Nhắc tới quận Hoàn Kiếm, không thể không nhắc tới khu phố cổ Hà Nội hay còn gọi là khu “36 phố phường”, nơi đã và đang chứa đựng một kho tàng giá trị di sản văn hóa vật thể với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am,… cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn (các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trên phố của người dân; ẩm thực; các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian; những lễ hội truyền thống như lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, lễ hội Kim hoàn,…). Với những giá trị di sản còn hiện hữu, khu phố cổ Hà Nội thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Chính vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như các nhà khoa học và của cả cộng đồng. Về góc độ quản lý, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu Phố cổ Hà Nội nhằm mục đích bảo tồn, tôn tạo và khai thác phát huy các giá trị của di tích lịch sử Quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của khu phố cổ Hà Nội. Quy chế này là cơ sở để các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện công tác quản lý quy hoạch, thiết kế đô thị, cấp phép xây dựng, cải tạo chỉnh trang theo đúng các quy định pháp luật hiện hành. Quận Hoàn Kiếm không chỉ có khu phố cổ Hà Nội là di sản cấp quốc gia, mà còn có khu vực mang đặc trưng kiến trúc kiểu Pháp mà chúng ta hay gọi là khu phố cũ. Khu phố cũ có một vị trí chiến lược trong thành phố Hà Nội, bởi đó là không gian kết nối giữa nhiều khu khác nhau với những nét đặc trưng riêng. Cấu trúc ô phố bàn cờ rộng, mật độ không gian xanh cao, những con đường rợp bóng cây, những ngôi biệt thự xinh xắn đã tạo nên nét rất riêng cho khu phố cũ ở Hà Nội. Các nhà quy hoạch người Pháp thời kỳ đầu thế kỷ XX đã khéo léo kết hợp kiến trúc phương Tây với những điều kiện khí hậu bản địa để tạo nên một không gian đô thị độc đáo, từ đó tạo cho Hà Nội một bản sắc duy nhất mà không đô thị nào khác ở khu vực Đông Nam Á có được. |
Diện mạo khu phố cũ bị tác động bởi thời gian, khí hậu, thời tiết, do quá trình đô thị hóa, sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số… Nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Thành ủy, HĐND, UBND TP rất quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản của không gian phố cũ này bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể như: Quyết định số 24/2015/QĐ-UBND ngày 13/8/2015 của UBND TP Hà Nội ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội; Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Quận Hoàn Kiếm cũng đã ban hành các Chương trình số 03-CTr/QU ngày 6/8/2021 của quận ủy Hoàn Kiếm về “Tạo sự chuyển biến mạnh và bền vững về quản lý đô thị; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đô thị quận Hoàn Kiếm hiện đại, văn minh, tiến tới đô thị thông minh”; Chương trình số 04-CTr/QU ngày 6/8/2021 của quận ủy Hoàn Kiếm về “Cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị quận Hoàn Kiếm”. Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã thực hiện dự án thí điểm cải tạo đoạn phố Tạ Hiện với kiến trúc Việt Nam và Pháp vào năm 2010, dự án cải tạo 40 phố Lãn Ông với hai khối nhà Pháp năm 2014. Đồng thời, trong thời gian từ năm 2019 đến nay, Ban quản lý tập trung nguồn lực, nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc Pháp như trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm (số 2 phố Tràng Thi), trụ sở Công an phường Cửa Đông (số 18 phố Nguyễn Quang Bích), trường Mầm non 1-6 (số 23 Nguyễn Quang Bích), trường Trung học cơ sở Trưng Vương (26 Hàng Bài),... Các công trình này đều mang nét đặc trưng kiến trúc Pháp là được sơn bằng vôi màu vàng nhạt với cửa gỗ màu xanh với lối kiến trúc khá cầu kỳ, mang tính mỹ thuật cao, có đỉnh mái vươn cao hoặc nhô lên vừa phải và có hoa văn viền quanh, lan can được trang trí khá đơn giản kiểu con tiện và được đắp các hình nổi phía trên bằng vữa hoặc xi măng tạo thành những hình nổi tạo hiệu quả thẩm mỹ cao. Các dự án hoàn thành đã đem lại diện mạo mới cho những công trình mang dấu ấn kiến trúc của một thời, qua đó để giới thiệu, quảng bá giá trị di sản của Hà Nội đến Nhân dân. Hiện nay, Ban quản lý đang tiếp tục tiến hành cải tạo kiến trúc, cảnh quan phố Tràng Tiền và triển khai dự án trùng tu biệt thự mẫu tại số 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài. |
