|
Hệ thống hỗ trợ những trường hợp rủi ro, gặp biến cố bị hạn chế rất nhiều |
Ở Việt Nam hiện nay, ngày càng có nhiều người dân từ nông thôn lên thành phố với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn, trong đó, có rất nhiều là lao động nữ. Lao động nữ di cư là lực lượng lao động tích cực trên thị trường, tham gia vào cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên họ cũng là nhóm dân số phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình làm việc và sinh sống tại nơi đến; là nhóm dân số chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương trong xã hội; nhưng mạng lưới an sinh xã hội từ trước đến nay chưa bao phủ nhiều đến họ, đặc biệt là nhóm đang làm ở khu vực kinh tế phi chính thức. Theo một báo cáo nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” do Cục Bảo trợ xã hội cùng AFV thực hiện, cho thấy di cư có xu hướng nữ hóa khi tỷ lệ nữ/tổng số người di cư từ 15- 59 tuổi là 52,4%. Báo cáo cho biết, có 34,3% gặp khó khăn về việc làm, 42,6% nữ lao động di cư gặp khó khăn về chỗ ở, và 97,9% lao động phi chính thức không có BHXH. Người di cư chủ yếu từ nông thôn (79,1% tổng số người di cư); 2/3 người di cư không có trình độ chuyên môn. Người di cư thường làm các công việc giản đơn, thu nhập bình quân thường rất thấp. Theo báo cáo, lao động nữ di cư có hiểu biết hạn chế về các quyền và thông tin an sinh xã hội về việc làm và thu nhập, BHXH, trợ giúp xã hội và dịch vụ xã hội cơ bản. Do hiểu biết hạn chế về quyền an sinh xã hội của mình nên nhiều lao động nữ di cư cũng không biết cách làm thế nào để tiếp cận các quyền an sinh xã hội hay tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ để tiếp cận các quyền đó tại nơi đến, khó khăn lớn nhất mà người di cư gặp phải ở nơi đến là chỗ ở. Họ cũng bất lợi hơn lao động địa phương khi chịu chi phí sinh họat cao hơn do chủ nhà trọ áp dụng giá điện, nước kinh doanh đối với người thuê… Thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài, nhưng lại có rất ít lao động phi chính thức được bao phủ bởi lưới an sinh. Điều này dẫn đến hệ thống hỗ trợ người lao động trong những trường hợp rủi ro, gặp biến cố trong quá trình lao động bị hạn chế rất nhiều. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức cao đồng nghĩa với việc thu nhập không cao và không ổn định, người lao động về già sẽ gặp khó khăn do không có lương hưu, không có BHXH do bị nhiều bệnh nền... Trong khi đó, lao động phi chính thức làm những công việc hợp pháp, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. |
"lọt lưới an sinh" |
Mặc dù đã vượt 1,42% mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, nhưng sau 15 năm thực hiện Luật BHXH (Luật số 71/2006/QH11, thực hiện BHXH tự nguyện từ 1/1/2008), số người tham gia BHXH tự nguyện còn rất khiêm tốn, ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh tuổi già của một bộ phận lớn dân cư sau này. Lý giải việc này, các chuyên gia cho rằng, số người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện còn thấp là do một phần chính sách chưa hấp dẫn, một nguyên nhân nữa là do nhận thức và điều kiện sống đã hạn chế khả năng tiếp cận. Thực tế, có những khoảng trống về pháp luật trong chính sách với lao động nữ. Thí dụ, nhiều chính sách an sinh xã hội chủ yếu quy định theo hộ khẩu thường trú, gây khó khăn cho lao động nữ di cư, khiến họ ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản. Theo đó, lao động nữ phi chính thức khó tiếp cận BHXH tự nguyện và BHYT. Cũng có ý kiến cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện hiện nay không hấp dẫn với lao động nữ di cư do. Trước đó, tại Luật BHXH 2014 người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất. |
“Hai chế độ rất được lao động nữ di cư quan tâm là thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp không có, nên họ không muốn tham gia. Ngoài ra, các chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên hay đột xuất, chưa có chính sách dành riêng cho người tạm trú ngắn hạn như lao động nữ di cư” - luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định. Cũng theo ông, một trong những khó khăn của lao động nữ khu vực phi chính thức đó là bảo hiểm y tế (BHYT). Theo quy định, muốn mua BHYT, người lao động cần có sổ đăng ký tạm trú và văn bản đồng ý của chủ nhà. Họ cũng chỉ có thể mua BHYT tự nguyện khi chủ nhà cũng mua. “Thực tế với những người lao động yếu thế, đôi khi những quy định tưởng chừng đơn giản này lại làm khó họ. Trong khi đó, theo họ, với những danh mục thanh toán BHYT hiện nay theo luật không thực sự hấp dẫn. Với tình hình thuốc thang, vật tư y tế thiếu xảy ra ở nhiều bệnh viện, việc tự bỏ tiền túi ra mua thuốc khi khám chữa bệnh càng làm những người lao động này không mặn mà…” – theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng. |
