e magazine
08:06 | 04/08/2023
Bài 4: Những điểm sáng

08:06 | 04/08/2023

Nếu nhắc đến điểm sáng trong việc chuyển đổi để tăng tính hấp dẫn, biến mình thành điểm đến không thể thiếu của du khách, đứng đầu tiên ở danh sách không thể không nhắc tới Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Thời gian gần đây, di tích Nhà tù Hỏa Lò được sự ủng hộ và quan tâm của nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ tìm đến với di tích với mong muốn được tìm hiểu lịch sử và “sống lại” với quá khứ vẻ vang của dân tộc.
Bài 4: Những điểm sáng
Bài 4: Những điểm sáng

Đại diện Ban quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò cho biết: “Số lượng du khách đăng ký tham quan đông đến mức các tour lúc nào cũng đông nghịt. Mỗi ngày di tích đón trung bình hơn 2000 lượt khách cả trong nước và quốc tế”. Lý giải về sức hút mới, lạ của di tích Nhà tù Hỏa lò, Ban quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò cho hay, từng số của tour du lịch “Đêm Thiêng liêng” được xây dựng từ những câu chuyện ý nghĩa và tái hiện lại những khoảnh khắc lịch sử đắt giá tại chính “địa ngục trần gian”. Nên kể từ khi ra mắt “Đêm Thiêng liêng” đã trở thành một sự kiện, một sản phẩm du lịch mới được mong chờ đối với nhiều du khách.

“Đêm Thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” là câu chuyện về những người phụ nữ yêu nước, các nữ chiến sỹ cách mạng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò trong giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1954. Chương trình đã tái hiện hình ảnh những người phụ nữ yêu nước âm thầm nuốt nước mắt khi tiễn chồng con ra trận; lại sẵn sàng cầm vũ khí chiến đấu khi Tổ quốc cần.

“Lửa thanh xuân” là trang sách thứ 3 của hành trình “Đêm Thiêng liêng”, ra mắt từ 14/2/2023, kết hợp giữa tham quan di tích với nhiều hoạt cảnh tái hiện chân thực: hoạt cảnh về đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn hiên ngang đón nhận cái chết bởi máy chém trước cổng chính Nhà tù Hoả Lò, năm 1931; cuộc đấu tranh tuyệt thực năm 1933; Cuộc gặp gỡ cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và mẹ…

Không đơn thuần là một sản phẩm du lịch, “Đêm Thiêng liêng” là lời tri ân đối với những đóng góp, sự hy sinh to lớn của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng trẻ tuổi, từng bị thực dân Pháp bắt giam trong Nhà tù Hỏa Lò.

Bài 4: Những điểm sáng

Cho tới thời điểm này, tour tham quan này vẫn luôn thu hút các bạn trẻ, người lớn tuổi và các gia đình xếp hàng đặt vé. Sự đầu tư cả về phần nghe lẫn phần nhìn đem đến cho khách tham quan những trải nghiệm khó quên. Những cảm xúc khi ấy được gói gọn trong những câu từ được ghi trên trang phản hồi.

Những câu chuyện, sự kiện hay nhân vật lịch sử được đội ngũ truyền thông của di tích sáng tạo bằng nhiều hình thức thể hiện, vừa mang tính thời sự, lại bắt kịp xu hướng đang thịnh hành trên mạng xã hội. Điển hình có thể kể đến việc lồng ghép hóm hỉnh câu đố, lời bài hát, hình ảnh minh hoạ… với thông tin gắn liền với lịch sử tưởng chừng vô cùng khô khan.

Đến nay, trang chủ “Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic” đã thu hút hơn 268.000 người theo dõi, nhận được hàng ngàn lượt yêu thích, tương tác và chia sẻ mỗi ngày. Ngoài Facebook, Ban quản lý của di tích còn chú trọng phát triển nội dung trên các nền tảng mạng xã hội khác như Instagram, Spotify… bằng những “chuyến du hành thời gian”.

Bài 4: Những điểm sáng

Còn tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, TS. Bùi Thị Thu Phương cho biết, ở nước ta, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Mục tiêu của công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống…, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước.

Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 1/8/2010 trên 3 tiêu chí nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực; và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, sinh động.

Hoàng thành Thăng Long có diện tích quy hoạch bảo tồn vùng lõi là 18,395ha (bao gồm Khu di tích thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) và diện tích vùng đệm là 108ha. Đây là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội, bắt đầu từ thời kỳ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là những dấu tích các công trình kiến trúc đồ sộ đã phát lộ qua khai quật khảo cổ học tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Một số di tích đang hiện hữu trên mặt đất như: Cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc.

Đến nay sau 12 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (2010- 2021), Hoàng thành Thăng Long đã thực hiện đầy đủ các công tác về di sản thế giới, như quy hoạch, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ gồm 8 điểm với Ủy ban Di sản Thế giới… Những kết quả thực hiện đó làm tiền đề cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long trong những năm qua và những năm tiếp theo.

Bài 4: Những điểm sáng

Với mục tiêu đưa Di sản trở thành một điểm đến hấp dẫn và quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam cũng như trong tuyến du lịch tại Hà Nội, Trung tâm xác định ngoài việc đưa ra các hoạt động về quản lý, bảo tồn, tôn tạo, còn đề ra các kế hoạch phát huy giá trị của khu Di sản nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc; đưa di sản trở thành điểm tham quan, học tập, nghiên cứu và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau; tổ chức không gian sáng tạo tại khu di sản góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của khu vực và trên thế giới.

Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các cơ quan báo chí để kết nối, giới thiệu, quảng bá và hợp tác, phát triển du lịch Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa. Việc quảng bá di sản đã được lồng ghép trong chiến lược phát triển du lịch Hà Nội với việc tham gia vào các sự kiện du lịch của Hà Nội.

Tổ chức các sự kiện thường niên (gắn với kết quả nghiên cứu giá trị văn hóa phi vật thể) tạo thành hoạt động, sự kiện mang thương hiệu để công chúng biết và tham dự như: lễ Khai xuân dịp Tết Nguyên Đán, lễ hội Trung thu, lễ hội Đoan Ngọ…

Đẩy mạnh chương trình “Giáo dục di sản” tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long (do Trung tâm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện) tạo sân chơi hấp dẫn để các cháu học sinh, sinh viên được thực hành, trải nghiệm và tìm hiểu lịch sử.

Phát triển kinh tế đêm bằng sản phẩm Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” và các hoạt động phục trợ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách tham quan trong nước cũng như khách quốc tế lưu trú tại Thủ đô.

Các cuộc trưng bày triển lãm không chỉ góp phần minh chứng quy mô lớn rộng, sự phong phú, đa dạng của khu di sản Hoàng thành Thăng Long mà còn phục vụ hiệu quả, thiết thực cho công tác tuyên truyền quảng bá giá trị di sản, đáp ứng nhu cầu tham quan và hưởng thụ văn hóa của đông đảo công chúng trong nước và quốc tế. Đổi mới phương pháp và hình thức thể hiện trưng bày triển lãm về mặt đồ họa, phương pháp diễn giải, kỹ thuật viết text, ánh sáng và bố trí không gian tuyến tham quan. Nhiều công nghệ mới được phát triển và triển khai trên môi trường web như: Thực tại ảo (virtual reality), trình diễn và tương tác theo mô hình 3D, trình diễn 360 độ, video độ nét cao, flash, trò chơi tương tác, trưng bày online (thông qua website http//: trungbayonline. hoangthanhthanglong.vn), áp dụng mã QR CODE thông qua một phần mềm tương thích để bổ sung, giới thiệu thêm những thông tin đối với các hiện vật tiêu biểu tại di tích và các khu trưng bày của khu di sản…

Nỗ lực không ngừng để thu hút khách tham quan, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng nhiều tour du lịch phù hợp với những đối tượng khác nhau giúp du khách khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc một cách sâu sắc nhất. Nếu tour tham quan di sản tổng thể Hoàng thành Thăng Long mang đến cho du khách cái nhìn đa chiều về di tích; thì tour tâm linh về nguồn lại đưa du khách đến tham quan thềm điện Kính Thiên dâng hương tưởng nhớ 52 vị tiên đế các triều đại phong kiến Việt Nam. Các em học sinh được tham gia chương trình Giáo dục di sản với hai chương trình chính “Em làm nhà khảo cổ” “Em tìm hiểu di sản”. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, một sản phẩm du lịch mới thu hút được khá đông du khách là tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”.

