Trừ điểm giấy phép lái xe: quản lý quá trình chấp hành luật thay vì quản lý hành vi đơn lẻ

Bộ Công an đang lấy ý kiến về đề xuất quy định điểm và trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) đối với tài xế có hành vi vi phạm trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Lực lượng chức năng điều tiết giao thông ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội.   	Ảnh: Khánh Huy
Lực lượng chức năng điều tiết giao thông ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Đồng thuận trừ điểm giấy phép lái xe

Theo dự thảo báo cáo Quốc hội của Bộ Công an giải trình một số nội dung của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc trừ điểm GPLX sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Trước đó, khi đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật không quy định về nội dung trên. Tuy nhiên, qua ý kiến đóng góp của một số đại biểu, cơ quan soạn thảo nhận thấy việc đưa quy định điểm, trừ điểm GPLX vào dự Luật là cần thiết.

Bộ Công an cho biết, điểm sẽ được gán cho GPLX, dự kiến mỗi người có 12 điểm/năm. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết. GPLX được phục hồi đủ 12 điểm trong trường hợp chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ lần bị trừ điểm gần nhất.

Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm, người được cấp GPLX phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Nếu có kết quả đạt yêu cầu, lái xe mới được phục hồi đủ 12 điểm trong bằng lái. Theo đề xuất của Chính phủ, GPLX mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của GPLX trước đó.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm GPLX. Quy định trình tự, thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm GPLX, được giao cho Chính phủ. Lý giải về đề xuất này, Bộ Công an nêu, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông hiện nay còn kém, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét. Cùng với đó, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế. Một số công đoạn của việc đào tạo, sát hạch còn hình thức, dễ dãi.

Ngoài ra, Bộ Công an cho hay, qua nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... đều có quy định trừ điểm GPLX đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao… Từ đó, Bộ Công an cho rằng trừ điểm GPLX sẽ là một biện pháp quản lý Nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay.

Đồng thời, quy định này sẽ góp phần quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm và tái phạm.

Vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục

Cơ quan thẩm tra luật là Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng cho rằng quy định trừ điểm GPLX là cần thiết. Cơ quan thẩm tra nhìn nhận việc trừ điểm GPLX là một biện pháp quản lý Nhà nước văn minh, hiện đại để quản lý quá trình chấp hành luật của lái xe thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ. Theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh, khi bị tước GPLX, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân.

Ngoài ra, việc tước GPLX đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, tồn đọng nhiều GPLX tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý, nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe. Trong khi đó, với quy định trừ điểm, nếu GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống.

Qua đó, bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới, quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm tái phạm. Từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, đề xuất này là giải pháp giáo dục hữu hiệu đối với tài xế, khắc phục được những nhược điểm của biện pháp xử phạt bấm lỗ, thu giữ bằng lái trước đây. Tuy nhiên, cần cân nhắc cách thức tính điểm, trừ điểm cho phù hợp với tình hình thực tế. Việc tính điểm trên GPLX và mức độ điểm phải có hội đồng khách quan và hiểu biết để đánh giá chứ không nên đưa ra quyết định mang tính chất võ đoán.

Được biết, dự thảo Luật này vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.

Đề xuất trừ điểm bằng lái đối với tài xế vi phạm giao thông: Có sự chồng chéo luật?
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: trừ điểm Giấy phép lái xe?

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.