những chính sách mới nhằm mở rộng lưới an sinh |
Để tăng tỷ lệ người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH, Luật BHXH đã Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã có nhiều những chính sách thiết thực. Cụ thể, Luật BHXH 2024 đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trong bộ Luật, số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng cũng được giảm từ 20 năm xuống 15 năm. Một điểm mới nữa của Luật BHXH 2024 mà đây là chính sách sẽ kỳ vọng hút thêm được lao động phi chính thức là phụ nữ tham gia đóng BHXH. Đó là Luật BHXH đã bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. |
Theo đó, Luật BHXH quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ. Bên cạnh đó, trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi) cũng được kỳ vọng sẽ có những quy định mở rộng hơn, những chính sách này nhằm “cởi trói” và tăng thêm quyền lợi cho người tham gia và giải quyết căn cơ như hỗ trợ tạo việc làm cho một số nhóm lao động yếu thế, đặc thù… |
tạo điều kiện cho cả lao động trong việc tiếp cận chính sách ưu đãi tạo việc làm |
Trao đổi với phóng viên, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, trong các kỳ họp của Quốc hội vừa qua, nhiều vấn đề an sinh đã được Quốc hội bàn thảo, nhiều chính sách đã được đưa ra để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. “Các chính sách của Luật BHXH đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, như bổ sung chế độ thai sản, tử tuất, giảm điều kiện về số năm đóng BHXH… nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế. Những chính sách này sẽ tạo sức hấp dẫn với lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt là chị em phụ nữ” – theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) đang được lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội đều có những chính sách nhằm thu hút tầng lớp lao động, nhất là lớp người yếu thế tham gia BHYT tự nguyện – Giáo sư Nguyễn Anh Trí nhận định. Tuy nhiên, để thu hút lao động phi chính thức tham gia, cũng cần tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân tham gia bằng các nội dung, thông điệp truyền thông thể hiện rõ ý nghĩa, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Hoạt động này góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về các chính sách bảo hiểm, giúp người dân hiểu thêm về giá trị an sinh, nhân văn của chính sách. Bên cạnh đó cũng cần xem xét tăng mức hỗ trợ, để người lao động tự do có cơ hội tham gia BHXH nhiều hơn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong tương lai. Ngoài ra, tới đây, một giải pháp được cho là căn cơ nữa giải quyết vấn đề an sinh cho lao động phi chính thức, là dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 cũng có những quy định, chính sách nhằm hỗ trợ lớp lao động này. Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, sửa đổi Luật Việc làm lần này cần bổ sung các quy định mang tính khung, định hướng làm cơ sở thúc đẩy việc làm theo hướng bền vững đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm chuyển đổi việc làm hoặc có việc làm theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung vào một số quy định về lao động, việc làm như: hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ KNN quốc gia; hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện theo quy định của pháp luật về BHXH; hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm. |
Ngay tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, trình dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, sau Bộ luật Lao động thì Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm là hai luật nòng cốt làm xương sống cho việc phát triển thị trường lao động linh hoạt, đa dạng, bền vững và hội nhập. Để thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số điểm mới: Quy định chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm theo hướng tạo cơ hội tiếp cận cho mọi lao động có nhu cầu; Quy định chính sách hỗ trợ việc làm theo hướng chủ động, bao phủ cả nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động; Quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho một số nhóm lao động yếu thế, đặc thù. Theo đánh giá, các chính sách này sẽ tạo điều kiện cho cả lao động nam và nữ trong việc tiếp cận chính sách ưu đãi tạo việc làm, tiếp cận các chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là lao động nữ. Giải pháp này sẽ tăng cơ hội, điều kiện cho nhóm lao động đặc thù, yếu thế trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ việc làm… |
Kỳ 1: Những mảnh đời “3 không” nơi gầm cầu Long Biên | |
Kỳ 2: đi làm đến khi gục xuống chứ chẳng mong được hưởng lợi an sinh |