Để làm phong phú thêm các hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội thường niên các dịp lễ, Tết như: Lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế vào đầu Xuân, các dịp húy nhật các Vua, lễ trồng cây nêu và thả cá chép vào dịp Tết ông Công ông Táo; các chương trình Tết Việt, Tết Đoan Ngọ xưa và nay, Vui tết Trung thu...

Bài 4: Những điểm sáng

TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, những chủ trương của Đảng, Nhà nước và Hà Nội đang đặt ra những yêu cầu mới, đồng thời là động lực mạnh mẽ đối với các đơn vị hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, trong đó có Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám để chủ động, tích cực đổi mới, tìm ra những giải pháp phù hợp đáp ứng được những đòi hỏi có tính chất cấp thiết và lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô nói chung, của công tác quản lý, khai thác phát huy giá trị của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng.

Là một trung tâm hoạt động văn hóa của Thủ đô Hà Nội, nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học được tổ chức tại đây để phát huy giá trị của di tích. Là nơi gắn với giá trị hiếu học, tôn sư trọng đạo tôn trọng nhân tài, hàng năm Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hàng nghìn các đoàn học sinh, sinh viên của các trường trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương khác đến tham quan, làm lễ dâng hương. Hoạt động khuyến học tại di tích ngày càng đi vào nề nếp, đặc biệt là thành công bước đầu của chương trình giáo dục di sản, giúp các em học sinh, sinh viên nhận thức được những giá trị tốt đẹp của Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng, của truyền thống văn hóa dân tộc nói chung, từ đó hình thành nên thái độ đúng đắn, lòng yêu mến di sản văn hóa dân tộc, động lực mạnh mẽ để cho thế hệ trẻ sáng tạo, đồng hành trong kỷ nguyên của hội nhập và toàn cầu hóa.

Bài 4: Những điểm sáng

Các cuộc triển lãm, trưng bày được tổ chức thường xuyên giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn những giá trị của di tích. Các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác về Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tổ chức tại Hà Nội và nhiều địa phương khác thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà trường, các thầy cô giáo và học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở.

Hiện nay, Trung tâm đang tích cực triển khai theo hướng đưa di tích trở thành không gian sáng tạo với các nội dung: Không gian tạo cảm xúc cho sáng tạo, không gian tổ chức các hoạt động sáng tạo, không gian trưng bày các sản phẩm sáng tạo, cụ thể là: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nơi lưu giữ nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, nhiều hiện vật quý, các giá trị văn hóa phi vật thể trở thành nguồn cảm hứng sáng tác đối với các học sinh, sinh viên; đối với giới những người sáng tạo trong việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, những sản phẩm lưu niệm đặc trưng của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

(Còn nữa)

Bài 4: Những điểm sáng
Bài 1: Một trong 10 thành phố giàu bản sắc văn hóa Bài 1: Một trong 10 thành phố giàu bản sắc văn hóa

Quãng thời gian 15 năm sau dấu mốc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1/8/2008 - 1/8/2023) theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 là ...

Bài 2: Phát triển du lịch không thể tách rời hệ thống di sản văn hóa tiêu biểu Bài 2: Phát triển du lịch không thể tách rời hệ thống di sản văn hóa tiêu biểu

Ngày nay, Hà Nội có hệ thống di sản văn hoá vô cùng phong phú, nhiều loại hình, mang đậm bản sắc văn hoá của ...

Bài 3: Vẫn chưa tận dụng được hết sức mạnh của văn hóa Tràng An và xứ Đoài mây trắng Bài 3: Vẫn chưa tận dụng được hết sức mạnh của văn hóa Tràng An và xứ Đoài mây trắng

Theo ThS. Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng ban, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, với những giá trị ...

Bài: Thái Phương

Ảnh: Khánh Huy

Thiết kế: Thanh Tuấn