Tình tiết đáng chú ý ở vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát

Ngày 5/3, Hội đồng xét xử (HĐXX) của TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên sơ thẩm, xem xét hành vi của bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo, trong đó có cả 5 cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB đang bỏ trốn.
Các bị cáo trong vụ án. Ảnh: Bảo Lâm
Các bị cáo trong vụ án. Ảnh: Bảo Lâm

2 lãnh đạo Ngân hàng SCB không bị xử lý ở vụ Vạn Thịnh Phát?

Theo cáo trạng của VKSND TC, nhóm cán bộ ở cấp đơn vị, chi nhánh cho vay; tái thẩm định cho vay; tham mưu cho Ban Tổng Giám đốc, cán bộ giúp việc cho Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát có tham gia trong hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định; kiểm tra, kiểm soát hoạt động Ngân hàng SCB và những người ở cấp đơn vị, chi nhánh tham gia hạch toán liên quan đến tiền giải ngân đối với các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, họ đều là những người lệ thuộc, làm công ăn lương, không giữ chức vụ, vị trí chủ chốt; họ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo yêu cầu của lãnh đạo SCB.

Đối với Nguyễn Phương Hồng, Phó Giám đốc, Giám đốc SCB chi nhánh Sài Gòn; Nguyễn Tiến Thành, Thành viên HĐQT SCB, cơ quan công tố xác định, họ tham gia xây dựng hồ sơ vay vốn, thực hiện việc xét duyệt, cấp tín dụng đối với các khoản vay của khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn trái quy định của ngân hàng này, giúp cho Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội để sử dụng, chiếm đoạt tiền trái phép của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Nguyễn Phương Hồng và Nguyễn Tiến Thành đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Đối với nhóm đối tượng được thuê đứng tên ký khoản vay, đứng đại diện pháp luật công ty (Cty) ký hồ sơ vay, đứng tên tài sản bảo đảm, ký chứng từ rút, chuyển tiền… liên quan đến các hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định với các khách hàng thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát vay vốn SCB, họ có vai trò thứ yếu; là những người lệ thuộc thực hiện nhiệm vụ do các đối tượng khác thuê… nên không bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Đối với ông Nguyễn Ngọc Dương, Tổng Giám đốc Cty Sài Gòn Peninsula thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, được xác định đã tham gia vào quá trình tìm kiếm, thuê người đứng tên các khoản vay, đứng tên các pháp nhân, sở hữu cổ phần…; trực tiếp đứng tên hợp đồng vay vốn, thế chấp tài sản, là người giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội. Song, ông Nguyễn Ngọc Dương đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

11 cá nhân là thành viên Tổ giám sát SCB từ năm 2016 đến tháng 9/2022, có 10 người được ngân hàng này đưa quà vào các dịp lễ, Tết với giá trị không lớn và đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan điều tra. Họ chủ động khai báo rõ sai phạm trong công tác giám sát đối với SCB, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm.Do đó, cơ quan chức năng không xem xét trách nhiệm hình sự đối với 11 cá nhân này song kiến nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền.

Không kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện

Liên quan vụ án xảy ra tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan, có 5 bị cáo bị TAND TPHồ Chí Minh xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các bị cáo gồm: Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh; Võ Văn Thuần, Nguyễn Thị Phi Loan và Phan Tấn Trung (cùng là Phó Chánh thanh tra giám sát NHNN chi nhánh TP TPHồ Chí Minh); Nguyễn Tín (Tổ trưởng tổ giám sát).

Theo hồ sơ vụ án, hành vi của các cá nhân trên liên quan đến 4 tổ giám sát Ngân hàng SCB giai đoạn 2016-2022; việc thẩm định kế hoạch tái cơ cấu SCB 2015-2019 và Đoàn thanh tra SCB năm 2022.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định, các quy định của pháp luật và NHNN về công tác thanh tra, giám sát đối với SCB sẽ có 4 biện pháp. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến tháng 9/2022, Cục II và NHNN chi nhánh TPHồ Chí Minh đã không triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất đối với SCB.

