Luật Thủ đô (sửa đổi):

Quy hoạch và bảo đảm thực hiện trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các quy định liên quan đến vấn đề quy hoạch và bảo đảm thực hiện quy hoạch được quy định tại một số điều của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tập trung ở Điều 19 và Điều 20.
Huyện Gia Lâm lên quận sẽ gồm 16 phường, hình thành từ hai thị trấn và 20 xã hiện nay.     Ảnh: Khánh Huy
Huyện Gia Lâm lên quận sẽ gồm 16 phường, hình thành từ hai thị trấn và 20 xã hiện nay. Ảnh: Khánh Huy

Xây dựng Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, dẫn dắt

Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm xác định: "Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị… xây dựng khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị".

Tiếp đến, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030: "Thủ đô Hà Nội là TP Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực".

Theo đánh giá, qua gần 10 năm thi hành Luật Thủ đô 2012, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật Thủ đô 2012 còn nhiều tồn tại, hạn chế, thiếu quy định trong một số lĩnh vực, đặc biệt là công tác lập, quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, bảo tồn và phát triển văn hóa và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị. Vấn đề này đòi hỏi cần phải có các giải pháp được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phân quyền điều chỉnh quy hoạch cho Hà Nội

Các quy định liên quan đến vấn đề quy hoạch và bảo đảm thực hiện quy hoạch được quy định tại một số điều của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tập trung ở Điều 19 và Điều 20. Cụ thể, phân quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cho TP Hà Nội (Khoản 3, Điều 19). Và công tác di dời các cơ sở, đơn vị trong khu vực nội đô lịch sử và khu vực đô thị trung tâm (Khoản 1 Điều 20 và Khoản 2 Điều 20). Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đề cập tới việc sử dụng quỹ đất sau di dời để ưu tiên sử dụng, xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa (Khoản 3 Điều 20).

Cùng với đó, vấn đề quy hoạch vùng phụ cận của tuyến đường giao thông và thu hồi đất trong vùng phụ cận (Khoản 6 Điều 3 và Khoản 4 Điều 20) cũng được quan tâm. Đây là các quy định mới về vùng phụ cận được ghi nhận tại Luật Đất đai 2013 và tiếp tục được củng cố, quy định dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các đặc điểm về quy hoạch và sử dụng vùng phụ cận của pháp luật đất đai phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Thủ đô 2012 và quy định tại Điều 31 Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Nguyễn Quốc Phi, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, về vấn đề quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô (Điều 20 Dự thảo Luật), nên định hướng vùng phát thải thấp cho Thủ đô và vùng Thủ đô. Cụ thể bao gồm quy hoạch vùng phát thải thấp, các biện pháp khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô; biện pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân; cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ không đảm bảo tiêu chuẩn về phát thải, sử dụng năng lượng hiệu quả và chuyển dịch năng lượng.

Phân quyền cho Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội quy định vùng phát thải thấp (LEZ) phù hợp với điều kiện của Thủ đô. Yêu cầu cụ thể đối với Luật Thủ đô (sửa đổi) là một số loại hình sản xuất, kinh doanh, phương tiện giao thông, công trình xây dựng có khả năng gây ô nhiễm bị hạn chế hoạt động hoặc phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường cao hơn so với quy định chung. Trong một số trường hợp, các phương tiện ô nhiễm tiếp cận bị hạn chế hoặc ngăn cản với mục đích cải thiện chất lượng không khí.

Hà Nội: Đảm bảo trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng Thủ đô
Góp ý về quản lý, khai thác tài sản công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.