PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương chia sẻ, ngày 24/6/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, trong đó cho phép Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Tuy nhiên, với Hà Nội, hình thức này nên được thực hiện chính thức và quy định trong Luật (như Dự thảo), bởi lẽ: Nếu chỉ sử dụng ngân sách Nhà nước, các dự án đầu tư trong lĩnh vực này sẽ kéo dài thời gian và khó có thể có nhiều dự án lớn, trong khi nhu cầu của xã hội ngày một cao (cả về lượng và chất). Cho dù công trình đã hoàn thành nhưng việc quản lý, vận hành, duy trì vẫn đòi hỏi một nguồn lực không nhỏ, cả về nhân lực và tài lực. Trong khi đó, nếu có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân, của xã hội vào các dự án, công trình công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, thì việc đầu tư sẽ nhanh chóng hơn, triệt để hơn và có thể thực hiện được nhiều dự án hơn do có thêm nguồn kinh phí, việc vận hành, duy trì cũng sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Và kết quả là cả Nhà nước, tư nhân và người dân đều có lợi. |
Trong lĩnh vực văn hóa, hợp tác công – tư trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể là khó khăn, phức tạp nhất bởi phải đảm bảo tính nguyên gốc, toàn vẹn, an toàn của bản thân di sản và không gian cảnh quan xung quanh trong khi phải có các hình thức phát huy giá trị di sản hiệu quả mới có thể thu hút được tư nhân đầu tư. Thực tế cho thấy, mô hình hợp tác công - tư đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, triển khai và đem lại hiệu quả. Ở Việt Nam, một số di sản đã thưc hiện việc hợp tác này và lợi ích đem lại cho các bên là không thể phủ nhận, như: Khu di tích - danh thắng Yên Tử, quần thể di tích Cố đô Huế, quần thể danh thắng Tràng An, Khu Phong Nha – Kẻ Bàng... Hợp tác công tư trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản hiểu một cách căn bản là sự bắt tay đồng thuận của Nhà nước và doanh nghiệp để cùng nhau bảo vệ, đánh thức tiềm năng, thế mạnh của di sản, chứ không chỉ đơn thuần là huy động nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, nguồn lực văn hóa, xã hội, tài nguyên tự nhiên, kinh nghiệm quản trị, mà cao hơn là cùng nhau xây dựng chiến lược phát huy di sản gắn với bảo tồn một cách bền vững. Hoạt động này đặt bảo tồn Di sản là trung tâm, người dân trong khu Di sản là chủ thể, các doanh nghiệp là động lực để biến các giá trị thành giá cả, để di sản trở thành tài sản, hướng tới cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, có khả năng thích ứng. Bằng mô hình hợp tác công - tư, chúng ta có khả năng thu hút các nguồn lực, năng lực sáng tạo, chủ động của khu vực tư nhân, sự tham gia của các cộng đồng dân cư trong tạo lập, cải thiện kinh tế gắn với bảo tồn các giá trị di sản. |
Về tên gọi, chỉ nên đặt tên ngắn gọn là Quỹ văn hóa Thủ đô, bởi lẽ, chữ “văn hóa” ở đây được hiểu là lĩnh vực văn hóa, bao gồm các hoạt động: bảo vệ di sản văn hóa, phát huy giá trị di sản văn hóa, sáng tạo văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tái thiết khu nội đô và các hoạt động khác thuộc về văn hóa. Về sự cần thiết và khả thi của việc thành lập Quỹ, với mục đích thu hút các nguồn lực xã hội cùng tham gia, hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa đã được triển khai từ khá lâu và đem lại những kết quả đáng kể. Có lẽ không ai trong chúng ta có thể phủ định được hiệu quả mà xã hội hóa đem lại trong lĩnh vực văn hóa; nhưng để hiện thực hóa và đơn giản hóa hoạt động xã hội hóa này, đó là việc thành lập Quỹ văn hóa Thủ đô. Chỉ nói riêng trong lĩnh vực di sản, Hà Nội có 5922 di tích, 1793 di sản văn hóa phi vật thể. Những di sản cần được nghiên cứu, bảo quản, tu bổ, tôn tạo... hàng năm mà nếu thực hiện, sẽ tốn một số lượng kinh phí khổng lồ. Vậy nếu bao gồm các hoạt động văn hóa khác, chắc chắn ngân sách sẽ không thể gánh nổi. Chúng ta đã bàn đến hợp tác công – tư và chắc chắn sẽ có thêm nguồn kinh phí từ các cá nhân, doanh nghiệp; tuy nhiên, tư nhân sẽ chỉ cơ bản hợp tác đối với những dự án có khả năng khai thác hặc có lợi về kinh tế, còn lại phần lớn vẫn sẽ trông chờ kinh phí từ Nhà nước, nếu không có thêm những nguồn khác. Trong trường hợp ấy, Quỹ văn hóa Thủ đô sẽ góp phần bổ sung một phần đáng kể, nếu chúng ta có nguyên tắc thành lập phù hợp, cơ chế huy động, quản lý và vận hành tốt, bởi lúc đó sẽ huy động được nguồn lực từ mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài Thủ đô, trong nước và nước ngoài. |
Việc thành lập quỹ không phải chưa từng có tiền lệ: Ngày 20/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm bổ sung nguồn lực cho hoạt động trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Một quỹ nước ngoài mà nhiều người trong chúng ta đều biết đến, đó là Quỹ Bảo tồn văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã hỗ trợ Việt Nam trong suốt 20 năm qua, với 16 dự án bảo tồn di sản văn hóa được thực hiện. Ngoài ngân sách Nhà nước, nếu có những khoản hỗ trợ khác để chi cho các hoạt động văn hóa thì chắc chắn kết quả thu được sẽ tốt hơn, như: Các di sản văn hóa được bảo vệ tốt hơn bởi cả kinh phí và thời gian thực hiện ngắn hơn, việc sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được khuyến khích và tạo cảm hứng, các tổ chức văn hóa nghệ thuật có cơ hội thực hiện những dự án nghệ thuật mới, các nghệ sĩ được hỗ trợ trong việc hình thành và phát triển những ý tưởng sáng tạo mới, tiền đề cho sự phát triển và thúc đẩy sự phong phú, đa dạng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và nâng cao chất lượng, giá trị của các tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, trong những trường hợp cần thiết, nguồn tài chính từ Quỹ có thể giúp chúng ta có cơ hội sở hữu các tài sản văn hóa, nhất là những tài sản văn hóa lưu lạc ở nước ngoài. Những quy định về thành lập, cơ chế tài chính, tổ chức và hoạt động của Quỹ được nêu tại Khoản 2, Điều 43 Dự thảo Luật là phù hợp và khả thi. |
(Còn nữa)
Bài 2: Huy động trí tuệ Nhân dân với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) |
Bài 1: Sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô? Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Sau gần 10 năm đi vào đời ... |
Thanh Tuấn