Cùng với đó, các không gian đi bộ trong thời gian qua tại quận Hoàn Kiếm đã làm gia tăng cơ hội phát triển thương mại và du lịch. Kinh tế dân sinh tăng, tăng thu ngân sách, địa phương có nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cao đời sống xã hội, đồng thời với khai thác lợi thế của khu đô thị di sản là giải pháp tích cực và bền vững để bảo vệ tốt hơn những di sản cảnh quan kiến trúc, thiên nhiên, lịch sử của quận Hoàn Kiếm. Tất cả các hoạt động kể trên vừa giúp lưu giữ các giá trị vật thể, phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội, vừa góp phần phát triển kinh tế, xã hội, ổn định cho nguồn thu ngân sách quận. Tuy nhiên, các dự án cải tạo khu phố cũ không chỉ đòi hỏi kinh phí triển khai lớn, mà còn cần thời gian vài năm để hoàn thành nghiên cứu, xây dựng nội dung. Vì thế Ths Trần Thị Thúy Lan cho rằng, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cần có định hướng đối với khu vực nội đô lịch sử, đặc biệt là khu phố cổ cần cải tạo chỉnh trang để gìn giữ phát huy các giá trị đô thị lịch sử, bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực; không phát triển công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú; bảo tồn đặc trưng, cấu trúc đô thị cũ và bảo vệ phát huy giá trị cảnh quan các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa - lịch sử - tôn giáo, kiến trúc đặc trưng qua các thời kỳ phát triển xây dựng Thủ đô. Các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tôn giáo tín ngưỡng có giá trị cần tiếp tục được khoanh vùng bảo vệ và có quy định kiểm soát chặt chẽ đối với các hoạt động bảo tồn, xây dựng hoặc các hoạt động khác có liên quan. |
Theo ThS. Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, vùng đất Đường Lâm là dấu tích minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển của một làng Việt cổ với các di tích khảo cổ lịch sử từ thời tiền sơ sử đến lịch sử. Cho đến ngày nay, làng cổ Đường Lâm là nơi hội tụ những đặc điểm tiêu biểu của nền văn hóa đồng bằng Bắc bộ và châu thổ sông Hồng, với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, được biết đến với những cái tên rất thuần việt, như: “Làng Việt cổ”, “Làng cổ đá ong”... Đây là một quần thể di tích có mật độ dày đặc, với 50 di tích có giá trị, trong đó nhiều di tích đã được nhà nước xếp hạng (gồm 7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh), ngoài ra còn lưu giữ được gần 100 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng bắc bộ; 5 thôn trong khu vực di tích làng cổ có gần 1.500 hộ dân, với hơn Hiện nay, lượng khách du lịch đến Đường Lâm khá đông và đa dạng, ngoài các đoàn khách nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử... thì hàng năm rất đông khách trong nước và quốc tế tham quan tìm hiểu văn hóa vùng miền, trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống, trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp địa phương... Xác định phát triển du lịch là mục tiêu mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, do đó trong những năm qua, thị xã Sơn Tây đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm như: Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 5/7/2018 thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch thị xã Sơn Tây; Thông báo số 405/TB- UBND ngày 3/8/2018 phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo phát triển du lịch thị xã Sơn Tây và Kế hoạch 341/KH-UBND ngày 6/8/2018 phát triển du lịch thị xã Sơn Tây giai đoạn 2018-2020. |