Hai đơn vị trên chỉ triển khai các biện pháp giám sát an toàn vi mô quy định của pháp luật và biện pháp giám sát qua báo cáo của SCB, thông qua việc thành lập các tổ giám sát.

Quá trình thực hiện biện pháp giám sát qua báo cáo, khi xét thấy rủi ro, dấu hiệu vi phạm pháp luật, tổ giám sát đề xuất lãnh đạo Cục II hoặc NHNN chi nhánh TPHồ Chí Minh kiểm tra/thanh tra đối với SCB.

Trong quá trình giám sát từ năm 2016 đến tháng 9/2022, tổ giám sát đã có hơn 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về nội dung trên, đề xuất đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt nhưng không được lãnh đạo thanh tra giám sát NHNN chi nhánh TPHồ Chí Minh chấp thuận.

Theo hồ sơ vụ án, 5 bị cáo nêu trên với vai trò là lãnh đạo Cục II, lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHồ Chí Minh, lãnh đạo thanh tra giám sát NHNN chi nhánh TPHồ Chí Minh và Tổ trưởng tổ giám sát đã ngăn chặn, cản trở việc báo cáo hoặc báo cáo không trung thực các hành vi sai phạm và thực trạng tài chính rất xấu của SCB lên NHNN.

Các bị cáo cũng không kiến nghị NHNN đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện; không kiến nghị cơ quan thanh tra giám sát NHNN thanh tra pháp nhân SCB để kịp thời xử lý các sai phạm; thu hẹp phạm vi thanh tra không đúng với đề xuất của tổ giám sát, cố ý làm trái với ý kiến chỉ đạo của NHNN và cơ quan thanh tra giám sát.

Tại cuộc họp ngày 16/2/2022, ông Dũng đã chỉ đạo, kết luận, do nguồn nhân lực của thanh tra giám sát có số lượng rất hạn chế, khối lượng công việc rất lớn, thời gian yêu cầu xử lý nhanh chóng. Vì vậy, qua các nội dung nêu trên việc thực hiện thanh tra toàn bộ khách hàng là không thể thực hiện được do đó khi thanh tra cần xác định, lựa chọn khách hàng có trọng tâm.

Quá trình thực hiện giám sát, các cá nhân trên đã nhận tiền, quà biếu của SCB vào các dịp lễ, Tết. Theo đó, ông Dũng nhận 400 triệu đồng, 15.000 USD, ông Nguyễn Văn Thuần nhận 1,8 tỷ đồng, ông Phan Tấn Trung nhận 1,1 tỷ đồng, Nguyễn Thị Phi Loan nhận 470 triệu và Nguyễn Tín nhận 500 triệu đồng.

Theo cáo trạng, những sai phạm trên của ông Dũng và đồng phạm đã để nhóm Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi trái pháp luật khiến SCB mất thanh khoản hoàn toàn số tiền 677.286 tỷ đồng.Trong đó, ông Dũng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại số tiền số tiền 606.460 tỷ đồng (nợ gốc là 452.415 tỷ đồng và lãi 154.044 tỷ đồng. Những người còn lại trong nhóm này bị cáo buộc gây thiệt hại cho SCB số tiền từ 216.225 tỷ đồng đến 605.356 tỷ đồng.

Về việc không xử lý hình sự với nhiều cá nhân trên, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho hay, cơ quan tiến hành tố tụng thận trọng trong việc xem xét, đánh giá hành vi của từng đối tượng, xác định tính chất của hành vi và đánh giá hậu quả của hành vi đó đã gây ra.

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, những hành vi vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý hình sự nhưng hành vi là thứ yếu giúp sức, không hưởng lợi, thực hiện công việc theo chỉ đạo, nhận thức về pháp luật hạn chế cũng được đề cập xử lý bằng hình thức khác phù hợp với chính sách hình sự ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Điều này được thể hiện tại khoản 2, Điều 8 Bộ luật Hình sự quy định: "những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác".

Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: Bỏ trốn là từ bỏ quyền tự bào chữa
5 bị cáo đang bỏ trốn, bị truy nã gồm những ai?
Được áp dụng nguyên tắc có lợi, bà Trương Mỹ Lan cam kết giải quyết triệt để hậu quả

Bảo Lâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.