đóng tiền cả gốc lẫn lãi theo ngày.

Bước đầu xác định các đối tượng đã cho hơn 100 "con nợ" vay dưới hình thức trên. CA quận Hoàn Kiếm đã thu giữ hơn 100 giấy vay tiền, sổ hộ khẩu, CMND, ĐTDĐ và các tang vật khác có liên quan đến vụ án.

Trước đó, CA quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng: Nguyễn Đức Tú, SN 1991, ở quận Hoàng Mai; Nguyễn Duy Long, SN 1995, ở quận Đống Đa và Lê Quang Thưởng, SN 1994, ở huyện Phú Xuyên, về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Đồng thời, CA quận Hoàn Kiếm đã làm rõ cầm đầu ổ nhóm “tín dụng đen” trên ngoài Tú, Long, Thưởng còn có các “đàn em” khác là: Nguyễn Hoàng Tiến; Nguyễn Anh Tú và Nguyễn Đăng Tiến.

Triển khai nhiều giải pháp

Trước thực trạng trên, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó GĐ CA TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, xuất hiện các đối tượng cho vay qua app và đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen”.

Người vay chỉ cần chụp ảnh CMND hoặc căn cước công dân và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2 đến 30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào. Sau đó, các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này…

Theo Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, CA quận Đống Đa-Trung tá Phan Anh Tú, tỷ lệ các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” gia tăng đã gây tâm lý hoang mang trong Nhân dân.

Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các ổ nhóm này rất tinh vi trong việc che giấu thông tin, dấu vết. Các đối tượng sử dụng hàng trăm số điện thoại sim rác để không lộ tẩy…

Không chỉ vậy, các đối tượng còn thường xuyên dùng thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân lao động vay tiền trực tiếp, qua app, MXH hoặc núp bóng DN với lãi suất cao bất thường. Qua công tác đấu tranh, có những vụ việc, lãi suất cho vay lên tới 90-100% mỗi tháng, thậm chí lên tới 700-1.000% mỗi tháng.

Để ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen”, cùng với tăng cường điều tra làm rõ, xử lý các đối tượng trước pháp luật, CA TP cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo CA các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền sở tại triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cùng chung tay đẩy lùi tội phạm…

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, CA TP đã giao nhiệm vụ cho CA địa bàn tập trung làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác.

Đồng thời chủ động bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản cá nhân, không chia sẻ hình ảnh căn cước công dân hoặc CMND trên MXH để phòng ngừa tội phạm “tín dụng đen” và các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, phát động phong trào quần chúng Nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm với CQCA hoặc chính quyền địa phương.

Tăng nặng hình phạt để ngăn chặn “tín dụng đen”
Mở rộng điều tra, bắt khẩn cấp thêm một đối tượng người nước ngoài
Người vay có phải trả tiền không khi các đường dây cho vay qua app bị triệt phá?
Hai thanh niên Hải Phòng ra Móng Cái “hành nghề” cho vay nặng lãi
Nhóm thanh niên từ Hải Phòng vào Huế "hành nghề" cho vay lãi nặng
Công ty tài chính tập trung đẩy lùi tín dụng đen tại các khu công nghiệp

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.