Ngoài ra, phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch Hà Nội và các công ty lữ hành tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân tại làng cổ về cách làm các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, triển khai mô hình dịch vụ, du lịch homestay tới các gia đình có nhà cổ, bước đầu đã có nhiều hộ triển khai dịch vụ du lịch, có thu nhập ổn định (tính đến tháng 10/2022 đã có trên 200 hộ dân tại khu vực 5 thôn của di tích làm dịch vụ du lịch và tham gia tạo các sản phẩm phục vụ khách du lịch, tăng 113 hộ so với năm 2015). Công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về giá trị của các di tích được triển khai thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; đồng thời duy trì tốt mối quan hệ hợp tác với Tổ chức Hợp tác quốc tế JICA (Nhật Bản); Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế vùng Ile-de-france Cộng hòa Pháp để tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế trong việc thông tin quảng bá về di tích làng cổ đến với bạn bè quốc tế cũng như giúp đỡ tư vấn về kỹ thuật trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Nhằm tạo thuận lợi cho du khách dễ dàng tiếp cận với những nét văn hóa đặc trưng của Sơn Tây-Xứ Đoài, thị xã Sơn Tây đã thực hiện triển khai lắp đặt hệ thống Wifi miễn phí tại các điểm du lịch trên địa bàn như: làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây. Tháng 9/2019, di tích làng cổ ở Đường Lâm đã được UBND TP công nhận là điểm du lịch cấp TP và trong tháng 11/2019, UBND Thị xã đã tổ chức lễ đón nhận và công bố quyết định điểm du lịch đồng thời khai trương đi vào hoạt động Website về du lịch Sơn Tây, sự kiện đã thu hút đông đảo Nhân dân và du khách trong và ngoài nước tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm vẫn còn những hạn chế chưa được khắc phục: Công tác xây dựng kế hoạch để thực hiện các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm chưa được triển khai đồng đều ở các lĩnh vực, một số lĩnh vực chưa có kế hoạch triển khai hoặc đã được triển khai tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu: như công tác phát huy giá trị di tích, phát triển các ngành nghề phù hợp với di tích để phát triển du lịch,… Công tác phân tích, dự báo để xây dựng các chỉ tiêu, kế hoạch triển khai thực hiện chính sách còn chưa bám sát được thực tế, chưa lường trước được hết những khó khăn, diễn biến phức tạp của quá trình thực hiện chính sách dẫn đến đề ra chỉ tiêu, giải pháp chưa phù hợp, sát với thực tiễn. |
Đa số người dân tại di tích chưa được thụ hưởng và có lợi ích kinh tế từ phát triển du lịch dẫn tới gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, chưa khuyến khích được ý thức tự bảo tồn và phát huy giá trị di tích của người dân. Lượng khách du lịch đến với di tích còn hạn chế, việc kết nối các tour du lịch chưa đồng bộ, manh mún, tự phát; hạ tầng du lịch như bãi đỗ xe, khu nhà đón tiếp, trưng bày giới thiệu, hệ thống biển bảng còn thiếu, các sản phẩm du lịch dịch vụ còn ít và nghèo nàn; môi trường văn hóa, việc ứng xử giữa người dân với khách du lịch còn chưa chuyên nghiệp… Việc phối hợp các điểm du lịch trên các địa bàn lân cận để xây dựng các tour tuyến tham quan tại làng cổ gắn với các di tích trên địa bàn thị xã và các vùng phụ cận còn hạn chế, chưa đa dạng. Trong công tác bảo tồn di tích làng cổ ở Đường Lâm vẫn còn nhiều hạn chế, chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát triển di tích. Còn tình trạng các hộ dân trong khu vực di tích do khó khăn về chỗ ở khi xây dựng đã vi phạm các quy định về khoảng lùi, chiều cao theo quy hoạch được duyệt, một số bất cập trong việc thực hiện quản lý chưa được kịp thời điều chỉnh. |
Việc thực hiện các Dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo, dân sinh tại di tích làng cổ Đường Lâm theo Đề án 4142/QĐ-UBND của UBND TP bước đầu đã đáp ứng nhu cầu bảo tồn của di tích làng cổ ở Đường Lâm, tuy nhiên việc thực hiện này mới dừng lại ở giai đoạn 2016 - 2020 chưa có cho các giai đoạn sau, nên thiếu tính liên tục, các nhu cầu bảo tồn di tích phát sinh trong quá trình quản lý không được giải quyết kịp thời. Công tác thực hiện triển khai đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hộ gắn với phát triển sản xuất tạo ra các sản phẩm đặc trưng phục vụ khách du lịch tại di tích được triển khai nhưng tiến độ chậm, các ngành nghề được triển khai cho người dân chưa đi vào thực tế, chưa tạo thành một sản phẩm hàng hóa đặc sắc để phục vụ du lịch. Việc nghiên cứu, đề xuất chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư tham gia vào những hoạt động du lịch, dịch vụ còn hạn chế. |
(Còn nữa)
Bài 1: Một trong 10 thành phố giàu bản sắc văn hóa | |
Bài 2: Phát triển du lịch không thể tách rời hệ thống di sản văn hóa tiêu biểu |
Bài: Thái Phương
Ảnh: Khánh Huy
Thiết kế: Thanh Tuấn