Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo kết luận

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản thông báo kết luận tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh, tại phiên họp thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/3/2024.           Ảnh: Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tại phiên họp thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/3/2024. Ảnh: Quốc hội

Đánh giá cao công tác phối hợp giữa các cơ quan

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác phối hợp giữa cơ quan chủ trì thẩm tra (Ủy ban Pháp luật), cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp) và cấp ủy, chính quyền TP Hà Nội trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Hồ sơ dự thảo Luật được các cơ quan chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với bố cục của dự thảo Luật và nhiều nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số nội dung.

Cụ thể, tiếp tục rà soát các quy định về nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô; về tổ chức chính quyền; về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có sử dụng ngân sách TP và ngân sách Trung ương; liên kết, phát triển vùng; các quy định về điều khoản thi hành,... bảo đảm chặt chẽ, khả thi, đặt trong tổng thể chung của hệ thống pháp luật; các nội dung phân quyền cho chính quyền TP Hà Nội bảo đảm cụ thể, rõ về quy trình, thủ tục thực hiện. Thống nhất quy định trong dự thảo Luật Thủ đô theo hướng quyền sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất trên địa bàn TP Hà Nội là có giới hạn và giao Chính phủ quy định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm trên địa bàn TP.

Tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, bô sung đánh giá tác động đối với một số nội dung như: việc thực hiện hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, về thẩm quyền của Ban quản lý khu công nghệ cao.

Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cơ sở để bổ sung quy định cho phép chính quyền TP Hà Nội được quy định và tổ chức thực hiện tại TP Hà Nội các tiêu chuẩn, yêu cầu cao hơn so với tiêu chuẩn chung do các cơ quan Trung ương ban hành về chất lượng môi trường, về trật tự giao thông, an toàn xã hội; bổ sung quy định về tăng nguồn thu và cơ chế, chính sách đặc thù khác để TP có thể giải quyết một cách căn bản những bất cập, hạn chế hiện nay về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, tình trạng úng ngập, ùn tắc giao thông đô thị,...

Chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật để báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, gửi lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm tiến độ, chất lượng trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024); đồng thời tham mưu Đảng đoàn Quốc hội các nội dung cần báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp chủ động thông tin, tham khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật, nhất là các nội dung được chỉnh lý khác với nội dung Chính phủ đã trình tại Kỳ họp thứ 6. Sau khi dự thảo Luật được tiếp thu, hoàn chỉnh một bước nữa trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi văn bản lấy ý kiến chính thức của Chính phủ trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7. Đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo Thường trực HĐND, UBND và các cơ quan của chính quyền TP Hà Nội tham gia phối hợp chặt chẽ, tích cực với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; cung cấp thông tin, số liệu, cơ sở khoa học và thực tiễn, đánh giá tác động,... để làm cơ sở cho việc đề xuất phương án tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật thuyết phục, khả thi, bảo đảm chất lượng hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): dự thảo có sự thay đổi đáng kể
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): phát triển y tế, chính sách an sinh xã hội
Cần có cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.